Việt Nam

Chuẩn đô đốc: “Đừng để bất ngờ trước sự thâm độc của TQ”

“Chúng ta cần đẩy mạnh tất cả các mặt: kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự, quốc phòng… Luôn sẵn sàng chuẩn bị mọi phương án để không bị bất ngờ trước các bước đi đầy thâm độc của Trung Quốc”, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nhận định khi trao đổi với báo Đời sống và Pháp luật.

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm:"Đừng để bất ngờ trước sự thâm độc của TQ" - Ảnh 1

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm cho rằng Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam là do kết hợp nhiều nguyên nhân.

Trước động thái Trung Quốc cho dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ông có nhận định như thế nào?

Từ ngày 2/5 đến nay đã hơn 2 tháng Trung Quốc ngang ngược cho hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 ở sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây nên căng thẳng tại biển Đông.

Việc làm ấy của phía Trung Quốc không những gây bất bình trong toàn dân Việt Nam mà còn khiến dư luận thế giới và chính khách các nước lớn trên thế giới đều cảm thấy Trung Quốc ngày càng hung hăng, đơn phương áp đặt ý đồ chính trị của mình lên các nước nhỏ trong khu vực Đông Nam Á.

Chính vì vậy, Chính phủ, nhân dân Việt Nam cùng toàn bộ nhân dân thế giới đã kiên quyết đấu tranh yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, yêu cầu Trung Quốc cho rút giàn khoan cùng các tàu và máy bay hộ tống về nước.

Cho đến ngày 15/7, lợi dụng tình hình biển Đông có bão lớn, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn tất việc khảo sát thăm dò tại vùng biển của Việt Nam, Trung Quốc chính thức cho di chuyển giàn khoan về phía đảo Hải Nam của họ.

Việc này một lần nữa làm lộ rõ bản chất của nhà cầm quyền Trung Quốc, họ không bao giờ thừa nhận mình sai. Ngay cả khi họ cho dịch chuyển giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thì họ cũng nhấn mạnh rằng, không phải do điều kiện khách quan, mà do mục tiêu của họ đã hoàn thành xong.

Giả sử nếu đúng như Trung Quốc nói, là họ đã hoàn thành xong mục tiêu thăm dò, đang tiến hành phân tích, thì khi phân tích xong sẽ có một số khả năng.

Thứ nhất, nết kết quả phân tích ghi nhận khu vực họ cắm giàn khoan có nhiều dầu khí thì họ sẽ còn tiếp tục đưa giàn khoan khác ra, còn nếu không có thì nó không đưa giàn khoan xuống nữa, nhưng chắc chắn sẽ có các động thái khác gây căng thẳng trên Biển Đông.

Thứ hai, nếu theo giả thiết này thì chúng ta cũng có thể xem xét đến khả năng cùng ngồi vào bàn đàm phán với Trung Quốc. Đó là nếu Trung Quốc khoan xong mà đưa ra phân tích kết luận khu vực này có nhiều dầu khí, mời Việt Nam cùng hợp tác khai thác. Tuy nhiên, đáng lo nhất là trường hợp Trung Quốc cố tình phớt lờ đi tất cả và ngang nhiên cho rằng khu vực có dầu khí là khu thuộc chủ quyền của mình và mình hoàn toàn có quyền khai thác.

Nhưng nếu xét về góc độ khai thác, thì chắc chắn các giàn khoan như Nam Hải số 9, Nam Hải số 4, số 2 sẽ không có khả năng khai thác tại khu vực này do độ sâu khá lớn (khoảng 800m), trong khi các giàn khoan trên chỉ khoan được ở độ sâu khoảng 200m.

Tại những khu vực như thế này, chỉ có giàn khoan như Hải Dương 981 mới đủ điều kiện khai thác.

Trung Quốc cho dịch chuyển giàn khoan vào đúng thời điểm cơn bão Rammasun- Thần Sấm có cường độ mạnh hướng trực tiếp vào Biển Đông. Theo ông, đây chỉ là sự trùng hợp hay là những bước đi đã có tính toán của Trung Quốc?

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm:"Đừng để bất ngờ trước sự thâm độc của TQ" - Ảnh 2

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm cho rằng, chúng ta không thể vội vui mừng và chủ quan, cần cảnh giác trước sự thâm độc của Trung Quốc.

Đây chắc chắn là những bước đi có tính toán của Trung Quốc, thậm chí họ tính toán từ rất lâu rồi chứ không phải bây giờ mới tính.

Bằng chứng là ngay sau khi nước CHND Trung Hoa thành lập, Trung Hoa dân quốc đã vẽ ngay ra bản đồ đường lưỡi bò 9 đoạn, đến năm 1950 họ còn đưa bản đồ này vào sách giáo khoa dạy cho học sinh Trung Quốc, rồi tiếp theo đó là một loạt các động thái thể hiện mưu đồ muốn độc chiếm Biển Đông, mà mới đây nhất là công khai bản đồ đường 10 đoạn đầy phi lý, rồi còn ngang ngược đăng kí con đường tơ lụa hàng hải với UNESCO…

Những bước đi tính toán của Trung Quốc đều nhằm thể hiện một mục đích là họ đang muốn bành trướng sức mạnh ra Đông Nam Á và bành trướng xuống biển Đông. Phải khẳng định, đây là bước đi lâu dài, có tính toán, ngày càng phức tạp chứ không hề đơn giản.

Theo ông, việc Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan là tín hiệu gì?

Nếu nhìn nhận một cách khách quan, thì trong suốt khoảng thời gian vừa qua, nhân dân ta đã có một cuộc đấu tranh rất kiên cường.

Việc Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng một phần thể hiện được kết quả đấu tranh bền bỉ của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta, của các lực lượng thực thi pháp luật của ta trên thực địa. Việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan dù gì cũng làm giảm căng thẳng có khả năng dẫn đến xung đột trên Biển Đông, vì vậy, đây cũng có thể coi là tín hiệu tốt.

Tuy nhiên, chúng ta không thể vội vui mừng và chủ quan, vì Trung Quốc chắc chắn không thể dừng lại ở đây.

Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan là do kết hợp nhiều nguyên nhân.

Trong đó không thể không kể đến quá trình đấu tranh bằng biện pháp hòa bình đầy bền bỉ của nhân dân ta cùng với sự ủng hộ của đông đảo bạn bè quốc tế.

Chứ xét cho cùng, cơn bão Rammasun lần này cũng chỉ là cái cớ để Trung Quốc di chuyển giàn khoan, bởi họ có cho giàn khoan cắm lại đó thì cũng không thể chống chọi được với cơn bão này.

Theo ông, Trung Quốc có dừng lại ở động thái này hay vẫn sẽ tiếp tục có những bước đi khác để thực hiện mưu đồ của mình?

Tôi khẳng định họ sẽ không bao giờ dừng lại. Sau khi chiếm được Hoàng Sa của ta rồi, họ sẽ tiếp tục mưu đồ chiếm nốt Trường Sa.

Họ cũng muốn độc chiếm Biển Đông, thâu tóm quyền lực trong cả khu vực Đông Nam Á, chính vì vậy mà họ sẽ còn tiếp tục gây căng thẳng, đẩy cao căng thẳng thành cuộc đấu tranh cho đến khi họ thực hiện được mưu đồ độc chiếm biển Đông.

Vậy vào thời điểm này, Việt Nam nên làm gì, thưa ông?

Trước mắt, Việt Nam phải làm sao để vạch rõ bản chất thâm độc của Trung Quốc, làm cho nhân dân Trung Quốc hiểu rõ các lãnh đạo của mình.

Ví như hồi Trung Quốc đưa 60 vạn quân sang đánh Việt Nam mà họ lại ngang nhiên rêu rao với nhân dân nước mình rằng đây là cuộc phản công đối với Việt Nam.

Bên cạnh đó, chúng ta cần đẩy mạnh tất cả các mặt: kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự, quốc phòng… Luôn sẵn sàng chuẩn bị mọi phương án để không bị bất ngờ trước các bước đi đầy thâm độc của Trung Quốc.

HOÀI THU

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP