Tin Hà Tĩnh

Tết buồn tênh nơi phố núi từng đầy siêu xe, đám cưới vàng

Thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn, Hà Tĩnh) từng xôn xao với đám cưới triệu đô, siêu xe lượn khắp phố, nay đìu hiu đến lạ thường khi Tết đến.

Thị trấn Tây Sơn nằm ở cửa ngõ khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, được ví là trạm trung chuyển hàng lớn của Hà Tĩnh và khu vực. Trong ký ức của người dân vẫn không thể quên một giai đoạn huy hoàng, thịnh vượng.

Đoạn đường vào thị trấn Tây Sơn sầm uất một thời. Ảnh chụp tháng 12/2017

Còn nhớ, năm 2002, đồ điện tử tràn vào nước ta, người dân Tây Sơn nhanh chóng chớp cơ hội qua nước bạn Lào tìm mối giao thương.

Một thương nhân từng buôn bán đồ điện tử tại thị trấn Tây Sơn cho hay, giai đoạn những năm 2000, việc thông thương qua cửa khẩu khá dễ dàng.

“Chỉ cần có khoản tiền đầu tư kha khá, sang Lào biết tìm mối làm ăn thì nguồn hàng được cung ứng vô số. Hàng hóa nhập về một số được chuyển xuống miền xuôi, số khác bày bán khắp các con phố, rất nhộn nhịp” - vị thương nhân này nói.

Một trong những đám cưới rình rang với dàn mô tô khủng dẫn đoàn tại phố núi Tây Sơn năm 2014

Qua thời buôn bán đồ điện tử, những người nhạy với thời cuộc chuyển sang buôn lúa gạo, nước ngọt, và đặc biệt là gỗ trắc. Thương nhân buôn gỗ được đánh giá là giàu có hơn cả ở thị trấn phố núi này.

Ăn nên làm ra, người dân thị trấn đua nhau xây nhà. Những ngôi nhà 2 - 3 tầng san sát mọc lên, giá vật liệu đẩy lên cao vút.

“Nhà cửa ở đây phần lớn làm theo kiểu Thái, Lào. Thời kỳ đầu rất lạ mắt, người ta đua nhau xây dựng, cứ thế trong khoảng 3 năm, từ một thị trấn nhà cửa lụp xụp biến thành những góc phố phồn hoa” - ông Trần Hữu Sáu, một người sống lâu năm tại thị trấn chia sẻ.

Siêu xe Ferrari làm xe hoa đám cưới con nữ đại gia Nguyễn Thị Liễu

Hiếm có nơi nào ở dải đất miền Trung nghèo khó lại có được bộ sưu tập xe sang như vùng đất này.

Cô dâu chú rể đeo số lượng vàng lớn trong 1 đám cưới ở phố núi Hương Sơn

Hầu hết các loại xe như Rolls Royce, Ferrari, Bently, Poscher... đều được các thương nhân giàu có mua sắm, chạy khắp thị trấn.

Bên cạnh đó, những đám cưới “khủng” được tổ chức khiến dư luận xôn xao một thời như đám cưới con trai nữ đại gia Nguyễn Thị Liễu vào năm 2012, quy tụ hàng chục siêu xe và những ca sỹ nổi tiếng trong, ngoài nước tham gia.

Cảnh đìu hiu khi xuân về

Khác với những năm tháng đó, những ngày Tết 2018, thị trấn Tây Sơn đìu hiu, buồn tênh đến lạ thường.

Cửa khẩu Cầu Treo một thời sầm uất giao thương

Sáng sớm, cả thị trấn chìm trong màn sương ken đặc, các con phố rộng thênh thang trở nên vắng vẻ, những dãy nhà cao tầng ủ rũ cửa đóng then cài.

Ông Vũ Quốc Khánh (một cán bộ về hưu) ngồi lặng lẽ bên ly cà phê ở một góc đường chép miệng: "Mấy năm trước xe cộ chạy suốt ngày đêm, bây giờ tết đến mà không khí vẫn đìu hiu như ngày thường".

Theo nhiều người dân, hiện nay hàng hóa trong nước đã bão hòa, mua về bán ra không có lời nên số người kinh doanh giảm hẳn. Nhiều con phố sầm uất nay lặng như tờ, người dân chuyển sang nghề khác hoặc vào rừng kiếm sống.

Ngôi nhà của một thương nhân đã cầm cố ngân hàng ở thị trấn Tây Sơn

Đại diện ngân hàng Agribank chi nhánh Tây Sơn tiết lộ, toàn chi nhánh có hơn 45 tỷ đồng nợ tồn đọng khó thu hồi. Ngân hàng cũng đang làm hồ sơ chuyển trung tâm đấu giá 11 ngôi nhà để thu hồi vốn.

Tuy nhiên, do lượng tiền trong dân khan hiếm nên việc này cũng sẽ gặp không ít khó khăn.

Do đổi chính sách, hạ tầng xuống cấp

Ông Nguyễn Kim Phượng, Phó chủ tịch HĐND thị trấn Tây Sơn nhìn nhận, từ năm 2013 tới nay, kinh tế ngày càng khó khăn. Mỗi năm giảm từ 5-7 doanh nghiệp, các hộ kinh doanh nhỏ qua Lào buôn bán làm ăn ít dần.

Thị trấn Tây Sơn không còn nhộn nhịp giao thương như trước đây

Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Nguyễn Quang Thọ cho hay, việc buôn bán kinh doanh của người dân giảm xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Trước đây, khu kinh tế này được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, đặc biệt là thuế suất 0% đối với một số mặt hàng từ nội địa đưa vào. Vì thế trong một thời gian dài việc buôn bán giao thương rất nhộn nhịp.

Song, theo luật mới thì khu kinh tế do không có “hàng rào cứng” nên không còn là khu phi thuế quan. Nhiều mặt hàng không còn được hưởng các chính sách ưu đãi như trước.

Ngoài ra, việc Lào đóng cửa rừng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến bộ phận kinh doanh ngành gỗ. Hơn nữa, hạ tầng giao thông xuống cấp mạnh nên lưu lượng hàng hóa cũng giảm.

“Trước những khó khăn trên, trong các cuộc họp với các bộ ngành, chúng tôi luôn mong Chính phủ sớm đề ra những chính sách kịp thời để kích cầu lại nền kinh tế tại đây, đặc biệt là hoàn thiện hạ tầng QL 8A để xe cộ lưu thông thuận tiện” - ông Thọ nói.

Tác giả: Lê Minh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP