Sáng 16/4, dự thảo luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc một lần nữa được trình xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội, trong khuôn khổ phiên họp thứ 23.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển muốn có câu trả lời cụ thể, làm đặc khu kinh tế, đất nước được lợi gì? |
Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc hoàn thành ít ngày trước nêu rõ, mô hình tổ chức chính quyền địa phương đặc khu được chỉnh lý bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, kết luận của Trung ương và ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị. Theo đó, chính quyền địa phương ở đặc khu gồm HĐND và UBND với những đổi mới cơ bản, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết điểm đặc biệt của dự thảo luật mới là đã bỏ quy định về Hội đồng tư vấn phát triển đặc khu, cơ quan do Thủ tướng thành lập, được xác định là một thử nghiệm về cách thức giám sát quyền lực ở đây.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định đại diện cho Ban soạn thảo luật khái quát lại, như vậy, về mô hình, chính quyền đặc khu được tổ chức rất tinh gọn, thực hiện nguyên tắc phân cấp, phân quyền cao. Những thẩm quyền được giao cho Chủ tịch UBND đặc khu được giữ nguyên như với phương án xây dựng thiết chế Trưởng Đặc khu ban đầu. Chức danh này, về cơ bản, chỉ là sự thay đổi tên gọi. Theo đó, Chủ tịch UBND đặc khu vẫn được giao những thẩm quyền trực tiếp từ Thủ tướng như quyết định các vấn đề, dự án thuộc nhóm A.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét, các báo cáo, giải trình chưa đưa ra được lời giải thấu đáo câu hỏi đặt ra là các đặc khu sẽ mang lại lợi ích gì?
Ông Hiển đề cập đến con số cả 3 đặc khu sẽ cần đầu tư hơn 1 triệu tỉ đồng đầu tư. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong số vốn đầu tư cần huy động này, phần ngân sách bỏ ra cũng đáng kể.
“Vậy thì cần trả lời cụ thể, 3 đặc khu này mang lại lợi ích gì cho đất nước. Chúng ta phải bỏ ra cái gì để thu được cái gì? Có thể trong ngắn hạn phải bỏ tiền ra đầu tư, nhưng trong dài hạn thì phải tính được lợi ích thiết thực” - ông Hiển cho rằng, Chính phủ chưa giải trình được cụ thể về bài toán kinh tế, hiệu quả ở đây.
Ông Hiển đồng ý luật này chỉ quy định đối với 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc để tránh khả năng phát triển tràn lan các đặc khu sau này như việc đã từng xảy ra đối với các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế biển…
Nói về những cơ chế tài chính đề xuất đối với đặc khu, Phó Chủ tịch Quốc hội tỏ ý tán thành với hướng để lại các khoản thu ngân sách trong vòng 10 năm để các đặc khu tái đầu tư nhưng kèm theo điều kiện, như thế, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm toàn bộ với các nội dung chi thường xuyên như chi cho giáo dục, y tế, chi lương cho bộ máy.
Ngân sách Trung ương có thể hỗ trợ trực tiếp cho đặc khu, không cần thông qua cấp tỉnh, tập trung vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng, trong vòng 10 năm. Ông Hiển thậm chí gợi ý việc đẩy mạnh hơn nữa quy định về việc vay để đầu tư của chính quyền địa phương. Các đặc khu có thể bội chi đến 90% so với tổng nguồn thu trên địa bàn, tương đương như cơ chế áp dụng với Hà Nội, TPHCM hện nay.
“Nếu không có những đột phá mạnh mẽ mà chỉ làm như này thì đặc khu cũng không có gì đặc thù, mới mẻ về vấn đề ngân sách” – ông Hiển nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quyết tâm xây dựng luật về đặc khu kinh tế |
Góp ý nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích, về ngân sách đầu tư, số tiền trên 1 triệu tỷ đồng cần có phải khẳng định phần lớn là từ thu hút vốn đầu tư chứ không phải là từ ngân sách.
“Ngân sách đầu tư phát triển cả nước trong 5 năm chỉ 2 triệu tỷ đồng thì làm sao bỏ vào đây hơn 1 triệu tỷ được. Thành lập 3 đặc khu kinh tế là để thu hút nguồn lực, tạo động lực hình thành 3 đầu tàu, lôi kéo nền kinh tế đất nước chứ không phải để tiêu tiền. Ví dụ, cả cái sân bay quốc tế ở Vân Đồn là do doanh nghiệp, do tư nhân đầu tư chứ không phải dùng vốn ngân sách. Nguyên tắc là một đồng rót vào đây là để hút về mấy chục, mấy trăm đồng chứ không phải làm đặc khu để nhiều năm sau nhìn lại thấy không được gì” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng quán triệt quan điểm, chủ trương là ban hành luật này theo nguyên tắc quyết tâm triển khai thực hiện và không thể bàn ra được, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, bàn luận sao phải ra được luật chứ không phải là để rút.
“Vấn đề cơ bản nhất đã giải quyết được rồi là luật không trái Hiến pháp, đặc khu có cả HĐND, UBND để đảm bảo việc kiểm soát quyền lực nhưng lại gọn nhẹ, hiệu quả (HĐND không quá 15 người, hoạt động chuyên trách, UBND chỉ có 1 Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch), bỏ được cơ chế Hội đồng tư vấn đi rồi. Còn các cơ chế chính sách ưu đãi ra mở ra từ từ, vừa làm vừa thử nghiệm, chứ không phải là mở ra rồi lại co dần” – Chủ tịch Quốc hội phân tích.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: Báo Dân trí