Tin trong nước

Chuyên gia lo cao tốc Bắc Nam vắng xe

Dẫn chứng đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng vắng xe tải, chuyên gia giao thông lo ngại việc làm đường bộ cao tốc xuyên Việt sẽ khó phát huy hiệu quả.

Trước việc Bộ Giao thông trình Chính phủ đề án đường bộ cao tốc Bắc – Nam dài 1.372km với tổng mức đầu tư 229.829 tỷ đồng, một số chuyên gia lo ngại về tính hiệu quả của đề án.

chuyen-gia-lo-cao-toc-bac-nam-vang-xe

Theo đề án, hầu hết các tuyến cao tốc được đầu tư 4 làn xe. Ảnh: Đ.Loan

TS Nguyễn Xuân Thủy (chuyên gia giao thông) cho rằng, nên đầu tư tuyến đường biển và đường sắt tốc độ cao Bắc Nam thay vì đường bộ. Ông Thủy phân tích, quốc lộ 1 hiện có chất lượng khá tốt, do vậy nếu sau này mức phí cho một xe ôtô lưu thông tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam lên đến hàng triệu đồng, người dân sẽ chọn đi quốc lộ 1 hoặc đi máy bay, còn hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt, do vậy cao tốc Bắc Nam có thể vắng khách.

Ông Thủy cho biết, ông đi đường Hồ Chí Minh thấy nhiều đoạn rất ít phương tiện, như vậy là tuyến đường này chưa phát huy hết hiệu quả. “Đường bộ Bắc Nam đã có quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, giờ thêm cao tốc là dàn trải trong bối cảnh nguồn lực đầu tư hạn hẹp”, ông Thủy nói.

Ngoài ra, theo ông Thủy, việc đầu tư theo hình thức BOT cần được Bộ Giao thông nghiên cứu kỹ hơn, vì thời gian qua một số dự án BOT chưa hiệu quả, gây bức xúc trong nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Thanh (Chủ tịch Hiệp hội vận tải Ôtô Việt Nam) nêu quan điểm đề án cao tốc Bắc Nam cần triển khai nhanh, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa dọc tuyến Bắc Nam, vì hiện nay quốc lộ 1 đã quá tải. Tuy nhiên, chung lo ngại với TS Thủy, ông Thanh cho rằng bài toán khó nhất là làm sao thu hút các loại phương tiện đi cao tốc, bởi mức phí cao. Mặc dù quốc lộ 1 quá tải, song mức phí thấp hơn nên vẫn có lượng lớn xe tải lớn đi trên tuyến này. Cụ thể như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng chưa thu hút được xe tải lớn do không chạy song song với quốc lộ 5 cũ, không có đường nhánh ra các khu công nghiệp tại Hưng Yên.

Theo ông Thanh, để các dự án cao tốc đạt hiệu quả, cần có quy hoạch tốt với hệ thống đường kết nối các khu đô thị, khu công nghiệp. Điều quan trọng là, ngành giao thông cần có biện pháp quản lý tốt dự án để tránh thất thoát, kiểm soát chất lượng đường.

chuyen-gia-lo-cao-toc-bac-nam-vang-xe-1

Nếu cao tốc Bắc – Nam hoàn thành, cả nước sẽ có 2.600 km đường cao tốc. Ảnh:Giang Huy

Lạc quan về khả năng thu hút phương tiện đi cao tốc, ông Khuất Việt Hùng (Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia) khẳng định, người dân sẵn sàng chi trả khi họ được sử dụng dịch vụ chất lượng tốt, thời gian lưu thông ngắn, tiêu hao năng lượng thấp. Một tuyến cao tốc đạt hiệu quả hay không, cần được đánh giá qua thời gian dài, các năm đầu tiên thường không đông phương tiện.

Theo ông Hùng, đường sắt cao tốc sẽ vẫn được triển khai, nhưng do thời gian khởi động mất 8-9 năm, nên đường bộ cao tốc là cần thiết với khả năng tiếp cận dân cư cao hơn đường sắt.

Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đến năm 2020, dài 1.372km với tổng mức đầu tư 229.829 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm khoảng 40%, còn lại là vốn nhà đầu tư huy động.

Theo tờ trình, tuyến đường thiết kế tốc độ 100 – 120 km/h; các đoạn qua khu vực có điều kiện địa hình khó khăn sẽ đạt tốc độ thiết kế 60 – 80 km/h. Với chiều dài 1.372km, đề án phân chia thành 20 dự án thành phần, mỗi dự án được khai thác độc lập, phù hợp với khả năng huy động theo hình thức PPP (hợp tác công tư) có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước, thời gian thu phí nhỏ hơn 25 năm.

Đoàn Loan

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP