Anh tên Trương Quang Cảm, chị là Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1978, cùng trú tại thôn Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, Quảng Trị). Anh chị có 2 đứa con là Trương Quang Nam (SN 2016) và Trương Thị Ngọc Huyền (SN 2018).
Căn nhà xây đã lâu, nay tuềnh toàng và trống trải bởi chưa có cửa chính |
Đang là lao động chính trong nhà, anh Cảm bị tai biến rồi mất, để lại chị Nguyệt với 2 đứa con thơ thiếu thốn đủ bề, không biết rồi đây thiếu vắng anh Cảm, 3 mẹ con chị sẽ sống như thế nào.
Con đường dài, nhọc nhằn dẫn vào ngôi nhà của chị Nguyệt và anh Cảm ở xóm Lòi, vốn đã cô lập giữa bốn bề cây rừng bao quanh nay càng hiu hắt hơn khi chiếc quan tài của người bố trẻ đặt giữa nhà, cạnh bên là người vợ hiền đau khổ, hai tay ôm hai đứa con thơ kêu la ai oán.
Bên chiếc quan tài, hai đứa con, đứa một tuổi quấy khóc liên tục, đứa vừa lên ba ngây thơ luôn miệng kêu “ba ba”. Hai đứa chưa ý thức được bố mình đã mất, lúc khóc lúc cười càng làm người chứng kiến thêm xót xa tột độ.
Ba mẹ con phờ phạc bên chiếc quan tài của bố |
Anh Cảm làm nghề thợ xây, hàng ngày anh đi làm ở các công trình gần nhà. Ý thức được cảnh nhà khó, sau giờ ăn tối cùng gia đình anh thường mang lưới đi làm cá, để có thêm cái ăn, cái bán phụ giúp cho gia đình. Anh là lao động chính trong gia đình, lại siêng năng nên rất được lòng bà con chòm xóm.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt đau ốm triền miên. Vẻ bề ngoài của chị lam lũ, già hơn tuổi và tóc đã bạc. 8 năm trước, chị Nguyệt bị tai nạn, phổi bị tổn thương. Nay, căn bệnh phổi vẫn chưa buông tha cho chị. Mỗi lần trái gió trở trời chị lại bị hành hạ, có khi đến đứa con của chị, chị cũng không ẵm được.
Mặc dù đau ốm nhưng chị đều cắn răng chịu đựng, lúc đau quá thì chị chỉ nhờ mua ít viên thuốc tây giảm đau để cầm cự chứ không dám đi khám hay đến bệnh viện để điều trị vì sợ tốn kém.
Những đứa trẻ và chị Nguyệt đang gặp muôn vàn khó khăn |
Chị Nguyệt kể lại, tối 29/9, sau khi đi làm về và ăn tối, anh lại kéo lưới đi làm, kiếm thêm con cá, con tôm như thường lệ. Đến khuya, khi đang ngủ thì anh Cảm bị lên cơn tai biến, chị Nguyệt tri hô mọi người sau đó đưa anh đi cấp cứu.
Nhưng sức khỏe của anh quá yếu, cầm cự được 2 ngày thì anh được đưa về nhà lo hậu sự.
Nghe hung tin, ai nấy thất thần, chị Nguyệt ngã quỵ xuống đất không tin vào sự thật. Anh Cảm ra đi để lại người vợ bệnh tật bất lực khi hai đứa con quá nhỏ dại, không có điều kiện để đến trường như bạn bè cùng trang lứa.
Căn nhà không có thứ gì giá trị, khoản nợ cũ chưa trả xong. Căn nhà tuềnh toàng và trống trải bởi không có cửa chính. Bốn bức tường xi măng trơ trọi mỗi mùa gió qua phải oằn mình lên chống chọi với mưa, gió.
Mái tôn lợp nhà dưới của anh chị nhiều nơi thủng từng lỗ to, mưa thì ướt, nắng chiếu thẳng vào nhà.
Chị Nguyệt cho hay hai vợ chồng đã cố gắng tích cóp nhưng vì anh Cảm là lao động chính, gia đình có nhiều khoản phải chi nên lần lữa mãi vẫn chưa làm được cửa.
Nơi anh chị ở là cuối xóm, ở đây, gia đình anh chị chịu thiệt thòi đủ thứ, từ khó khăn địa hình đến thưa người dân sinh sống. Nội, ngoại của anh và chị thì xa, nên anh chị ít khi nhận được sự giúp đỡ.
Khuôn mặt vô hồn, đôi mắt hốc hác vì khóc thương chồng, chị Nguyệt tâm sự thêm, trước đây nhà nước có hỗ trợ cho gia đình chị 12 triệu, còn vợ chồng chị vay thêm 15 triệu để xây nhà. Đã 6, 7 năm nhưng đến nay vẫn chưa trả xong nợ.
“Chị không biết đi xe máy lại hay đau ốm nên khó khăn đủ bề. Nay anh mất đi, 2 đứa con nhỏ côi cút. Chị cũng muốn cho 2 đứa đi học nhưng vì nhà nghèo nên các cháu vẫn phải ở nhà chịu cảnh khổ”.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về chị Nguyễn Thị Nguyệt thôn Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, Quảng Trị.
Tác giả: Hương Lài
Nguồn tin: Báo VietNamNet