Giáo dục

Chương trình mới: "Đích đến" của môn Tiếng Anh là khả năng giao tiếp

GS Nguyễn Lộc, chủ biên môn tiếng Anh - chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết: "Đường hướng chủ đạo trong chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh là đường hướng giao tiếp”.

Ông Lộc giải thích: “Đường hướng này nhấn mạnh vào việc hình thành và phát triển năng lực giao tiếp của học sinh. Các phương pháp giao tiếp có những điểm tương đồng với đường hướng lấy người học làm trung tâm trong giáo dục học. Đường hướng chủ đạo này quy định các hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học của học sinh".

Tiếng Anh là môn học bắt đầu từ lớp 3 đến lớp 12 trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới; được xây dựng lấy năng lực giao tiếp là mục tiêu của quá trình dạy học, kiến thức ngôn ngữ là phương tiện để hình thành và phát triển các kỹ năng giao tiếp thông qua nghe, nói, đọc, viết.

Giáo sư Nguyễn Lộc, chủ biên chương trình môn Ngoại ngữ thông tin về đường hướng của môn Tiếng Anh trong chương trình mới (Ảnh: Bá Hải).

Theo đó, chương trình Làm quen tiếng Anh lớp 1 và lớp 2 được xây dựng để chuẩn bị kiến thức và tâm thế cho học sinh tiểu học học tiếng Anh chính thức từ lớp 3 một cách hiệu quả. Chương trình được xây dựng cho môn Ngoại ngữ tự chọn lớp 1 và lớp 2 cấp tiểu học.

Các kỹ năng giao tiếp và kiến thức ngôn ngữ được xây dựng trên cơ sở các đơn vị năng lực giao tiếp cụ thể, trong các chủ đề và chủ điểm phù hợp với học sinh phổ thông nhằm giúp các em khi kết thúc cấp tiểu học đạt được năng lực giao tiếp Bậc 1, khi kết thúc bậc trung học cơ sở đạt được Bậc 2 và khi kết thúc cấp trung học cơ sở đạt Bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (ban hành theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT).

Nội dung dạy học trong Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh (Ngoại ngữ 1) được thiết kế theo kết cấu đa thành phần, bao gồm: hệ thống các chủ đề (khái quát), các chủ điểm (cụ thể) mang tính gợi ý; các năng lực giao tiếp phù hợp với chuẩn năng lực cần đạt; danh mục kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) gợi ý phù hợp với việc phát triển năng lực giao tiếp ở cấp độ đã được qui định trong chuẩn đầu ra. Nội dung văn hoá được dạy học lồng ghép, tích hợp trong hệ thống các chủ đề, chủ điểm.

Các yêu cầu cần đạt của mỗi lớp tập trung vào năng lực giao tiếp ở bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc và viết. Năng lực giao tiếp của môn tiếng Anh là khả năng sử dụng kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) để tham gia vào các hoạt động giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết) trong những tình huống hay ngữ cảnh có nghĩa với các đối tượng giao tiếp khác nhau nhằm đáp ứng các nhu cầu giao tiếp của bản thân hay yêu cầu giao tiếp của xã hội.

Nội dung dạy học cả về năng lực giao tiếp lẫn kiến thức ngôn ngữ đều dựa trên yêu cầu của năng lực giao tiếp Bậc 1, 2 và 3 trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Cụ thể:

Các nội dung dạy học ở bậc tiểu học cần đảm bảo giúp học sinh có khả năng “hiểu, sử dụng các cấu trúc quen thuộc thường nhật; các từ ngữ cơ bản đáp ứng nhu cầu giao tiếp cụ thể. Có thể tự giới thiệu bản thân và người khác; có thể trả lời những thông tin về bản thân như nơi sinh sống, người thân/ bạn bè,… Có thể giao tiếp đơn giản nếu người đối thoại nói chậm, rõ ràng và sẵn sàng hợp tác giúp đỡ”;

Các nội dung dạy học ở bậc trung học cơ sở cần đảm bảo giúp học sinh có khả năng “hiểu được các câu và cấu trúc được sử dụng thường xuyên liên quan đến nhu cầu giao tiếp cơ bản (như các thông tin về gia đình, bản thân, đi mua hàng, hỏi đường, việc làm,…). Có thể trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày. Có thể mô tả đơn giản về bản thân, môi trường xung quanh và những vấn đề thuộc nhu cầu thiết yếu”;

Các nội dung dạy học ở bậc trung học phổ thông cần đảm bảo giúp học sinh có khả năng “hiểu được các ý chính của một đoạn văn hay bài phát biểu chuẩn mực, rõ ràng về các chủ đề quen thuộc trong công việc, trường học, giải trí,... Có thể xử lý hầu hết các tình huống xảy ra ở những nơi ngôn ngữ đó được sử dụng. Có thể viết đoạn văn đơn giản liên quan đến các chủ đề quen thuộc hoặc cá nhân quan tâm. Có thể mô tả được những kinh nghiệm, sự kiện, ước mơ, hy vọng, hoài bão và có thể trình bày ngắn gọn các lý do, giải thích ý kiến và kế hoạch của mình”.

Hoạt động kiểm tra đánh giá đối với môn Ngoại ngữ 1 sẽ được thực hiện theo hai hình thức: đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Đánh giá thường xuyên được thực hiện liên tục thông qua các hoạt động dạy học trên lớp. Trong quá trình dạy học, cần chú ý ưu tiên đánh giá thường xuyên nhằm giúp học sinh và giáo viên theo dõi tiến độ thực hiện những mục tiêu đã đề ra trong Chương trình.


Đại diện Ban soạn thảo môn Tiếng Anh nhấn mạnh, kiểm tra đánh giá tiếng Anh sẽ được lồng ghép trong các hoạt động dạy - học với mục đích giúp học sinh yêu thích môn tiếng Anh và thúc đẩy chất lượng dạy và học. Với mục đích cho học sinh làm quen tiếng Anh, các hình thức kiểm tra, đánh giá cần nhẹ nhàng, thân thiện, được tiến hành ngày trong các hoạt động học tập của học sinh. Kiểm tra đánh giá có thể thông qua các bài hát, trò chơi, giúp tìm ra những khó khăn và đề xuất hướng khắc phục thông qua các hoạt động trên lớp. Về điều kiện thực hiện chương trình, các trường triển khai chương trình phải có phòng học rộng rãi, thoáng mát, ánh sáng phù hợp cho học sinh tiểu học lứa tuổi 6, 7 tuổi. Các phòng học có đủ trang thiết bị tối thiểu cho việc học tiếng Anh như tranh ảnh, thiết bị đa phương tiện.

Chỉ tổ chức cho học sinh làm quen tiếng Anh ở lớp 1, lớp 2 trên cơ sở tự nguyện của học sinh và cha mẹ học sinh. Khi tổ chức cho học sinh tự nguyện học chương trình Làm quen với tiếng Anh, nhà trường phải có giải pháp tổ chức các hoạt động phù hợp cho những học sinh không tham gia.

Về thời lượng môn tiếng Anh, GS. Nguyễn Lộc, chủ biên môn tiếng Anh thông tin chương trình vẫn dựa theo Đề án Ngoại ngữ 2020 với 4 tiết/tuần ở tiểu học (lớp 3-5), 3 tiết/tuần ở cấp THCS và 3 tiết/tuần ở THPT (theo chương trình 35 tuần).

Tác giả: Lệ Thu

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP