Số liệu trên được đưa ra trong báo cáo khảo sát về việc làm, tiền lương và đời sống của người lao động tại các doanh nghiệp do Viện Công nhân và công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) thực hiện. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, do mức lương tối thiểu chung trước đây quá thấp nên lương tối thiểu vùng áp dụng trong các doanh nghiệp những năm gần đây tăng liên tục với tỷ lệ tương đối cao, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Dù chi tiêu dè sẻn, người lao động vẫn gặp nhiều khó khăn vì thu nhập thấp |
Tăng ca “tự nguyện”
Theo TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định chỉ là mức sàn, nhằm hạn chế việc trả lương quá thấp, chống bóc lột, làm cơ sở để các doanh nghiệp xây dựng thang, bảng lương. Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp đã lạm dụng mức này để trả lương cho hầu hết người lao động, nên mức lương cơ bản, mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động rất thấp, chỉ trên mức lương tối thiểu vùng khoảng 15%.
Qua khảo sát thực tế hơn 800 hộ gia đình 4 người gồm hai vợ chồng là công nhân và hai người phụ thuộc, trung bình một tháng các gia đình chi tiêu hết 9,038 triệu đồng (tức là mỗi người lao động nuôi một người thì mức chi tiêu là 4,519 triệu đồng, trong khi đó thu nhập trung bình của người lao động nhóm này là 4,716 triệu đồng). Hầu hết thu nhập của người lao động trang trải cho các chi dùng hàng ngày như ăn, ở, điện, nước, chi phí học tập của con cái… Với tình hình thu nhập và chi tiêu đó, dù rất tằn tiện và dè sẻn thì đời sống của người lao động vẫn hết sức khó khăn.
Đánh giá về thu nhập và đời sống của người lao động, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ, thu nhập nêu trên ngoài tiền lương cơ bản còn bao gồm tiền làm thêm giờ, phụ cấp chuyên cần, thâm niên, xăng xe… Các khoản này chiếm từ 20 - 25% thu nhập của người lao động tùy từng vùng.
Nếu không có các khoản làm thêm giờ thì tiền lương của người lao động rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn và không thể có tích lũy. Về lý thuyết, người lao động tăng ca để tăng thêm thu nhập, là tiền để cho người lao động tích góp, tiết kiệm nhưng trên thực tế, người lao động buộc phải “muốn” đi làm thêm để có thêm thu nhập, bù đắp cho những chi tiêu của cuộc sống mà tiền lương còn thiếu.
Không thể chỉ cạnh tranh bằng lao động giá rẻ
Theo chuyên gia lao động, về nguyên tắc, tiền lương được trả phụ thuộc vào kết quả đầu ra và gắn với năng suất của người lao động, tăng lương phải dựa trên tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, tiền lương cũng cần phải đảm bảo đủ sống, là động lực để tăng năng suất lao động. Tiền lương ở Việt Nam được đánh giá là khá thấp, tiền lương doanh nghiệp chi trả cho người lao động vẫn “quanh quẩn” mức lương tối thiểu. Điều này một mặt tạo ưu thế cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, mặt khác gây ra bất ổn trong quan hệ lao động. Theo thống kê, hơn 80% các cuộc đình công là đòi tăng lương hoặc trả đúng lương.
Trả lời câu hỏi lương tối thiểu tăng nhanh có tạo áp lực cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho hay, cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tiền lương mong muốn thu nhập của người lao động hài hòa cả hai mục tiêu cải thiện thu nhập, duy trì đời sống của người lao động và duy trì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần phải hiểu lương tối thiểu là tiền lương của người lao động làm công việc đơn giản nhất, đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động hoạt động trong điều kiện bình thường, chứ không phải tiền lương dành cho toàn bộ lực lượng lao động.
Tăng lương tối thiểu có thể tạo áp lực lên các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đó là thách thức nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thay vì phản đối việc tăng lương, các doanh nghiệp cần đổi mới mô hình sản xuất, đổi mới công nghệ, tiết giảm chi phí, không thể mãi cạnh tranh chỉ bằng lao động giá rẻ.
Tác giả: Phạm Phương
Nguồn tin: Báo An ninh thủ đô