Đặc Sản Hà Tĩnh

Chè kê – hương vị kéo dài Tết của người Hồng Lĩnh

Từ xưa, quê tôi phường Đậu Liêu (Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) có tục nấu chè kê ngày Tết, mà ít thấy ở nơi khác.


Đêm giao thừa, lúc cha tôi vớt bánh chưng thì mẹ tôi bắt đầu nấu chè kê. Chè kê nấu nhanh, nước sôi mươi phút là chín, mùi thơm đậm nồng dịu ngọt chốc lát tràn ngập mấy gian nhà nhỏ rất hợp với mùi bánh chưng và hương trầm, tạo nên hương vị thời khắc thiêng liêng giao thừa một sự ấm no đầy đủ mà man mác buồn.


Đặc biệt, chè kê để được lâu, bát chè kê đặt trên bàn thờ gia tiên cả tuần trăng còn ăn được. Khi đó, chè kê mọc một lớp mốc xanh như lông tơ cao cả đốt ngón tay, dùng đũa gạt bỏ, rồi xắn miếng chè kê dẻo ngọt bên dưới bấy giờ đã thoảng vị chua.


Chao ôi! Đó là hương vị kéo dài của Tết nghèo, kéo dài sự no đủ mấy ngày Tết cho tuổi thơ nghèo không bị phũ phàng dập tắt quá nhanh những ước mơ đẹp đẽ vừa loé lên rực rỡ đầu năm mới.


Tôi nhớ người anh rể lấy chị nuôi của tôi. Người chị này nhà nghèo, lúc nhỏ ở với cha mẹ tôi rồi làm con nuôi. Anh rể cũng nghèo, Mồng Một Tết luôn đến chúc Tết cha mẹ tôi sớm nhất. Hai tay anh bưng đĩa cau trầu và be rượu, đứa con lon ton theo sau. Bên mâm tiệc đầu năm, sau rượu thịt là chè kê.


“Mời ông bà và các cậu ăn chè”, năm nào anh cũng nói một câu như vậy rồi cầm đũa xắn miếng chè kê đưa lên miệng. Hạt kê nấu chè chọn kê nếp, nấu với mật càng dẻo, màu vàng tươi của kê quyện với màu hổ phách của mật già làm nên màu cam chín chè kê đặc biệt hấp dẫn.


Tay xắn miếng chè kê mau mắn, miệng anh cúi xuống cũng mau mắn để đón miếng chè kê màu cam chín. Bấy giờ, trước sân nắng Xuân lan toả, ngoài vườn gió Xuân hây hẩy. Hết bát chè kê, anh uống thêm bát nước chè xanh rồi dắt con từ giã ra về.


Mẹ tôi có lần khẽ than, anh rể nuôi nghèo năm nào cũng đến chúc Tết đầu tiên nên quanh năm nhà tôi nghèo, không khá được như trước. Cha tôi nói, làm ăn hợp tác xã thì ai cũng như ai thôi mà. Than thở vậy nhưng không lộ ra với anh nên năm nào anh cũng dắt con đến chúc Tết đầu tiên và cha mẹ tôi đón tiếp ân cần.


Anh lại “mời ông bà và các cậu ăn chè” rồi mau mắn xắn những miếng chè kê ngon lành khiến tôi nhớ mãi. Nay cha con anh đã qua đời trong nghèo nàn và bệnh tật. Cha mẹ tôi cũng đã qui tiên. Không biết dưới suối vàng, cha mẹ tôi và cha con anh có còn ăn chè kê dịp Tết?


Bông kê giống bông lúa mạch nhưng nhỏ hơn, hạt kê nhỏ như hạt tấm, màu vàng nhạt. Bông kê chín cắt về phơi khô, tuốt lấy hạt xay bỏ lớp vỏ trấu bên ngoài.


Trước khi nấu chè, ngâm chừng tiếng đồng hồ cho hạt kê mềm ra. Nấu chè kê không khó nhưng phải siêng tay khuấy để không bị khét vì hạt kê nhỏ hay đứng nồi, và nấu với mật mía mới ngon.


Tôi sinh ra ở quê nghèo Hà Tĩnh, tuổi thơ được thấy nhiều nồi chè kê chín trong đêm Giao thừa. Dẫu xa quê đã lâu, hương vị chè kê còn lưu luyến.


Sáu Nghệ

Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP