Đó là câu chuyện đã và đang xảy ra tại xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An). Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi thấy công tác chính sách cho nhóm đối tượng trên có vấn đề, việc người dân phản ánh là có cơ sở.
Thực hư chuyện người khuyết tật hưởng chế độ ngang người “bình thường”?
Trong đơn gửi các cơ quan báo chí của anh Trần Văn Long, trú tại xóm 2, xã Quỳnh Lộc cũng như một số cán bộ ở xã này phản ánh về thực trạng thực hiện Nghị định 28 và Thông tư 37 chế độ trợ cấp cho người khuyết tật.
|
Đơn gia đình anh Trần Văn Long gửi cơ quan chức năng vào báo chí. |
Cụ thể, tại địa bàn xã Quỳnh Lộc nhiều đối tượng bị khuyết tật nặng nhưng không được hưởng chế độ hoặc được hưởng nhưng không công bằng. Trong khi đó nhiều đối tượng đi lại, làm ăn, sinh hoạt bình thường… nhưng vẫn được hưởng chế độ này. Đặc biệt, vợ liệt sĩ tái giá muốn có chế độ đều phải đóng một khoản phí nhất định thì mới được nhận lương hàng tháng.
Đơn cử là bà Phạm Thị H. (SN 1962, thôn 9A) mặc dù được hưởng chế độ khuyết tật nặng nhưng bản thân bà đi làm ăn xa, đi lại bình thường; hay như anh Nguyễn Bá V. (SN 1996, thôn 6) là người già bình thường nhưng lại được hưởng chế độ khuyết tật nặng. Hiện tại anh không có ở địa phương nhưng hàng tháng vẫn được nhận tiền trợ cấp…
Chị Lê Thị Đào bế con bị tật nguyền là cháu Hồ Thị Định. Chị Đào cho biết, con mình bị dị tật bẩm sinh từ nhỏ, nhưng được hưởng chế độ bình thường. |
Có mặt tại nhà chị Lê Thị Đào (xóm 9) có con là Hồ Thị Định (21 tuổi) bị tật bẩm sinh nằm một chỗ, mọi sinh hoạt phải nhờ vào bố mẹ nhưng không hiểu lý do gì, hơn 1 năm nay em bị cắt chế độ từ khuyết tật đặc biệt nặng xuống còn khuyết tật nặng, đồng thời trừ luôn chế độ người nuôi dưỡng.
“Con tôi bị dị tật bẩm sinh là quá nặng. Từ ngày sinh ra cháu cứ nằm một chỗ cho đến nay. Thế nhưng có cháu hàng xóm nhà tôi tính tình có hơi dở một tý, các hoạt động khác bình thường nhưng lại được hưởng chế độ bằng con tôi. Như vậy, liệu có sự công bằng ở đây không?”, chị Đào cho biết.
Hoàn cảnh nhất vẫn là ông Trần Văn Khanh (SN 1934) bị mù 2 mắt, nằm một chỗ, cơm bưng nước rót, mọi sinh hoạt phải có người khác làm thay. Thế nhưng hơn 2 năm nay người thân trong gia đình làm đơn xin hưởng chế độ cho ông nhưng vẫn “bặt vô âm tín”.
Trong danh sách do xã lập nên có những người được cho là hưởng chế độ sai. |
Anh Trần Văn Long (SN 1975 - con trai ông Khanh) cho biết: “Cách đây 4 năm, khi mắt bố tôi hơi mờ nên đã làm đơn lên chính sách xã để xin được hưởng chế độ nhưng họ không giải quyết. Trong khi đó những người như ông Hoàn, bà Phán, Thi không phải là người khuyết tật hoặc bị khuyết tật nhẹ lại được xét duyệt và được hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng. Như vậy có phải là chính quyền xã bất công?”.
Trong khi đó những người bị khuyết tật nhẹ hoặc không bị gì thì lại được nhận trợ cấp. Như bà Hồ Thị Ph. (thôn 2) mặc dù được hưởng chế độ, nhưng không bị tật. Được biết bà này là chị dâu của vị Chủ tịch mặt trận xã hoặc như bà Lê Thị Ng. (50 tuổi, thôn 4) không bị khuyết tật nhưng cũng hưởng chế độ vì bà này là O ruột của Chủ tịch xã.
Ông Trần Văn Khanh mù hai mắt, nằm một chỗ, giờ bệnh tật nhưng ông vẫn chưa nhận được chế độ người cao tuổi khuyết tật đặc biệt. |
Không những thế, theo phản ánh của người dân, chú ruột của Chủ tịch xã này mặc dù vẫn đi làm ăn (làm thợ mộc) nhưng vẫn có trong danh sách hưởng chế độ người khuyết tật. Đặc biệt, có trường hợp như ông Hồ Sỹ C. (SN 1967 - thôn 9), bà P.T.H (SN 1962 - thôn 9A), H.T.Tr (SN 1997 - thôn 9A)… vắng mặt ở địa phương nhưng vẫn được hưởng chế độ khuyết tật nặng.
Đây là những con số rất nhỏ trong rất nhiều đối tượng hưởng chế độ khuyết tật tại xã Quỳnh Lộc mà người dân nơi đây nói rằng “đúng sai lẫn lộn”.
Muốn được chế độ phải có… tiền?
Trong quá trình tìm hiểu về việc thực hiện chế độ người khuyết tật tại xã Quỳnh Lộc, chúng tôi được người dân nơi đây cho biết thêm: Hiện trên địa bàn xã này có nhiều trường hợp phải bỏ tiền túi ra để hồ sơ hưởng chế độ và chi phí “bôi trơn” lên đến hàng triệu đồng thì mới được lọt vào danh sách nhận lương hàng tháng.
Bà Cẩm cho biết, để làm hồ sơ vợ liệt sĩ tái giá bà đã phải bỏ 5 triệu. |
Cơn mưa bất chợt giữa mùa hè như trút nước, làm chúng tôi ai nấy đều ướt như chuột. Rồi phải vòng qua mấy nhà, đi bộ thêm cả trăm mét mới đến được căn nhà bà Nguyễn Thị Cẩm (SN 1953, xóm 9A). Ban đầu thấy người lạ bà cũng vui vẻ nói chuyện. Tuy nhiên, khi giới thiệu chúng tôi là nhà báo, thì bà bắt đầu chuyển hướng và nói chuyện dè dặt hơn. Vì hơn ai hết, bà biết rằng, mình là vợ liệt sĩ tái giá đáng lẽ cán bộ xã phải làm hồ sơ trình lên cấp trên để bà được hưởng chế độ. Thế nhưng, bà lại bị chính cán bộ xã “yêu cầu” đưa 5 triệu để làm “lộ phí”?.
“Tôi là vợ liệt sỹ tái giá mới được nhận quyết định gần 1 năm nay, quá trình làm hồ sơ để hưởng chế độ tôi cũng phải bỏ tiền (5 triệu đồng) cho cô chính sách xã”, bà Cẩm nói.
Khi chúng tôi hỏi, bà đưa tiền như thế nào? Bà Cẩm cho biết thêm: “Tôi đưa 3 lần. Lần một 1 triệu, lần 2 là 3,5 triệu, còn lần 3 là khi nhận lương tháng đầu tiên, còn thiếu 500 ngàn tôi rút trong số tiền đã nhận (hơn 1,3 triệu đồng) đưa lại cho họ và họ không từ chối”, bà Cẩm nói.
Anh Trần Văn Long con ông Khanh trình bày sự việc với PV. |
Chia tay gia đình bà Cẩm, chúng tôi tiếp tục vòng vèo qua các ngõ ngách của xóm để tới thăm gia đình ông Trương Văn Phú cũng thuộc xóm 9A. Vào đúng giờ cơm trưa, nhìn ông Phú đang được bà vợ múc từng thìa cơm bón cho ông ăn. Người dẫn đường bảo với chúng tôi: “Các chú nhìn thấy rõ đó. Ông Phú bị thần kinh, trong quá trình làm hồ sơ hưởng chế độ khuyết tật, gia đình ông đã phải “mất phí” 6 triệu đồng chứ chơi”.
Bà Nguyễn Thị Do - vợ ông Phú vừa đút cơm cho ông vừa nói: “Ông nhà tôi bị tai biến mạch máu não đã mấy năm nay rồi. Nhìn ông thế này chứ không thể làm được gì nữa, đến bữa ăn tôi luôn phải đút cơm cho ông ấy. Để có được 405 ngàn/1 tháng chế độ người khuyết tật cho chồng, tôi đã phải vay 6 triệu đồng đưa cho thằng con trai đi nộp cho ông thôn trưởng đó. Nhờ vậy mà chồng tôi đã được hưởng chế độ người khuyết tật hơn 1 năm nay”.
Ông Phú bị thần kinh, trong quá trình làm hồ sơ hưởng chế độ khuyết tật, gia đình ông đã phải “mất phí” 6 triệu đồng. |
Tiếp tục hành trình đi tìm sự thật này, chúng tôi có mặt tại xóm 3 để tìm đến gia đình bà Nguyễn Thị Hồng theo phản ánh của người dân.
Bà Nguyễn Thị Hồng (SN 1960) cũng là vợ liệt sĩ tái giá. Trong quá trình làm hồ sơ quá vất vả, nhưng sau khi nộp 10 triệu, bà đã có ngay quyết định hưởng chế độ với trợ cấp hơn 1,3 triệu đồng/1 tháng.
“Năm 2013 tôi có làm hồ sơ, nhưng xã bảo là hồ sơ chưa hợp lệ vì thiếu một số giấy tờ chứng minh tôi là vợ liệt sĩ. Mãi đến 2016, sau khi có xác nhận của họ tộc, bố mẹ nhà chồng và khoản phí 10 triệu tôi mới được hưởng chế độ này”, bà Hồng cho biết.
Anh Long bảo, bố anh đã 4 năm làm đơn lên xã nhưng đều bị từ chối. |
Cũng theo bà Hồng thì số tiền này bà đưa cho một người tên Lơn (trú cùng xã) và mọi thủ tục đều do bà này làm hết.
Đưa sự việc này liên hệ với ông Lê Duy Trung - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lộc, tuy nhiên ông Trung thông báo bận, chúng tôi ngỏ ý muốn được làm việc với cán bộ chính sách phụ trách, ông Trung khước từ vì cho rằng vấn đề này chỉ có lãnh đạo xã chứ cán bộ chuyên môn không trả lời được.
Làm việc với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Bắc - Trưởng phòng LĐTB&XH thị xã Hoàng Mai cho rằng việc này ông cũng đã nắm được và đang tiến hành cho kiểm tra.
“Nội dung tôi cũng đã nắm rồi. Tầm tháng 4 vừa qua, có ông thanh tra nhân dân ở xã Quỳnh Lộc cũng đã lên phản ánh nội dung này. Sau đó tôi tham mưu cho UBND thị xã để rà soát lại và có 4 vấn đề. Theo tôi được biết có 3 vấn đề đã thực hiện. Tuy nhiên, ở Quỳnh Lộc có một vài ý như các anh nói và tôi được biết trong đó có cả con em cán bộ liên quan đến việc này (tức là người trong anh em được nhận trợ cấp Nhà nước). Còn vấn đề một số vợ liệt sĩ tái giá phải bỏ tiền ra làm chế độ thì tôi sẽ cho kiểm tra...”.
Thực hiện Nghị định 28/2012/NĐ-CP - Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật và Thông tư 37 về việc xác định mức độ khuyết tật cho các đối tượng bị khuyết tật để hưởng theo chế độ. Ở thị xã Hoàng Mai nhìn chung thực hiện tốt, kịp thời đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng. Tuy nhiên, tại xã Quỳnh Lộc, việc thực hiện chủ trương này dường như mang tính cảm tính, nặng nhẹ lẫn lộn, thậm chí có biểu hiện “người thân cán bộ”. Theo Khoản 1, Điều 3 Nghị định 28 nói trên mực độ khuyết tật được quy định thành 3 loại gồm khuyết tật đặc biệt nặng, khuyết tật nặng và khuyết tật nhẹ. Vậy nhưng, qua tìm hiểu của chúng tôi ở xã Quỳnh Lộc nhiều đối tượng nếu so với quy định thì khác xa rất nhiều về mức độ. Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc. |
Tác giả: Nguyễn Duy
Nguồn tin: Báo Dân trí