hatinh24h
Trạm thu phí Cầu Bến Thuỷ

UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản gửi các cơ quan chức năng kiến nghị di chuyển hai trạm thu phí cầu Bến Thủy và cầu Bến Thủy 2 về vị trí phù hợp. Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, 2 trạm thu phí làm ảnh hưởng đến việc liên kết vùng, thu hút đầu tư, khách du lịch từ Nghệ An sang huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Người dân ở huyện Nghi Xuân qua cầu Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 không tham gia giao thông trên QL1, tuyến tránh TP.Vinh (Nghệ An) và QL1 đoạn Nam Bến Thủy – tránh TP.Hà Tĩnh nhưng vẫn phải trả phí.

Các tài liệu về dự án cho thấy, 2 trạm thu phí nêu trên được dùng để thu phí hoàn vốn cho liên hiệp dự án tuyến đường tránh TP. Vinh (dài 25,8 km, thi công năm 2003, hoàn thành năm 2005, được dùng trạm thu phí cầu Bến Thuỷ trước đây để thu hồi vốn) và dự án mở rộng QL1 đoạn Nam Bến Thủy – tránh TP. Hà Tĩnh (tổng chiều dài 35,1 km, tổng mức đầu tư 2.434 tỷ đồng, trong có có cầu Bến Thuỷ 2 – nơi đang đặt trạm Thu phí Bến Thuỷ 2, cạnh cầu Bến Thuỷ cũ).

Để hoàn vốn cho các dự án này, năm 2014, Bộ Tài chính xin ý kiến Bộ GTVT, UBND các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh về dự thảo Thông tư thu phí cho hai dự án này. Trong đó có phương án sử dụng hai trạm thu phí cầu Bến Thủy và trạm thu phí cầu Bến Thủy 2 để thu hồi vốn. Sau đó, Bộ GTVT và UBND hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đều thống nhất phương án này. Văn bản của UBND tỉnh Hà Tĩnh nêu: “Tỉnh Hà Tĩnh cơ bản nhất trí với bố cục và các nội dung trong dự thảo của Bộ Tài chính”. Thông tư thu phí dự án này sau đó được ban hành.

Trả lời về các phương án di chuyển được đặt ra, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng GĐ Cienco 4 cho biết: Nếu dịch chuyển hai trạm thu phí về phía Nam tại khu vực điểm giao giữa QL8B với QL1 cũ theo đề xuất của tỉnh Hà Tĩnh sẽ không đảm bảo khoảng cách với trạm thu phí Cầu Rác, đồng thời ảnh hưởng đến việc giao thương, phát triển kinh tế của các huyện Bắc Hà Tĩnh với Lào.

“Nếu trạm thu phí đặt tại điểm giao giữa QL8B với QL1 cũ, người dân địa phương của huyện Nghi Xuân gặp thuận lợi là không phải trả phí khi đi sang TP.Vinh nhưng một số lượng lớn phương tiện sẽ phải mất tiền khi đi TP.Hà Tĩnh”, ông Huỳnh nói.

Phương án dịch chuyển trạm thu phí về phía Bắc (hướng TP.Vinh), theo ông Huỳnh vướng mắc hơn, bởi trước đây người dân và doanh nghiệp đã không đồng ý, đồng thời, vị trí này cũng không đảm bảo khoảng cách với trạm thu phí Hoàng Mai.

“Vị trí của 2 trạm thu phí Bến Thủy hiện tại cách trạm thu phí Hoàng Mai (Nghệ An) 83,5km và cách trạm thu phí cầu Rác (huyện Kỳ Anh – Hà Tĩnh) 72km, đảm bảo phù hợp về khoảng cách tối thiểu giữa hai trạm thu phí 70 km trên cùng một tuyến đường theo chỉ đạo của Thủ tướng” – ông Huỳnh cho biết. Theo ông Huỳnh, nếu chuyển trạm, nguồn thu không đảm bảo dẫn tới phương án tài chính của dự án bị phá vỡ, nhà đầu tư không đủ trả nợ và ngân hàng cho vay cũng gặp rủi ro.

Nói về giá phí còn cao cho các hộ ở gần cầu Bến Thuỷ 1 và Bến Thuỷ II, ông Huỳnh cho biết lâu nay đã phát hành vé tháng, vé quý cho các hộ dân khu vực dự án (Vé tháng chỉ thu bằng chi phí 1 lượt/ngày, hiện là 1.350 nghìn đồng/tháng đối với xe dưới 9 chỗ, không hạn chế số lượt; vé quý giảm 10% so với vé tháng). Hiện nhà đầu tư này đang phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét để giảm giá vé trong thời gian sớm nhất.

Trao đổi với về việc di chuyển hai trạm thu phí này, chí ít cũng tính đến phương án bỏ trạm thu phí cầu Bến Thuỷ cũ, chỉ để lại trạm thu phí Bến Thuỷ 2, một đại diện Ban Quản lý các dự án đối tác công tư (Bộ GTVT) cho rằng: Phương án đặt trạm thu phí tại hai cầu bắc qua sông Lam như hiện nay ngăn được tình trạng xe ô tô né trạm, rẽ vào các quốc lộ, tỉnh lộ và đường vành đai biển tại khu vực này.

Bảo An