Chuyên gia phong thuỷ Lương Ngọc Huỳnh thực hiện nghi lễ dâng sao giải hạn đậm chất Việt |
Tết Hàn thực - Tết đạo nghĩa của người Việt
Theo GS - võ sư Lương Ngọc Huỳnh, chuyên gia phong thuỷ hàng đầu Việt Nam, lâu nay, nói về Tết Hàn thực, nhiều người Việt thường gắn với câu chuyện về Giới Tử Thôi theo điển tích cổ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng Tết Hàn thực ở Việt Nam còn có sự tích liên quan đến Hai Bà Trưng. Theo đó, Hai Bà Trưng sau khi không chống nổi Mã Viện, biết rằng tình thế nguy cấp nên đã rút quân đến địa danh Mê Linh. Tại đây, Hai Bà được nhân dân dâng bữa bằng món bánh trôi. Trước tình thế quân giặc áp đảo, Hai bà quyết không để rơi vào tay giặc nên đã gieo mình xuống dòng sông Hát và hy sinh ngày mùng 6 tháng 3 âm lịch.
Ông Huỳnh cũng chia sẻ, Tết Hàn Thực còn trùng với dịp Thanh Minh - thời điểm dân gian truyền tụng và thể hiện hiếu đạo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. “Với tôi thì những điển tích xưa gắn với Tết Hàn thực đều thể hiện đạo nghĩa, hay đạo hiếu của người phương đông”, ông Huỳnh nói.
Bên cạnh đó, dưới góc nhìn của ông Huỳnh, nghĩa đạo cũng cần được thể hiện với những vị anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh trong suốt chiều dài chống ngoại xâm của dân tộc.
Ông Huỳnh phân tích: Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã đổ bao xương máu để dành lại độc lập tự do cho dân tộc, biết bao người đã ngã xuống mà trong bụng không có được một hạt cơm miếng sắn, biết bao người đã hy sinh trên dãy núi Trường Sơn mà trong bụng chỉ có vài miếng lương khô... "Cho nên ngoài những tích xưa điển cũ, thì trong đời sống hiện tại, chúng ta cũng phải vô cùng biết ơn anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì đất nước. Hãy thắp cho họ một nén nhang, một bát cơm nóng, một ấm trà nóng để sưởi ấm tình người, ông Huỳnh nói và nhấn mạnh: Giá trị của tết Hàn Thực, tiết Thanh Minh là nhắc nhở những người đang sống, hãy nhìn lại mình, soi lại lương tâm của mình, để mỗi người tự hoàn thiện mình hơn, thể hiện đạo nghĩa với những người đã khuất!
Bán trôi, bánh chay là món không thể thiếu trong Tết hàn thực của người Việt |
Lòng biết ơn không chỉ thể hiện qua nghi lễ
Về nghi lễ thờ cúng ngày Tết Hàn Thưc, theo ông Huỳnh, mỗi gia đình có thể làm hai mâm cơm, một mâm để thờ cúng gia tiên, một mâm để thờ cúng tưởng nhớ đến những vị anh hùng dân tộc, những chiến sỹ đã hy sinh vì tổ quốc. Mâm thờ gia tiên thì cũng nên có đủ đồ chay đồ mặn, hương hoa, rượu trà đầy đủ. Nội dung khấn, thể hiện được tấm lòng thành kính hiếu nghĩa, biết ơn hồng phúc gia tiên.
Mâm thờ các vị anh hùng và các liệt sỹ có thể để ngoài trời, ngoài sân, ngoài ban công... Ông Huỳnh gợi ý, nên có một chiếc bàn trải miếng vải đỏ lên trên mặt bàn trước khi bày lễ vật. Lễ vật thì tuỳ theo điều kiện từng gia đình, nếu có điều kiện thì làm lớn, nếu không có điều kiện thì hương hoa trà nến gọi là tấm lòng của mình với các vị.
Nội dung khấn cũng hướng đến lòng biết ơn các Đế Vương, vị anh hùng dân tộc, các liệt sỹ đã hi sinh trong lịch sử dựng nước và giữ nước vĩ đại.
Bên cạnh đó nghi lễ, ông Huỳnh cho rằng, một trong những điều quan trọng nhất thể hiện đạo hiếu, đạo nghĩa với tổ tiên, với những người có công với đất nước, là thái độ, hành động của chính chúng ta. "Không gì thể hiện lòng biết ơn thành kính bằng việc mỗi người Việt cần làm hết sức mình phụng sự nhân dân, phụng sự tổ quốc, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư... phụng sự giang sơn xã tắc, tuyệt đối không tham ô tham nhũng, không tranh quyền đoạt chức, không vụ lợi riêng mình, không lợi ích nhóm, tất cả vì nhân dân Việt Nam, vì một tổ quốc hùng cường và thịnh vượng", ông Huỳnh nhấn mạnh.
Tác giả: Thảo Nguyên
Nguồn tin: Báo Giao thông