Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các vấn đề liên quan đến ANTT đã nảy sinh, tại một số địa phương, Cơ quan CSĐT đã phải khởi tố vụ án án hình sự vì hành vi gây rối trật tự công cộng, để đảm bảo ổn định tình hình.
Những tiềm ẩn về ANTT
Thực tế hiện nay cho thấy, một số chợ trên địa bàn Hà Tĩnh bộc lộ nhiều tồn tại như bộ máy quản lý chợ hoạt động thiếu chuyên nghiệp, công tác phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, đảm bảo ANTT tại các chợ còn hạn chế. Trong năm qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ cháy chợ với thiệt hại lên tới hàng chục tỉ đồng.
Cháy chợ Hương Khê
Trước những hạn chế, bất cập nêu trên, ngày 24/12/2014 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định 4112/QĐ-UB về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển chợ trên địa bàn Hà Tĩnh đến năm 2020, định hướng đến 2025; theo đó, Hà Tĩnh có 169 chợ, gồm 4 chợ hạng 1, 10 chợ hạng 2, 155 chợ hạng 3, chấm dứt hoàn toàn tình trạng chợ tạm, chợ tự phát. Trong đó, khuyến khích xã hội hóa đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển mạng lưới chợ, trong đó chú trọng thu hút vốn từ các thương nhân kinh doanh tại chợ; huy động vốn thông qua việc khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào hoạt động kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh.. Hàng năm bố trí ngân sách các cấp và lồng ghép các nguồn vốn khác để tập trung, khuyến khích phát triển hạ tầng chợ, đặc biệt tại địa bàn trọng điểm ưu tiên phát triển, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa…
Thực hiện chủ trương trên, từ khi chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp quản lý, với sự đầu tư mạnh mẽ và toàn diện, cơ sở hạ tầng của Trung tâm Thương mại Cẩm Xuyên, Thị xã Kỳ Anh, mới đây là Thị xã Hồng Lĩnh… cơ sở hiện đại, thu hút nhiều vào kinh doanh, buôn bán. Theo đó, việc đóng góp ngân sách của chợ cũng tăng lên đáng kể. Ngoài ra, công tác đảm bảo an toàn PCCC, ANTT, ATVSTP đảm bảo an toàn trong kinh doanh. Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ còn phát huy hiệu quả trong việc giải quyết địa điểm kinh doanh cho nhiều hộ tiểu thương và hạn chế tình trạng chợ cóc, buôn bán lấn chiếm hành lang ATGT, giải quyết tình trạng mua bán hàng hóa tràn lan tại khu vực xung quanh chợ. Nhờ đó, mỹ quan đô thị, tình hình ANTT, trật tự ATGT cũng được đảm bảo.
Thực tế cho thấy, trước khi thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý chợ, không ít tiểu thương lo lắng chuyển sang chợ mới phải đóng phí nhiều, sợ thay đổi địa điểm bán hàng bị mất khách… Một số hộ dân ở vị trí gần chợ được hưởng lợi, khi chợ dời đi nơi khác đã phản ứng quyết liệt, thậm chí cấu kết, kích động phản đối, lôi kéo đám đông khiếu kiện vượt cấp hay chống đối, ảnh hưởng đến ANTT và tiến độ triển khai chủ trương xã hội hóa đầu tư, xây dựng chợ. Đáng chú ý tại một số địa phương, số đối tượng kích động, chống đối lợi dụng tâm lý của tiểu thương, lợi dụng mạng xã hội, báo chí… tuyên truyền, kích động, tụ tập tiểu thương khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp.
Tại Thị xã Hồng Lĩnh, theo số liệu thống kê từ 15/5/2014 – 13/10/2016 có 29 lần tiểu tương, các hộ dân xung quanh chợ Hồng Lĩnh tập trung đông người, khiếu kiện, với mục đích gây áp lực để đề nghị không đóng cửa chợ Hồng Lĩnh, gây mất ổn định về tình hình ANTT. Để có kinh phí đi kiến nghị ở tỉnh và các cơ quan trung ương ở Hà Nội, thuê luật sư, các tiểu thương và người dân xung quanh chợ đã nhiều đợt đóng góp tiền để phản đối chủ trương đóng cửa chợ Hồng Lĩnh, tạm dừng xây dựng Trung tâm thương mại tổng hợp, siêu thị Thị xã Hồng Lĩnh.
Tại thị xã Kỳ Anh, tháng 11/ 2015, khi UBND thị xã tổ chức cuộc họp về bàn về chủ trương di dời và đóng cửa chợ Kỳ Anh cũ, triển khai một số nhiệm vụ về ANTT trên địa bàn thị xã, hàng trăm tiểu thương tụ tập kéo lên trụ sở để phản đối quyết định đóng cửa chợ Kỳ Anh cũ, đưa chợ Kỳ Anh mới vào hoạt động. Mặc dù lãnh đạo thị xã Kỳ Anh và các lực lượng chức năng đã vận động bà con tiểu thương vào hội trường lớn của thị xã để đối thoại, tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động của các phòng, ban chức năng đang làm việc của thị xã, nhưng bà con tiểu thương vẫn tụ tập, hô hét, không chấp hành. Đặc biệt, 6 đối tượng gồm: Nguyễn Thị Hồng (SN 1972, phường Sông Trí, TX. Kỳ Anh), Nguyễn Thị Tuyết (SN 1967, phường Sông Trí, TX. Kỳ Anh), Nguyễn Thị Lý (SN 1968, xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh), Bùi Thị Nhung (1967, phường Sông Trí, TX. Kỳ Anh), Lê Thị Lan (SN 1969, xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh), Nguyễn Thị Ngọc Thảo (1988, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh) thường xuyên có các lời lẽ xúc phạm các lực lượng làm nhiệm vụ và kích động, lôi kéo các tiểu thương gây bất ổn tình hình ANTT tại trụ sở. Mặc dù lực lượng công an đã lập hàng rào bảo vệ nhưng các tiểu thương vẫn quá khích, xô đẩy khiến cửa kính cường lực toà nhà làm việc của UBND thị xã bị vỡ, mảnh kính vỡ làm 2 người bị thương nhẹ.
Xét thấy sự việc có dấu hiệu tội phạm, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Kỳ Anh đã ra quyết định khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng để điều tra, làm rõ các đối tượng có liên quan. Ngày 29/11/2016, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TX Kỳ Anh đã tuyên phạt Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Lý, Nguyễn Thị Ngọc Thảo, mỗi bị cáo 9 tháng tù giam; Nguyễn Thị Tuyết, Bùi Thị Nhung, Lê Thị Lan mỗi bị cáo 8 tháng tù giam.
Từ thực tế đó cho thấy, để thực hiện tốt công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ cần một giải pháp căn cơ, toàn diện, đảm bảo phát triển kinh tế gắn với đảm bảo ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Cần tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại với nhân dân
Sau 3 năm xây dựng, hiện nay Trung tâm thương mại siêu thị Hồng Lĩnh đi vào hoạt động với 730 hộ tiểu thương kinh doanh. Mặc dù quá trình triển khai đã có những khó khăn, vướng mắc, mất ổn định về tình hình ANTT, tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tăng cường các mặt công tác đảm bảo ANTT của lực lượng Công an, Hồng Lĩnh đã trở thành điểm sáng trong công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ, không để xảy ra vụ án hình sự, kiên trì thuyết phục, vận động nhân dân, không để người dân vi phạm pháp luật.
Theo ông Đặng Ngọc Huấn, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thị xã Hồng Lĩnh: Để tạo sự đồng thuật trong nhân dân, Mặt trật Tổ quốc thị xã Hồng Lĩnh đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tập trung công tác tuyên truyền để tiểu thương hiểu. Tuyên truyền tổng thể, từ chi bộ, chi đoàn, Đảng viên, hội viên, để cán bộ nhân dân hiểu, đồng tình chủ trương. Bên cạnh đó thực hiện tốt công tác đối với nhân dân vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo. Mời bà con tham quan trong quá trình xây dựng, tạo sức lan tỏa trong quá trình thực hiện. MTTQ thường xuyên cung cấp thông tin cho lực lượng Công an nắm chắc tình hình, các đối tượng cá biệt.
“Đảm bảo ANTT trong việc xây dựng trung tâm thương mại tổng hợp siêu thị và đóng cửa chợ Hồng Lĩnh là kết quả của phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, mà lực lượng Công an làm nòng cốt. Chú trọng công tác tuyên truyền trong toàn dân, như tuyên truyền miệng, hệ thống truyền thanh cơ sở, đối thoại. Cấp ủy, chính quyền chia sẻ với những khó khăn với tiểu thương. Công an Thị xã Hồng Lĩnh làm tốt công tác dân vận. Hệ thống chính trị có cán bộ tâm huyết, trách nhiệm với công việc được giao” – Ông Phan Xuân Hạnh, Chủ tịch UBND phường Nam Hồng, Thị xã Hồng Lĩnh cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Văn Hổ, Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh thì phát triển kinh tế, xã hội công tác quy hoạch phải đặt lên hàng đầu, trong quy hoạch lấy ý kiến của nhân dân. Trung tâm thương mại Hồng Lĩnh được quy hoạch năm 2007, năm 2012 được phê duyệt, có diện tích đáp ứng cho trước mắt và lâu dài. Trong công tác lãnh đạo chỉ đạo có tính thống nhất, nhất quán từ trên xuống. Cấp ủy, chính quyền thực hiện chủ trương quyết liệt, mạnh mẽ cụ thể, phân công bằng chương trình, kế hoạch, có lộ trình cụ thể. Làm tốt công tác tuyên truyền vận động, kiên trì, kiên quyết, lắng nghe ý kiến nhân dân. Chú trọng và làm tốt công tác đối thoại. Triển khai tuyên truyền trong cả hệ thống chính trị tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Từ kinh nghiệm thực hiện xã hội hóa chợ ở Hồng Lĩnh cho thấy rằng, công tác tuyên truyền, vận động để định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân có vị trí đặc biệt quan trọng. Việc tổ chức đối thoại, trả lời đơn thư phải đầy đủ, kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Người đứng đầu phải thường xuyên đối thoại với nhân dân, từng bước tháo gỡ vướng mắc, định hướng chỉ đạo hợp ý đảng, lòng dân, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Trung tá Ngô Đức Ninh, Trưởng Công an Thị xã Hồng Lĩnh cho rằng, để đảm bảo ổn định ANTT trong thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ, lực lượng Công an tăng cường công tác dân vận, tuyên truyền vận động tiểu thương và hộ dân sống xung quanh chợ, tổ chức vận động cá biệt đối với số đối tượng tích cực, cầm đầu. Tập trung làm tốt công tác nắm, dự báo và xử lý chính xác tình hình. Nhận định, đánh giá, phân loại đối tượng. Giám sát chặt chẽ đối tượng trong các giai đoạn “nóng”. Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của tiểu thương và các hộ dân sinh sống quanh chợ, giải thích, vận động giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tuyên truyền vận động không để tiểu thương, các hộ dân vi phạm pháp luật. Kịp thời tham mưu và triển khai có hiệu quả các phương án đảm bảo ANTT, phục vụ nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.
Thiết nghĩ, từ thực tế tiềm ẩn phát sinh phức tạp về ANTT trong thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ, trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị cần tăng cường công tác tuyên truyền vận động, đối thoại trong nhân dân để nhân dân hiểu, đồng tình chủ trương, chính sách, đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế xã hội ổn định và bền vững…