Giáo dục

Chức danh nghề nghiệp giáo viên Hà Tĩnh: Tăng lương ít nhất từ 0,01% trở lên

Chùm thông tư quy định mã số, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT công lập đang rất được giáo viên tại Hà Tĩnh quan tâm.

Giáo viên Trường liên cấp tiểu học, THCS Sơn Lĩnh (huyện Hương Sơn) mong muốn được bồi dưỡng vào những dịp hè.


Một góc độ nào đó, nhiều giáo viên địa phương vẫn còn băn khoăn về chức danh, tính toán bảng lương cũng như việc nên hay không bồi dưỡng chức danh?

"Xóa bỏ” chứng chỉ tin học, ngoại ngữ

Tại Hà Tĩnh, vấn đề giáo viên quan tâm hiện nay là các thông tư của Bộ GD&ĐT không quy định giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nhưng trong quy định về tuyển dụng, thăng hạng tại Nghị định số 115 ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thì yêu cầu phải có ngoại ngữ, tin học. Vậy quy định của Bộ GD&ĐT có thống nhất với Nghị định này hay không?

Trả lời về vấn đề này, bà Đặng Thị Quỳnh Diệp, quyền Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Một trong những niềm vui đến với toàn thể giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT là Bộ GD&ĐT bỏ yêu cầu về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng. Nếu trước đây, tất cả giáo viên đều phải có chứng chỉ ngoại ngữ tính theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam đạt một trình độ tương đương với hạng đang giữ hoặc tiếng dân tộc nếu vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc.

Thống kê sơ bộ của Phòng Tổ chức Cán bộ (Sở GD&ĐT Hà Tĩnh), toàn tỉnh có hơn 16.000 giáo viên từ mầm non đến bậc THPT, nhưng số lượng giáo viên hạng 1 và 2 hiện rất ít.


“Ví như, riêng giáo viên dạy ngoại ngữ thì phải có ngoại ngữ thứ hai đạt yêu cầu tương đương với hạng đang giữ theo khung năng lực ngoại ngữ sáu bậc dùng cho Việt Nam. Đồng thời, tin học phải có chứng chỉ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản. Tuy nhiên, những yêu cầu chứng chỉ này chỉ được nêu tại các Thông tư liên tịch 20, 21, 22 và 23 sẽ hết hiệu lực vào ngày 20/3/2021 và bị thay thế bởi các Thông tư 01, 02, 03 và 04” – bà Diệp cho hay.

Bà Diệp cũng nói thêm: Khi các thông tư này có hiệu lực thi hành, việc tuyển dụng giáo viên phải căn cứ vào các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp quy định tại các thông tư và sẽ không quy định người đăng ký dự tuyển phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Vấn đề giáo viên quan tâm đặc biệt hiện nay là chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. “Trước đây, giáo viên THPT hạng III cũ, giáo viên THCS hạng III cũ, giáo viên tiểu học hạng IV, giáo viên mầm non hạng IV không bị yêu cầu các chứng chỉ này. Tuy nhiên, với 4 thông tư mới, tất cả các giáo viên ở tất cả các cấp học đều phải đáp ứng tiêu chuẩn trình độ, đào tạo mà yêu cầu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là một yêu cầu bắt buộc. Dù vậy, theo quy định tại 4 thông tư này, có thể không phải giáo viên nào cũng cần chứng chỉ” – thầy Hà Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường THCS Đại Thành (xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên) chia sẻ khi đã nghiên cứu kỹ về các thông tư mà Bộ GD&ĐT ban hành.

Thầy Sáng cũng lý giải vì sao không phải giáo viên nào cũng cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Cụ thể, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III: Giáo viên bắt buộc phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III gồm: Giáo viên các cấp được tuyển dụng sau ngày 20/3/2021 phải có chứng chỉ trong vòng 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng. Theo đó, chỉ khi giáo viên đạt đủ trình độ yêu cầu của hạng tương ứng thì mới “được lợi nhất”.

Ở góc độ cá nhân, thầy Sáng cũng vui mừng đánh giá: “Thông tư mới của Bộ GD&ĐT có lợi cho tất cả giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non, tiểu học và THCS. Việc bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là điều cần thiết bởi vừa nâng cao trình độ chuyên môn, vừa được nâng lương. Vì thế, chúng tôi rất vui và yên tâm chờ hướng dẫn của tỉnh đối với việc học thăng hạng, giữ hạng...”.

Giáo viên được tăng bao nhiêu % lương?

Hiện nay, theo quy định tại bốn Thông tư mới của Bộ GD&ĐT giáo viên các cấp sẽ được bổ nhiệm hạng mới thay thế cho các hạng đang được quy định tại Thông tư liên tịch 20, 21, 22 và 23.

Thầy Dương Đình Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu (huyện Kỳ Anh) cũng băn khoăn về vị trí việc làm đang đảm nhận và bảo đảm đạt các các tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp. Thầy Thọ phân tích: “Giáo viên mầm non, tiểu học và THCS có khá nhiều thay đổi nhưng giáo viên THPT thì không có sự thay đổi gì trong xếp lương và bổ nhiệm hạng”.

Trả lời vấn đề này, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Tĩnh phân tích, tùy vào từng hạng và cấp học khác nhau mà giáo viên sẽ được tăng lương khi, đối với giáo viên mầm non: Khi xếp vào hạng I nếu giáo viên mầm non hạng II trúng tuyển trong kỳ thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non; giáo viên tiểu học: Nếu đáp ứng đủ điều kiện thì giáo viên hạng II cũ được bổ nhiệm vào hạng II mới, hạng III cũ được bổ nhiệm vào hạng III mới và hạng II mới nếu trúng tuyển trong kỳ thi/xét thăng hạng thì được bổ nhiệm vào hạng I; giáo viên THCS: Nếu đáp ứng đủ điều kiện thì giáo viên hạng I cũ bổ nhiệm vào hạng I mới, hạng II cũ bổ nhiệm vào hạng II mới, hạng III cũ bổ nhiệm vào hạng III mới.

Nhiều giáo viên đang chờ hướng dẫn từ Sở và tỉnh Hà Tĩnh.


Theo phân tích của lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, theo quy định tại các thông tư mới của Bộ GD&ĐT, việc chuyển lương cho giáo viên sang hạng mới sẽ căn cứ vào hệ số lương cũ để chuyển sang hệ số mới tương đương gần nhất. Vì thế, mỗi giáo viên có đủ điều kiện thăng hạng đều được tăng lương ít nhất từ 0,01% trở lên.

Chẳng hạn như: Giáo viên THCS đang hưởng hệ số lương 4,98 (bậc 9 của hạng 2 cũ) khi chuyển sang hạng 2 mới sẽ được hưởng mức lương có hệ số tương đương đó là 5,02 (bậc 4 của hạng 2 mới), so với mức lương cũ, mức lương mới tăng 0,04 hệ số. Giáo viên tiểu học đang hưởng hệ số lương 4,56 (bậc 8 hạng 2) khi chuyển sang hạng 2 mới sẽ có hệ số lương 4,68 (bậc 3 hạng 2 mới), so với mức lương cũ tăng 0,12 hệ số…

Cô Phạm Thị Thanh Huyền - giáo viên Trường Tiểu học Thạch Long (Thạch Hà) cho biết: “Sức hút” của việc tăng lương khiến nhiều giáo viên như tôi rất nóng lòng muốn đi học bồi dưỡng thăng hạng cho phù hợp, dù chưa rõ các quy định cụ thể. Rất may, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tạm dừng các lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ, của tỉnh. Việc này đã trấn an kịp thời cho chúng tôi, để chúng tôi yên tâm chờ đợi”.

Theo quy định, các thông tư mới của Bộ GD&ĐT đã có hiệu lực từ ngày 20/3 và việc áp dụng thực hiện thông tư chậm nhất sẽ đến cuối tháng 12/2021. Hiện nay, ngành giáo dục Hà Tĩnh vẫn đang tiếp tục chờ hướng dẫn cụ thể để từ đó, xây dựng kế hoạch cụ thể cho việc mở các lớp bồi dưỡng thăng hạng, giữ hạng cho giáo viên.

"Sức hút" việc tăng lương khiến nhiều giáo viên mong muốn được bồi dưỡng lớp thăng hạng.


Ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Sơn cho biết: “Chúng tôi đã quán triệt tinh thần chỉ đạo của sở đến 62/62 trường học từ bậc mầm non đến THCS. Đến thời điểm hiện tại, các trường đã và đang rà soát, tổng hợp danh sách giáo viên có nhu cầu bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp. Các lớp bồi dưỡng sẽ được tiến hành ngay khi có hướng dẫn của ngành".

Việc bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được áp dụng đối với tất cả cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục với mục đích là để thăng hạng, hoặc giữ hạng. Kèm theo đó là việc tăng lương cho giáo viên phù hợp với chức danh nghề nghiệp theo quy định tại các thông tư mới. Tuy nhiên, ngoài chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, việc thăng hạng, giữ hạng của giáo viên còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: số năm công tác, các danh hiệu thi đua, văn bằng, chứng chỉ, trình độ đào tạo...

Thống kê sơ bộ của Phòng Tổ chức Cán bộ (Sở GD&ĐT Hà Tĩnh), toàn tỉnh có hơn 16.000 giáo viên từ mầm non đến bậc THPT, nhưng số lượng giáo viên hạng 1 và 2 hiện rất ít. Đến thời điểm hiện tại, bậc THPT chỉ có 400 trên tổng số 2.800 giáo viên có chứng chỉ hạng 2; bậc THCS có tổng số 4.500 giáo viên, trong đó có 120 giáo viên hạng 1, số còn lại hầu hết là hạng 2, hạng 3. Bậc tiểu học và mầm non có khoảng 9.000 giáo viên chủ yếu là hạng 3 và hạng 4.

Tác giả: Trương Hoa

Nguồn tin: Báo GD&TĐ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP