Trong nước

Chủ tịch Quốc hội: Phát triển bền vững là con đường tất yếu

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh như trên trong phát biểu khai mạc Hội nghị “Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững” diễn ra tại Đà Nẵng sáng nay (17/12).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Hội nghị “Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững” sáng nay 17/12

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Hội nghị “Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững” sáng nay 17/12

Tham dự Hội nghị còn có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ngài Martin Chungong - Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU); Ngài Kamal Malhotra - Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc, Trưởng các cơ quan đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cùng lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội, một số bộ ngành, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các chuyên gia, nhà khoa học.

Tại phiên khai mạc Hội nghị, Ngài Martin Chungong - Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới đã trao bảng tiếng Việt - Bộ Công cụ tự đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) dành cho các Nghị viện cho Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân.

Ngài Martin Chungong - Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới đã trao bảng tiếng Việt Bộ Công cụ tự đánh giá SDGs đến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Ngài Martin Chungong - Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới đã trao bảng tiếng Việt Bộ Công cụ tự đánh giá SDGs đến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Theo Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững được các nước thông qua, Liên minh nghị viện thế giới (IPU) đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao sự hiểu biết về vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy, giám sát triển khai thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững trên quy mô toàn cầu.

Năm 2016 cùng với Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), IPU đã xây dựng và ban hành Bộ Công cụ tự đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững dành cho các Nghị viện.

Là một thành viên tích cực trong IPU, Việt Nam được chọn là một trong những quốc gia ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương công bố Bộ Công cụ này tới các ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Hội nghị lần này do Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam phối hợp với các cơ quan của Liên hợp quốc, Liên minh Nghị viện thế giới tổ chức, nhằm phổ biến nội dung Bộ Công cụ.

Hội nghị dự kiến tiếp diễn trong hai ngày 17 và 18/12 nhằm phổ biến Bộ Công cụ tự đánh giá SDGs theo chuẩn IPU

Hội nghị dự kiến tiếp diễn trong hai ngày 17 và 18/12 nhằm phổ biến Bộ Công cụ tự đánh giá SDGs theo chuẩn IPU

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ: Quốc hội Việt Nam đánh giá cao việc Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp cùng hình thành Bộ Công cụ tự đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) dành cho các nghị viện nhằm nâng cao nhận thức của các đại biểu dân cử trên lĩnh vực này.

Các SDGs vừa là mục tiêu hướng tới vừa là cơ hội để các nhà lập pháp thể hiện cam kết của mình trong việc cải thiện cuộc sống của người dân, bảo vệ hành tinh mà chúng ta đang sinh sống.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đối với Việt Nam, phát triển bền vững là con đường tất yếu, là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và toàn thể xã hội. Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển bền vững, xem con người và chất lượng cuộc sống là yếu tố trung tâm của các chủ trương, chính sách phát triển đất nước.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong hơn 15 năm qua, kể từ khi thực hiện các cam kết Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), nền tảng của các SDGs, Quốc hội Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quan trọng vì sự phát triển bền vững, đã ban hành mới và sửa đổi bổ sung hơn 300 đạo luật, ban hành Hiến pháp năm 2013.

Quốc hội thông qua Chiến lược quốc gia về Bảo vệ môi trường định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; tham gia xây dựng Chiến lược quốc gia về các mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước về kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến và bố trí ngân sách cho Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu; các chính sách, phương án đầu tư cho y tế địa phương, phục vụ cho đồng bào dân tộc miền núi hoặc đầu tư khoa học công nghệ, đổi mới mô hình để đảm bảo phát triển bền vững.

Quốc hội Việt Nam cũng góp phần thúc đẩy việc tham gia và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc thẩm tra và phê chuẩn việc Việt Nam tham gia các công ước, điều ước quốc tế…

Cùng với các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế song phương và đa phương, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan đến phát triển bền vững, thể hiện vai trò tích cực của Quốc hội trong triển khai các mục tiêu SDGs; Quốc hội Việt Nam đồng thời chú trọng việc nâng cao nhận thức của người dân về SDGs, sự cần thiết của việc lồng ghép các mục tiêu này, đưa SDGs trở thành các mục tiêu quốc gia trong dài hạn

Để thúc đẩy thực hiện các SDGs trong thời gian tới, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, việc nâng cao nhận thức của các đại biểu dân cử về vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với các SDGs là rất cần thiết. Bộ Công cụ tự đánh giá việc thực hiện SDGs dành cho các nghị viện là một văn bản quốc tế có vai trò hướng dẫn để các đại biểu tham khảo, từ đó đưa ra những kế hoạch triển khai thực hiện nhằm phát huy tốt nhất quyền và nghĩa vụ hiến định của mình.

Chương trình Hội nghị dự kiến tiếp diễn trong 2 ngày 17 và 18/12 tại Đà Nẵng.

Tác giả: Khánh Hiền

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP