Trong nước

Chỉ tiêu 50 triệu: Công an "không phải là nhân viên kinh doanh"!

50 triệu đồng/tháng là chỉ tiêu cấp trên giao cho công an phường nên phải “cố gắng” phạt người dân cho… đủ chỉ tiêu.

“Khoảng tối” phơi bày?…


Câu trả lời “hồn nhiên” của một vị trưởng công an phường Thịnh Quang (Đống Đa, Hà Nội) khiến nhiều người không khỏi giật mình.


Giật mình cũng phải thôi. Lâu nay người dân vẫn đinh ninh chức năng của người thực thi công vụ (lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách) là đại diện và thực thi pháp luật, đảm bảo cho pháp luật được thực thi nghiêm minh thì nay lại kiêm thêm cả chức năng của… nhân viên kinh doanh với chỉ tiêu là một khoản tiền được “cấp trên” giao cụ thể.


Thực tế thì đây không phải là lần đầu tiên thông tin “hậu trường” trong lực lượng thực thi công vụ được dư luận biết đến. Trước đó cũng đã có khá nhiều “điều ong tiếng ve” xung quanh chuyện này, nhưng không được ai xác thực. Vì thế, có lẽ đây là lần đầu tiên thông tin trên được một “người trong cuộc” xác thực.




Trả lời báo chí về việc trật tự đô thị của phường ngang nhiên khua gậy “làm thay” của CSGT, vị trưởng công an phường Thịnh Quang phân trần: “Để xảy ra sự việc này, tôi thành thật xin lỗi người dân. Thú thật do áp lực nặng quá, một tháng bị giao chỉ tiêu 50 triệu đồng, nên anh em mới đi lập chốt, đi phạt. Lỗi nặng nhất là ô tô, nhưng không xử phạt được vì toàn chỗ quen biết, quen ông nọ, ông kia… không làm được”.


Thay vì “ném đá”, dư luận nên biểu dương vị trưởng công an phường hơn là vội chê trách, bởi nếu không có người như ông ta thì thông tin về “chỉ tiêu xử phạt” có lẽ vẫn mãi mãi và “khoảng tối bất khả xâm phạm” của lực lượng công an phường và dân phòng – vốn từng bị xem là “lạm quyền” trong thời gian qua.


Và nữa, vị trưởng công an phường này vẫn xứng đáng được nhận lời khen khi mà ông tỏ ra mình vẫn còn liêm sỉ hơn khối người vì đã biết… nói lời “xin lỗi” dân – điều mà với nhiều vị quan chức, từ “xin lỗi” đồng nghĩa với “liều thuốc cấm”, khó xài.


Nỗi khổ mang tên “Min đơ, Min toa”


Có lần, trong lúc trò chuyện vui, một đồng chí dân phòng ở phường nọ của Cầu Giấy (Hà Nội) đã không e dè, thật thà tâm sự: “Anh em dân phòng cũng có nỗi khổ riêng đấy chứ. Biết là nhiều khi bị người dân chửi như tát nước vào mặt nhưng rồi vẫn phải làm. Vì nhiệm vụ, vì cấp trên, chịu bao nhiêu sức ép mà không nói được…”.

Quận không giao chỉ tiêu?


Thượng tá Nguyễn Bá Phương – Phó trưởng Công an quận Đống Đa (Hà Nội): Quận chỉ đạo công an các phường nghiêm cấm lực lượng tự quản ra chặn xe trên đường. Công việc của họ là giúp công an phường giải quyết trật tự đô thị. Quận Đống Đachỉ đạo công an phường phải thu tiền phạt đạt chỉ tiêu 50 triệu đồng/tháng. Sau khi có thông tin về vụ việc, công an quận Đống Đa đã yêu cầu Công an phường Thịnh Quang viết báo cáo và giải trình sự việc.


Có lẽ đồng chí dân phòng đó đã nói đúng. Nỗi khổ đó không phải của riêng một người và cũng không phải bây giờ mới có.


Nỗi khổ đó cũng đã được Vũ Trọng Phụng đề cập đến cách đây gần cả một thế kỷ. Trong tiểu thuyết “Số Đỏ” (1936), nỗi khổ của các thầy Min đơ, Min toa (số hiệu cảnh sát lúc bấy giờ và cũng là 2 nhân vật trong truyện) là luôn luôn bị cấp trên phạt trừ lương vì “can tội” không thu tiền phạt đủ chỉ tiêu mà trên đã giao cho.


Thành ra tháng nào cũng thế, 2 thầy Min lại bị cúp lương, thật thảm hại.


Để tránh bị phạt, 2 thầy hằng ngày không ngần ngại trời nắng hay mưa, mặc quần soóc, cầm dùi cui và đạp xe lượn khắp phố phường để tìm phạt người dân cho đủ chỉ tiêu. Đối tượng mà các thầy “Min đơ, Min toa” nhắm đến để xử phạt thường là người dân tiểu bậy, thả rông chó, đổ rác ra đường, vợ chồng cãi nhau,… cho đến cả người ăn xin trên phố. Những quan Tây và công chức thì không bị các thầy phạt với lý do đó là “khách sộp”.


Câu chuyện lực lượng trật tự đô thị, dân phòng, công an phường phạt người dân chỉ nhằm mục đích sao cho “đủ chỉ tiêu” mà cấp trên giao hiện nay lại khiến nhiều người bất giác liên hệ đến 2 thầy “Min đơ, Min toa” nói trên.


Thậm chí, khi nghe thông tin này, nhiều người đã thở dài ngao ngán và hiến kế: “Có lẽ nên chuyển họ sang lĩnh vực kinh tế, làm nhân viên kinh doanh chẳng hạn, đảm bảo chắc chắn làm ăn có lãi lớn”.


Cũng có thể. Nhưng mà cũng lo lắm thay.


Làm sai luật


Trao đổi với PV về vấn đề này, Thượng tá Lê Đức Đoàn (Phòng CSGT, CA TP Hà Nội) khẳng định: Việc xử lý người và phương tiện vi phạm giao thông thuộc thẩm quyền của CSGT. Các lực lượng khác như trật tự đô thị, dân phòng, công an phường chỉ được phép hỗ trợ khi có yêu cầu của cấp trên hoặc CSGT.


Hỗ trợ ở đây được hiểu là đảm nhận các công việc khác, ví dụ như cấm bán hàng rong, quán ăn ở lòng đường, vỉa hè, ngã tư,… để giữ thông thoáng hành lang giao thông được an toàn. Người đang điều khiển phương tiện giao thông trên đường nếu có vi phạm giao thông thì thẩm quyền yêu cầu dừng xe và xử phạt thuộc về CSGT, các lực lượng nói trên không có quyền.


Ở vụ việc trên, phát ngôn của vị trưởng công an phường có nhiều điều không ổn. Thứ nhất là đơn vị rõ ràng đã làm sai. Thứ hai, vị trưởng công an phường “biện hộ” cho rằng trên giao “chỉ tiêu xử phạt 50 triệu đồng/tháng” cũng là sai.


Nguyên tắc xử phạt là đúng người, đúng tội, mục đích là để pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh, công bằng, đảm bảo an toàn trật tự xã hội. Đằng này phát ngôn “hồn nhiên” thế hóa ra mục đích công an phường xử phạt người vi phạm giao thông từ trước đến nay chỉ vì tiền à? Mà chỉ tiêu đó ở đâu? Ai giao? Văn bản quy định nào? Và ai cho phép lực lượng nay ‘làm thay’ nhiệm vụ của CSGT?


Người thực thi công vụ phải làm đúng pháp luật, vì sự nghiêm minh của pháp luật, không thể làm vì mục đích kinh doanh!

Soha.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP