Giáo dục

Chương trình môn Lịch sử ở cấp THPT sẽ đổi mới như thế nào?

Ở cấp THPT, Lịch sử là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh, thuộc nhóm môn Khoa học xã hội.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục lịch sử được thực hiện liên tục ở cả ba cấp học thông qua các môn Tự nhiên và Xã hội (ở lớp 1, lớp 2, lớp 3), Lịch sử và Địa lý (từ lớp 4 đến lớp 9), Lịch sử (ở THPT).

Ở cấp THPT, Lịch sử là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh, thuộc nhóm môn Khoa học xã hội.

Lịch sử giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hoá dân tộc

Với đặc trưng của môn học, Lịch sử giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hoá dân tộc; củng cố các giá trị nhân văn, lòng khoan dung, nhân ái, tinh thần cộng đồng và hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại.

Thông qua hệ thống các chủ đề và chuyên đề về lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam, môn Lịch sử giúp học sinh phát triển năng lực sử học, đặc biệt là tư duy lịch sử, các khả năng thu thập và xử lý sử liệu, kết nối quá khứ với hiện tại, vận dụng các bài học lịch sử vào việc giải quyết những vấn đề của thực tế cuộc sống. Đồng thời, môn Lịch sử giúp học sinh nhận thức được giá trị khoa học và giá trị thực tiễn của Sử học trong đời sống xã hội hiện đại. Năng lực sử học và hiểu biết về giá trị thực tiễn của Sử học sẽ góp phần quan trọng vào việc định hướng cho học sinh lựa chọn những ngành nghề liên quan như: nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, ngoại giao, quản lý, lãnh đạo, hoạt động du lịch, văn hoá, thông tin truyền thông,…

Xuất phát từ đặc trưng của môn học, chương trình môn Lịch sử nhấn mạnh các quan điểm xây dựng chương trình như: khoa học, hiện đại; hệ thống, cơ bản; thực hành, thực tiễn; dân tộc, nhân văn; mở, liên thông. Chương trình môn Lịch sử giúp học sinh tiếp cận lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử dân tộc một cách khoa học trên cơ sở vận dụng những thành tựu hiện đại của khoa học lịch sử và khoa học giáo dục.

Coi trọng kết nối lịch sử với thực tiễn

Chương trình đặc biệt coi trọng nội dung thực hành lịch sử, kết nối lịch sử với thực tiễn cuộc sống. Chương trình tăng cường phần thực hành cả về thời lượng lẫn các hình thức thực hành; đa dạng hoá các loại hình thực hành để học sinh được hoạt động trải nghiệm thông qua các hình thức tổ chức giáo dục như: hoạt động nhóm/cá nhân tự học, học trên lớp/ ở bảo tàng, đi thực địa, học qua dự án, di sản,... nhằm mục tiêu phát triển năng lực sử học cho học sinh.

Chương trình mang tính thiết thực và phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và thực tiễn giáo dục ở các vùng miền trong cả nước. Chương trình hướng học sinh tới nhận thức đúng về những giá trị truyền thống của dân tộc, giúp học sinh hình thành, phát triển những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam và những giá trị phổ quát của công dân toàn cầu.

Kết cấu chương trình môn Lịch sử sẽ có những thay đổi căn bản. Trục phát triển chính của chương trình là hệ thống các chủ đề và chuyên đề về những vấn đề cơ bản của lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam, nhằm mục tiêu nâng cao và mở rộng kiến thức thông sử mà học sinh đã được học ở cấp THCS. Chương trình đảm bảo cho học sinh tiếp cận một cách toàn diện các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa, tư tưởng,… của dân tộc và nhân loại trong các thời kỳ lịch sử, tạo cơ sở định hướng để học sinh có điều kiện thuận lợi hơn trong việc học tập các môn khác (Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục công dân, Giáo dục Quốc phòng và an ninh, Nghệ thuật …), xây dựng năng lực tự học suốt đời và khả năng ứng dụng vào cuộc sống những hiểu biết về lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam và thế giới.

Những học sinh có thiên hướng khoa học xã hội và nhân văn được chọn học một số chuyên đề

Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi (70 tiết/ lớp/ năm), trong mỗi năm học, những học sinh có thiên hướng khoa học xã hội và nhân văn được chọn học một số chuyên đề (35 tiết/ lớp/ năm). Mục tiêu của các chuyên đề này là: Mở rộng, nâng cao kiến thức và năng lực sử học đáp ứng yêu cầu phân hoá sâu ở cấp trung học phổ thông; Giúp học sinh hiểu sâu hơn vai trò của sử học trong đời sống thực tế, những ngành nghề có liên quan đến lịch sử để học sinh có cơ sở định hướng nghề nghiệp sau này cũng như có đủ năng lực cơ bản để giải quyết những vấn đề có liên quan đến lịch sử và tiếp tục tự học lịch sử suốt đời; Tăng cường hoạt động trải nghiệm thực tế, giúp học sinh phát triển tình yêu, sự say mê, ham thích tìm hiểu lịch sử dân tộc Việt Nam, lịch sử thế giới.

Đặt trọng tâm rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề

Phương pháp dạy học Lịch sử theo quan điểm phát triển năng lực không chỉ trang bị kiến thức cho học sinh mà đặt trọng tâm rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề gắn với những tình huống của cuộc sống; đồng thời gắn hoạt động trí tuệ với hoạt động thực hành, thực tiễn. Phương pháp dạy học Lịch sử theo định hướng tiếp cận năng lực được thực hiện trên nền tảng những nguyên tắc cơ bản của khoa học lịch sử: thông qua các nguồn sử liệu khác nhau để tái hiện lịch sử, phục dựng một cách khoa học, khách quan, chân thực quá trình phát triển của lịch sử. Thông qua việc tổ chức các hoạt động dạy học đa dạng, giáo viên giúp học sinh phát huy năng lực sáng tạo trong học tập Lịch sử, trở thành “người đóng vai lịch sử”, hay “người làm lịch sử” để khám phá kiến thức lịch sử, vận dụng sáng tạo kiến thức vào các tình huống học tập và thực tiễn cuộc sống.

Chương trình chú trọng việc đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, lựa chọn và phối hợp có hiệu quả giữa các hình thức tổ chức và phương pháp dạy học lịch sử. Với hình thức dạy học lịch sử theo chủ đề, giáo viên hướng dẫn học sinh củng cố hệ thống kiến thức cơ bản, nâng cao nhận thức về lịch sử Việt Nam, khu vực và thế giới thông qua hệ thống chủ đề về lịch sử chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tư tưởng, tôn giáo - tín ngưỡng, nghệ thuật - kiến trúc, ngoại giao và quan hệ quốc tế, dân cư và tộc người… Thông qua hệ thống chủ đề này, giáo viên giúp học sinh có khả năng tiếp cận và xử lý thông tin từ những nguồn khác nhau, có khả năng xâu chuỗi các sự kiện lịch sử có liên quan, đưa ra nhận xét cá nhân về các sự kiện lịch sử, xây dựng năng lực phản biện và sáng tạo, từ đó có khả năng vận dụng những kinh nghiệm lịch sử vào thực tiễn, dùng tri thức lịch sử để giải thích những vấn đề hiện tại.

Mục đích chủ yếu của đánh giá kết quả giáo dục là đối chiếu, so sánh năng lực học sinh đạt được với mức độ yêu cầu của chuẩn kiến thức và năng lực môn học Lịch sử ở từng chủ đề, từng cấp học, để từ đó có những biện pháp cải thiện kịp thời hoạt động dạy học. Chương trình đặt trọng tâm vào việc đánh giá khả năng vận dụng kiến thức lịch sử của học sinh để giải quyết vấn đề gắn các vấn đề gắn với thực tiễn, kết nối lịch sử với hiện tại, tạo cơ hội phát triển năng lực tự chủ, sáng tạo của học sinh.

Nội dung chương trình thiết kế theo hệ thống chủ đề

Khác với chương trình hiện hành, nội dung chương trình môn Lịch sử cấp THPT lần này không thiết kế theo mạch thông sử mà theo hệ thống chủ đề. Tuy nhiên, hệ thống kiến thức về cơ bản không thay đổi. Do đó, giáo viên chỉ cần nghiên cứu kỹ chương trình là có thể thực hiện được.

Việc chuyển đổi từ dạy học ở phòng học truyền thống sang phòng học bộ môn sẽ phát huy được vai trò tối ưu của thiết bị và đồ dùng dạy học trong dạy học Lịch sử. Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế hiện nay khi việc dạy học ở các phòng học truyền thống vẫn còn phổ biến ở nước ta, nhà trường và giáo viên tùy vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, có thể chuẩn bị một số đồ dùng trực quan trong dạy học Lịch sử như: hệ thống bản đồ, tranh ảnh, sa bàn, sơ đồ, biểu đồ, các loại băng đĩa... với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật như máy tính, đèn chiếu, máy chiếu và Internet. Lịch sử là môn có hệ thống kiến thức thuộc về quá khứ, học sinh không thể trực tiếp quan sát các sự kiện, do vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ hỗ trợ giáo viên trong quá trình dạy học, tái hiện lịch sử.

Trên đây là những nét tóm lược về chương trình môn Lịch sử. Dự thảo chương trình môn học này sẽ được Bộ GD-ĐT giới thiệu trong tháng 1 để nhận các ý kiến đóng góp.

Tác giả: Thanh Hùng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

  Từ khóa: cấp THPT , môn lịch sử

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP