Giáo dục

Chuyện nghề của giáo viên mầm non

Song hành với tình yêu nghề giáo, với trẻ thơ là những lo toan rất đỗi đời thường mà mỗi người giáo viên mầm non, cả miền ngược lẫn miền xuôi đều phải gánh trên vai. Đó là khi lương không nuôi nổi nghề, công việc phải xoay như chong chóng 10 - 12 giờ mỗi ngày, áp lực từ phụ huynh, người quản lý...

Lương thấp hơn đi bán hàng quần áo

Vài năm trở lại đây, câu chuyện thu nhập, áp lực từ nhiều phía tác động lớn tới giáo viên nói chung, giáo viên mầm non (GVMN) nói riêng đã giúp dư luận có những cái nhìn đa chiều, đồng cảm hơn đối với các cô nuôi dạy trẻ.

Ngoài công việc vất vả, GVMN còn phải chịu nhiều áp lực khác. Ảnh Mai Phương

Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chỉ dừng lại ở mức độ thông cảm, lợi ích của GVMN hiện vẫn phải đi bên lề so với mức tăng của giá cả thị trường. Điều này dẫn đến tình trạng giáo viên trẻ được đào tạo bài bản không mặn mà với nghề, giáo viên có kinh nghiệm thì bỏ nghề sau nhiều năm cống hiến.

Những ngày vừa qua, câu chuyện cô giáo trẻ vùng cao Hoàng Kim Anh (23 tuổi, giáo viên Trường Mầm non Pác Miau, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) viết đơn xin nghỉ việc khi năm học mới vừa bắt đầu lại một lần nữa đánh động tới dư luận. Dù lý do cô giáo Kim Anh đưa ra không còn mới nhưng vẫn khiến nhiều người cảm thấy chạnh lòng với mức độ đãi ngộ cho giáo viên mới ra trường.

Theo chia sẻ của cô giáo Kim Anh, sau 1 năm theo nghề và đã thi đỗ viên chức cô vẫn quyết định nộp đơn xin nghỉ việc bởi gia đình không có điều kiện. Mức lương 4.300.000 đồng, sau khi trừ đi tất cả các khoản ăn uống, tiền phòng trọ 800.000 đồng, sinh hoạt hàng ngày, tiền nộp một bộ đồ chơi theo chủ đề dạy, các khoản quỹ, từ thiện… cô giáo trẻ không đủ trang trải cho bản thân, chưa nói đến việc phụ giúp mẹ lo cho em gái còn đi học. Qua tìm hiểu của phóng viên thì đây cũng là tình trạng chung mà rất nhiều giáo viên trẻ dạy mầm non tại Hà Nội hiện phải đối mặt.

Trịnh Thùy Linh (23 tuổi, quê ở Hòa Bình) đang thuê nhà tại Thanh Xuân bắt đầu ngày nghỉ Chủ nhật bằng việc xách xe máy chạy qua chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm) đi lấy hàng quần áo về bán.

Với giọng thiếu ngủ cô giáo trẻ ngại ngùng tâm sự: “Ban ngày em đi dạy, tối về đăng hình lên trang cá nhân bán hàng online, nếu khách đặt mua thì cuối tuần em đi lấy hàng, sau đó tự đi giao hàng cho khách kiếm thêm thu nhập”. Công việc cộng tác viên cho các shop quần áo mỗi tháng “nếu ổn ổn cũng được hơn 3 triệu đồng, tương đương với lương GVMN”, Linh nói.

Được biết, Linh đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương và đi dạy được 2 năm. Trong năm học mới này, cô giáo trẻ chuyển tới dạy ở trường học thứ ba. Trước đó, Linh đã làm việc ở 2 trường mầm non khác, mỗi trường kéo dài 1 năm nhưng cùng có điểm chung là lương và chế độ khiến cô phải thay đổi chỗ làm.

“Trường đầu tiên, họ trả lương quá thấp 2.700.000 đồng/tháng, trong khi tiền phòng, điện nước hết 1.500.000 đồng, chưa tính tiền xăng xe, ăn uống. Trường thứ 2 ở Xa La (Hà Đông) trả lương cao hơn một ít 3.500.000 đồng nhưng chế độ bảo hiểm không phù hợp. Em muốn đóng bảo hiểm để lấy chồng và sinh em bé. Theo thỏa thuận nếu em làm đủ 1 năm sẽ được đóng bảo hiểm nhưng tới thời hạn chủ trường lại đề ra quy định mới, yêu cầu giữ sổ bảo hiểm 2 năm mới trả sổ nên em nghỉ việc”, nữ giáo viên buồn rầu tâm sự.

Để có thể theo được nghề, ngoài 10-11 giờ làm việc tại trường, buổi tối cô giáo thường đi ngủ lúc 12 giờ đêm, thậm chí 1 giờ sáng để vừa soạn giáo án và bán hàng online. “Lớp học cao đẳng của em có 60 bạn nhưng chỉ một nửa làm đúng nghề. Nhiều bạn cũng như em ban ngày đi dạy tối về đi bán hàng quần áo, đi phục vụ ở quán cafe”, Linh nhẩm tính và nói. Theo Linh, đi làm dù mệt nhưng được gặp các bạn nhỏ lại rất vui. Tuy nhiên, có quá nhiều áp lực khác khiến nhiều GVMN luôn rơi vào tình trạng căng thẳng.

Linh kể: “Nhiều phụ huynh rảnh xem camera từ 7 giờ sáng đến khi đón con về mới thôi. Nếu không vừa ý chuyện gì lại gọi điện cho các cô, chỉ đạo qua camera. Tiếp đó là cơ hội tuyển dụng đối với GVMN tương đối rộng mở, nhưng mức lương không bõ công sức bỏ ra. Một vài người bạn thi vào được trường công vẫn nhảy ra ngoài dạy trường tư do lương cao hơn”. Mặc dù mệt mỏi nhưng cô giáo trẻ vẫn hy vọng, ngôi trường sắp tới đi làm mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn với mức lương khởi điểm 4.000.000 đồng/tháng.

Bỏ “cọc” chạy lấy người

Sau 5 năm tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm, chị Nguyễn Thủy Nguyên (hiện làm nhân viên văn phòng) vẫn ám ảnh thời gian đi dạy mầm non tại một cơ sở trên đường Láng Hạ. Dù lương chỉ có 2.700.000 đồng nhưng phải có mặt ở trường từ 7 giờ đến 17 giờ mỗi ngày. Sau khi dọn dẹp sẽ bắt đầu đón trẻ, nửa buổi cho trẻ uống sữa mà phụ huynh đã chuẩn bị sẵn.

10 giờ 30 cho trẻ ăn trưa, xong xuôi thu dọn bàn ghế, rải ráp giường cho trẻ ngủ rồi ôm khăn xô, cốc, bô… đi rửa sạch sẽ. Hơn 12 giờ mới được ăn cơm trưa, đang ăn chỉ cần nghe trẻ o e khóc lại phải chạy vào bế ra ngồi ăn cùng... Buổi chiều, tiếp tục lặp lại quá trình giống như buổi sáng, không có nghỉ trưa.

Chị Nguyên kể thêm, chủ trường mầm non tư thục luôn thắt chặt mức chi, nhiều giáo viên trước đó không chịu được áp lực đã nghỉ việc. “Có buổi học, lớp 20 bé mà chỉ có một mình tôi làm quần quật, việc gì cũng đến tay, cứ mấy hôm tôi lại sốt vì cảm nước. Làm được tới tháng thứ 7, tôi không cố được nữa đành phải bỏ và mất 200.000 đồng tiền đóng cọc đồng phục.

Tôi sẽ không bao giờ quay lại môi trường như thế nữa. Lúc nghỉ việc mầm non, đi bán quần áo tại chợ Nhà Xanh tôi còn nhận được mức lương cao hơn, 3.500.000 đồng và được nuôi ăn”, chị Nguyên ngậm ngùi nhớ lại.

Chị Phạm Tuyết Mai (một GVMN hiện sinh sống ở Cầu Giấy) chia sẻ: “Khi con trai được 9 tháng tuổi tôi gửi bé đi nhà trẻ. Không muốn xa con nên tôi xin vào dạy cùng trường con học. Tại đây, tôi mới hiểu hết áp lực từ rất nhiều phía mà các GVMN phải chịu.

Các bạn dạy lớp nhỏ mới 6 tháng tuổi sẽ rất vất vả trong việc chăm sóc trẻ từ miếng ăn, giấc ngủ, đi vệ sinh, dỗ bé không được khóc. Mọi người thử tưởng tượng 1 mẹ chăm 1 con còn có lúc sơ sẩy, nhưng với GVMN thì lại không được phép sai lầm. Ngay cả khi tức giận nhất cũng không được làm tổn thương con người khác”.

Với trẻ lớn hơn thì áp lực từ phụ huynh, có những việc mà ngay cả bố mẹ các bé ở nhà cũng không làm được như luôn đóng bỉm cho con nhưng lại đòi hỏi cô giáo trên lớp phải dạy trẻ biết đi vệ sinh đúng giờ, đúng cách. Việc trẻ nhỏ có hành động cào cấu, cắn xé… là điều bình thường, phù hợp với tâm lý phát triển của trẻ nhưng có trường hợp phụ huynh không hiểu, khiến các cô rất mệt.

Cô Mai vẫn nhớ như in, câu chuyện 2 học sinh lớp 3 tuổi chơi đùa và cắn nhau. Phụ huynh của bé bị cắn đã thuê giang hồ đến vây trường học. Đồng thời, không cho phụ huynh kia đến đón con với lý do:“Không đánh được con nên sẽ đánh bố mẹ. Lúc đó giáo viên chúng tôi phải đứng ra giảng hòa, 10 giờ đêm mới được về. Ngay ngày hôm sau đã phải chuyển lớp và có chế độ chăm sóc cực kỳ đặc biệt với bạn bị cắn. Do đó, mỗi khi xem những vụ bạo hành trẻ nhỏ, tôi nghĩ đồng nghiệp của mình thực tâm không ai muốn làm như thế”, cô Mai nói về áp lực mà GVMN phải chịu.

Tác giả: Mai Phương

Nguồn tin: Báo Lao động thủ đô

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP