Thế giới

Chết đói trên mỏ vàng

Chỉ mới 2 tháng tuổi, cuộc sống của bé Yulita Atap đã thật sự gian nan. Nạn đói khiến bé tiều tụy và phải giành giật sự sống trên giường bệnh tại khu Asmat, tỉnh Papua - Indonesia.

Mẹ của Yulita qua đời khi lâm bồn. Người cha do đau buồn suýt đánh bé chết và chôn cất cùng mẹ. May là người chú đã can thiệp để cứu sống Yulita.

Yulita không phải là nạn nhân duy nhất của cuộc khủng hoảng bệnh sởi và suy dinh dưỡng đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 72 người, chủ yếu là trẻ em, ở tỉnh Papua, nơi có mỏ vàng lớn nhất thế giới. Trong cuốn sách "The Asmat Medicine Man" xuất bản năm ngoái, tác giả Willem Bobi - một người Papua bản địa - cho biết tỉnh này bị thiếu nước sạch và cơ sở y tế trầm trọng. Theo ông Willem, dịch sởi từng xảy ra trước đây nhưng không tồi tệ như bây giờ.

Khi hay tin về sự bùng phát bệnh sởi ở Papua, Tổng thống Indonesia Joko Widodo lập tức ra lệnh cho quân đội và ngành y tế vận chuyển hàng hóa đến những ngôi làng xa xôi. Các nhân viên y tế đã tiêm chủng cho hơn 17.300 trẻ em. Sau đó, chính quyền địa phương tuyên bố hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh.

Quân đội Indonesia cho biết họ đang tiến hành hoạt động giám sát kéo dài 1 năm trong khu vực để tìm hiểu nguyên nhân. Dù vậy, phản ứng của Jakarta vẫn bị đánh giá là chậm chạp.

Bé Yulita trên giường bệnh Ảnh: BBC

Có diện tích tương đương lãnh thổ Bỉ với sự bao phủ của nhiều rừng, Asmat đang chứng kiến tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng nhất Papua. Điều đáng nói là Asmat cách TP Timika, nơi đặt mỏ vàng lớn nhất thế giới, chỉ 1 giờ bay. "Chúng tôi chỉ được ăn khi có thức ăn. Nếu không có, chúng tôi phải nhịn đói. Hiện tại, chúng tôi không có thuyền để đi đánh cá" - cô Ofnea Yohanna, mẹ của 6 đứa con, trong đó có 3 đứa bị suy dinh dưỡng nặng, chia sẻ với đài BBC.

Quan chức đại diện khu vực Asmat, Elisa Kambu, cho biết Jakarta chỉ nói đến chuyện đã có nhiều tiền được gửi đến Papua nhưng tiền thôi thì không giải quyết được vấn đề ở địa phương này.

Papua là một khu vực nhạy cảm kể từ khi trở thành một phần của Indonesia vào những năm 1960. Papua sở hữu nguồn tài nguyên phong phú, đồng thời là một trong những tỉnh đóng thuế nhiều nhất của Indonesia. Dù vậy, một phong trào đòi ly khai và độc lập, dù không mạnh mẽ, vẫn tiếp diễn cho đến giờ.

Tác giả: Phạm Nghĩa

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP