Trong nước

Chỉ nộp tại chỗ cho CSGT với mức phạt dưới 250.000 đồng

“Nộp phạt trực tiếp cho CSGT chỉ áp dụng ở nơi xa xôi hẻo lánh, biên giới, miền núi, đối với người dân không có điều kiện đi nộp và ngoài giờ hành chính kho bạc không làm việc”.

Việc nộp phạt trực tiếp cho CSGT chỉ áp dụng ở nơi hẻo lánh.

Thông tin trên được Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên – Cục trưởng Cục CSGT đường bộ – đường sắt cho biết.

Tuy nhiên, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên cho biết với việc nộp phạt vi phạm này người dân có 2 lựa chọn là nộp về kho bạc hoặc nộp trực tiếp cho CSGT, tức là nếu không muốn nộp cho CSGT thì người dân có thể mang tiền đến kho bạc nộp như bình thường.

Dự thảo lần một thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 171/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đang gây nhiều ý kiến trái chiều khi đề xuất cho phép người vi phạm nộp trực tiếp cho cảnh sát giao thông thay vì đến kho bạc như hiện nay. Một mặt, nghị định sẽ giúp người vi phạm tránh được phiền hà và tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại việc cho phép CSGT thu tiền phạt trực tiếp sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực.

Phản đối lo ngại này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên cho rằng nếu nghĩ như vậy là đang hiểu không đúng về quy định. Bởi việc nộp phạt được thực hiện theo Luật xử phạt vi phạm hành chính và có quy định theo thẩm quyền cụ thể. Việc nộp này có quy định theo mức phạt và địa bàn.

Cục trưởng Cục CSGT đường bộ – đường sắt nhấn mạnh, việc nộp phạt trực tiếp chỉ áp dụng trong trường hợp vi phạm có mức phạt tiền dưới 250.000 đồng với cá nhân, 500.000 đồng với tổ chức, xảy ra ở những địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi, việc đi lại gặp khó khăn hoặc ngoài giờ hành chính, trường hợp bất khả kháng người vi phạm không thể đến kho bạc. Các tình huống khác vẫn áp dụng theo quy định cũ.

“Làm nhiệm vụ tuần tra trên đường, CSGT có quyền bắt lỗi vi phạm giao thông trực tiếp và ra quyết định xử phạt tại chỗ, thu tiền ở mức tiền 500.000 đồng thì chỉ được thu vậy, chứ không phải tất cả số tiền bị phạt đều nộp cho CSGT”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên nói.

Ngoài ra, vị Cục trưởng này cho rằng, những tiêu cực của CSGT cũng phần nhiều do người dân có ý thức tham gia giao thông kém mà ra. Thông thường, khi phát hiện người mắc lỗi, cảnh sát mới dừng xe sau đó lập biên bản, nhưng nhiều người không muốn tới kho bạc, muốn đi nhanh nên “hối lộ”.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ làm nghiêm, sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn tiêu cực này”, ông Tuyên khẳng định.

Cục trưởng Cục CSGT đường bộ – đường sắt cũng cho biết thêm, cơ quan này đã đề xuất Dự thảo này nhiều lần nhưng chưa được đồng ý. Dự thảo mới đang chỉ dừng lại ở việc lấy ý kiến các địa phương và chưa được duyệt.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP