Tin Hà Tĩnh

Chuyện lạ lùng ở Hà Tĩnh: Bắt ong nộp lệ phí 'bảo vệ' cho xã

Thời tiết khí hậu miền Nam và Tây Nguyên đang chuyển mùa mưa nên những người nuôi ong lấy mật lại ngược xuôi đưa ong đi để tìm những cánh rừng nhằm đơm hoa. Sau hàng chục năm cùng ong phiêu dạt khắp tứ xứ, nhưng chưa lần nào họ gặp những chuyện lạ lùng như ở Hà Tĩnh là bắt ong nộp lệ phí cho xã.

Khi con ong phải “cõng” phí

Vào những tháng hè, dưới tán rừng tràm bạt ngàn thuộc các xã Kỳ Trung, Kỳ Tây, Kỳ Văn huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có hàng chục ngàn chiếc hộp đựng ong được đưa từ miền Nam ra đây để nuôi lấy mật.

Tuy nhiên theo những chủ hộ đến nuôi ong phản ánh, để được nuôi ong ở đây, họ phải gồng mình đóng khoản "lệ phí nuôi ong'' bất hợp lý do chính quyền địa phương đặt ra.

Cụ thể, mỗi hộ đến đây sau khi lên đăng ký tạm trú đều được xã yêu cầu phải nộp 2 triệu đồng/hộ và thực hiện việc đóng nộp trong thời gian sớm nhất, nếu không sẽ bị yêu cầu rời đi khỏi nơi này.

Là người có hơn 15 năm trong nghề nuôi ong, anh Tạ Quốc Khánh (trú tại Đắk Lắk) cho biết chưa bao giờ gặp chuyện phải đóng tiền phí nuôi ong như ở Hà Tĩnh.

Những hộ nuôi ong tại Hà Tĩnh đang bức xúc khi họ phải đóng những khoản thu vô lý. Ảnh Hoài Nam.

“Qúa vô lý, thà chính quyền cho các hộ như chúng tôi đóng theo các khoản như quỹ bảo trợ trẻ em, quỹ an ninh hay là quỹ xây dựng đường nông thôn mới thì chúng tôi có thể đồng tình và chấp nhận.

Nhưng chuyện bắt các hộ nuôi ong phải nộp “lệ phí nuôi ong” thì không đúng, bởi chúng tôi đã đăng ký tạm trú tạm vắng đầy đủ, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm bảo vệ cho các hộ chứ ai lại bắt dân phải đóng phí bảo lãnh nuôi ong bao giờ”, anh Khánh chia sẻ.

Ông Đào Xuân Tí (61 tuổi), chủ hộ nuôi ong tại Kỳ Trung chia sẻ: “Tôi đi nhiều rồi, từ Nam vào Bắc nhưng chưa bao giờ đi nuôi mà phải đóng phí cho xã, chỉ có ở Hà Tĩnh này thôi. Mật thì rớt giá, không bán được giờ lại đóng phí nuôi ong nữa chúng tôi khó khăn lắm. Hôm trước xã yêu cầu đóng 3 triệu/hộ, nhưng sau khi chúng tôi phàn nàn khó khăn, xã giảm xuống cho 2 triệu/hộ”.

Bi hài chuyện phát giấy mời nộp phí

Theo những hộ nuôi ong cho biết, sau khi các chủ hộ đưa ong về đánh mật tại xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh thì Trưởng Công an xã này đã phát đi giấy mời yêu cầu các hộ nuôi ong trên địa bàn phải nộp “lệ phí nuôi ong”.

Anh Trần Ngọc Châu (47 tuổi, trú tại Đồng Nai) cho biết: "Tôi mang gần 400 tổ ong ra đánh mật, khi đặt ong ở đây được ít ngày thì nhận được giấy mời của Trưởng công an xã Kỳ Tây yêu cầu mỗi hộ nộp 2 triệu đồng cho đàn ong của mình. Với khoản thu quá cao mà vô lý như vậy nên tôi chưa đóng.

Giấy mời của công an xã gửi đến từng hộ nuôi ong để "nộp lệ phí nuôi ong". Ảnh Hoài Nam

Nếu chính quyền bắt chúng tôi nộp, thì chúng tôi nộp nhưng phải có biên lai hoặc hóa đơn đỏ thì chúng tôi mới đóng. Đi khắp nước nhưng tôi chưa bao giờ thấy địa phương nào thu lệ phí nuôi ong cả", anh Châu bức xúc nói.

Được biết, trong giấy mời phát đi các hộ dân ghi rõ: “Trân trọng kính mời các hộ đến tại ban Công an xã để nộp “lệ phí nuôi ong”, thời gian nộp từ 13h30’ ngày 1/6/2017. Yêu cầu đến đúng giờ để gặp và làm việc với Trưởng Công an xã”.

Sau khi nhận được giấy mời này đã khiến nhiều người bức xúc, cho rằng việcphải nộp ''lệ phí nuôi ong'' là vô lý.

Xã nói tự nguyện dân kêu bắt buộc?

Liên quan đến sự việc này, ông Nguyễn Viết Kỳ, Chủ tịch UBND xã Kỳ Tây lại cho rằng, việc thu phí nuôi ong là tự nguyện chứ không bắt buộc.

“Do tính chất trên địa bàn khá phức tạp, khi đến đây các hộ nuôi ong phải ở lâu nên họ tự nguyện đóng cho xã làm phí bảo vệ. Mức giá 2 triệu đồng/hộ đó là các hộ đưa ra để cho bằng nhau chứ xã không đưa ra mức”, ông Ký nói.

Lý giải về giấy mời do Trưởng Công an xã gửi về các hộ nuôi ong, vị chủ tịch xã cho hay:

“Việc Công an ghi giấy mời như vậy là do lỗi đánh máy, thiếu hợp lý, sai quy trình. Sắp tới xã sẽ làm đúng theo quy trình, quy định của nhà nước. Trên địa bàn hiện có hơn 50 hộ nuôi, và việc thu phí này bắt đầu từ nắm 2010 đến nay...”.

Việc thu phí nuôi ong đã tồn tại nhiều năm nay tại Hà Tĩnh. Ảnh Hoài Nam.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Lương Nam, Trưởng Công an xã Kỳ Tây khẳng định việc gửi giấy mời và thu phí là thực hiện theo chỉ thị của xã.

“Khi người nuôi ong đến, xã đã có cuộc họp Thường vụ và thống nhất khoản thu rồi mới bàn giao cho công an phát giấy mời họ đến vừa làm tạm trú, vừa nộp phí bảo vệ ong. Ban đầu đặt giá 3 triệu/hộ, nhưng sau đó giảm xuống 2 triệu/hộ.

Chuyện này là tự nguyện nhưng đã thành thông lệ nên anh em đến họ đều biết quy định và thực hiện. Khi thu có phiếu thu và ghi rõ “lệ phí bảo vệ”, sau đó số tiền này sẽ chuyển về ngân sách xã.

Còn nếu xã bảo tôi không có chỉ thị mà tự thu, tự gửi giấy mời, làm không đúng quy trình thì tôi xin gửi lại toàn bộ kế hoạch để xã tìm người khác làm” , vị Trưởng Công an cho hay.

Ông Bùi Quang Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết, đã nhận được thông tin này và đang điều tra, xác minh, nếu ai sai sẽ xử lý đúng theo pháp luật.

“Huyện đã nhận được thông tin, trong danh mục thuế là không có việc thu “phí nuôi ong này”. Đất rừng đó là đã bàn giao cho người dân quản lý rồi. Trước thông tin này, chúng tôi cẽ cử người tìm hiểu và nếu ai sai sẽ xử lý đúng theo pháp luật,” ông Hoàn nói.

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Đời sống & Pháp lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP