Dự án đầu tư

Chợ Hôm – Thành công nhờ xã hội hóa đầu tư xây dựng công trình

Sau nhiều năm hoạt động, chợ Hôm đã xuống cấp và không còn đáp ứng được nhu cầu mua bán ngày càng tăng của nhân dân. Bên cạnh đó, chợ nằm ngoài đê nên về mùa mưa lũ thường bị ngập sâu, rất bất tiện cho việc buôn bán, trao đổi hàng hóa. Trước thực trạng đó, năm 2008, UBND huyện Đức Thọ quyết định đầu tư xây dựng chợ Hôm trở thành một chợ trung tâm của huyện với quy mô trên 700 gian hàng.

 Xã hội hóa việc đầu tư xây dựng chợ Hôm là một thành công lớn của thị trấn Đức Thọ trong việc huy động, khai thác tiềm năng và nguồn lực từ người dân. Chợ Hôm được xây mới khang trang với kinh phí đầu tư lên đến 35 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 25%, còn lại 75% do người dân đóng góp.

Chợ Hôm - Thành công nhờ xã hội hóa đầu tư xây dựng công trình
Chợ Hôm được thiết kế thông thoáng và hiện đại.

Chợ Hôm được khởi công xây dựng lại trong bối cảnh lạm phát kinh tế lên đến đỉnh điểm. Trong số 35 tỷ đồng kinh phí xây dựng, huyện chỉ hỗ trợ được 2 tỷ đồng và thị trấn trích từ nguồn ngân sách ít ỏi trong thời gian 5 năm được 7 tỷ đồng, số còn lại nhà thầu tự bỏ vốn. Do khó khăn về kinh phí nên chợ Hôm đã bị chậm tiến độ rất nhiều năm (khởi công từ đầu năm 2008 đến năm 2014 mới hoàn thành đưa vào sử dụng).

Ông Trần Hữu Châu – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Đức Thọ cho biết: Để hỗ trợ nhà thầu trong chặng thi công nước rút, cuối năm 2013, thị trấn Đức Thọ họp Thường trực Đảng ủy và huy động cán bộ chủ chốt góp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp vay ngân hàng được 3 tỷ đồng giúp nhà thầu hoàn thành các hạng mục.

Ông Võ Công Hàm – Bí thư Huyện ủy Đức Thọ cho biết: “Sau khi chợ được hoàn thành và đưa vào sử dụng, chúng tôi đã chỉ đạo UBND huyện thành lập tổ công tác cùng với thị trấn thống nhất họp và phân chia các khu vực, vị trí kinh doanh cho các nhóm hàng phù hợp với quy mô thiết kế. Đồng thời chỉ đạo thị trấn công khai vị trí các khu kinh doanh dịch vụ để lấy ý kiến đóng góp của các tiểu thương; công khai giá của từng vị trí cụ thể và tổ chức đấu giá, bốc thăm một cách công bằng, dân chủ nên nhận được sự đồng tình cao của bà con tiểu thương”.

Các ki-ốt kinh doanh tại chợ Hôm đã được các hộ kinh doanh đăng ký mua và nộp tiền ngay từ những ngày đầu chợ được khánh thành và đưa vào sử dụng. Địa phương đã thu được 16 tỷ đồng trong đợt 1 để trả nợ cho nhà thầu đúng cam kết. Cũng theo ông Trần Hữu Châu, để hỗ trợ các tiểu thương và hộ kinh doanh, bước đầu, thị trấn chỉ thu 60% tổng số tiền phải nộp cho mỗi ki-ốt, gian hàng, sau 3 tháng kinh doanh ổn định, địa phương mới thu nốt 40% còn lại mà không tính lãi.

Chợ Hôm hoàn thành và đưa vào sử dụng không những đáp ứng nguyện vọng của người dân trong khu vực thị trấn Đức Thọ và các vùng lân cận, mà còn là nơi tiêu thụ nông sản từ các mô hình phát triển sản xuất NTM trong toàn huyện. Chợ mới khang trang vừa tăng sự hấp dẫn cho hoạt động kinh doanh, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn cháy nổ và sức khỏe cho người dân cũng như các tiểu thương. Bà Nguyễn Thị Lan, tiểu thương kinh doanh các mặt hàng nhu yếu phẩm, cho biết: “Chợ đưa vào sử dụng tuy mới được hơn vài chục ngày nhưng chúng tôi đã cảm thấy thoải mái và khỏe ra nhiều vì môi trường thoáng đãng, trong lành.

Xã hội hóa xây dựng chợ Hôm thành công được bắt nguồn từ việc thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; công khai, minh bạch và dân chủ trong mỗi bước đi để tạo sự đồng thuận cao của nhân dân. Đây là kết quả của công tác phối kết hợp giữa huyện, thị trấn và đặc biệt là với ngành chuyên môn – Sở Công thương, qua đó khẳng định hướng đi đúng của việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa xây dựng chợ trên địa bàn toàn tỉnh.

Đức Thiện/ Baohatinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP