Việt Nam

Châu Phi cảnh giác Trung Quốc, Việt Nam cần tỉnh táo

Ở một số nước Châu Phi đã có sự lên tiếng của Chính phủ nhưng Việt Nam thì việc này mới chỉ dừng ở công luận, báo chí.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đã phân tích tình hình trước thông tin một số nước châu Phi cáo buộc Trung Quốc và đã có những cảnh giác khi nước này đầu tư. Theo đó TS Doanh cho rằng: kỳ này Quốc hội nên yêu cầu Chính phủ báo cáo về những tình hình đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam như thế nào để Quốc hội sẽ có những quyết định và biện pháp cần thiết.

PV:Thưa ông, mới đây Trung Quốc đã bị Châu Phi cáo buộc chỉ tập trung vào việc khai thác tài nguyên chứ không giúp tạo công ăn việc làm và thị trường tại các nước này. Đồng thời nhiều dự án được đưa vào đây cũng là nhằm phục vụ ý đồ của Trung Quốc khai thác nhân công giá rẻ, đối xử bất công với người dân địa phương. Thêm nữa, hàng tiêu dùng, đồ may mặc… Trung Quốc đã tràn ngập các thị trường châu Phi. Phương Tây cáo buộc dây là chính sách “thực dân kiểu mới”. Ông đồng tình ở mức độ nào về cáo buộc của các nước châu Phi và nhận định của phương Tây? Cá nhân ông kiến giải như thế nào về hiện tượng này?

TS Lê Đăng Doanh: – Lâu nay đã có nhiều tiếng nói của các nước Châu Phi về việc Trung Quốc đầu tư vào châu Phi, ứng xử theo kiểu thực dân kiểu mới.

Cụ thể là Trung Quốc đầu tư vào các nước này là để khai thác tài nguyên và mang theo rất đông công nhân sang, đồng nghĩa với việcTrung Quốc không tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động các nước bản xứ.

Thậm chí những người lao động Trung Quốc sang đó còn tổ chức ăn uống, sinh hoạt riêng nên người dân bản xứ cũng không có cách nào để kiếm lợi nhuận từ họ.

Trái lại Trung Quốc thì tận lực khai thác tài nguyên mang về nước, không chuyển giao công nghệ và đồng nghĩa với việc không mang lại giá trị gia tăng cho nước sở tại.

Thế nhưng các ‘ông chủ’ Trung Quốc lại rất tự hào và vẫn cho mình là người “khai hóa” các nước nghèo nhất châu Phi.

Như trước đó một vị lãnh đạo của một tập đoàn có tiếng đổ rất nhiều vốn để đầu tư sang châu Phi từng khẳng định: ““Chúng tôi đã đem đến những gì? Đem đến vốn liếng, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý và cả thị trường, sau đó chúng tôi còn mở mang, gia công, sản xuất, tiêu thụ giúp họ… Họ vốn chẳng có kỹ thuật, thị trường, đội ngũ quản lý, vốn cũng không có nốt. Chúng tôi làm vậy là để giúp đất nước họ phát triển kinh tế, giải quyết vấn đề sức lao động dư thừa, góp phần làm tăng thu nhập cho họ. Đây sao có thể gọi là tranh giành được?”.

Trái với những gì vị lãnh đạo này đã nói, các dự án khai thác khoáng sản của Trung Quốc ở châu Phi lại tàn phá dữ dội môi trường lục địa đen. Các mỏ đồng ở Zambia khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Dự án xây đập thủy điện ở thác Kongou tại Gabon do Trung Quốc đầu tư đe dọa hủy diệt cả một vùng sinh thái giàu có của công viên quốc gia Ivindo. Tại châu Phi, nhiều khu rừng nguyên sinh bị tàn phá để khai thác gỗ…

Rồi có cả chuyện tại các mỏ khai thác tài nguyên có nhiều nguy hiểm rình rập, giới chủ người Trung Quốc ở châu Phi thuê lao động lục địa đen làm việc 18 giờ/ngày với mức giá rẻ mạt (dưới 4 USD/ngày), trong khi chẳng hề để ý đến an toàn lao động. Một vụ nổ ở mỏ đồng tại Chambishi, Zambia năm 2005 làm 46 công nhân Zambia thiệt mạng.

Kết quả một khảo sát cũng cho thấy trong khi Bắc Kinh luôn hứa hẹn sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa, thì 90% lượng công việc tại các dự án do Bắc Kinh đầu tư ở châu Phi đều rơi vào tay lao động Trung Quốc.

Vì vậy cho nên thời gian ban đầu quan hệ có vẻ như hồ hởi nhưng sau đó một số nước đã có ý kiến cảnh giác.

Có hiện tượng như trên cũng là điều dễ hiểu bởi Trung Quốc là một nước thiếu tài nguyên. Quốc gia này thiếu nước nghiêm trọng, không tự túc được lương thực, nguyên vật liệu để thực hiện công nghiệp hóa.

Vì vậy mục đích khai thác tài nguyên ở nước khác là chiến lược của Trung Quốc. Vì không tự túc được lương thực, như nước khác thì sẽ nhập khẩu lúa gạo, nhưng Trung Quốc thì không làm như vậy mà đưa người sang các nước Châu Mỹ La Tinh, các nước Trung Á… canh tác rồi đưa nông sản về.

Chính vì như vậy nên hành động này đã khiến lực lượng tiến bộ ở các nước này phản đối.

Khai thác khoáng sản ở các nước khác là mục tiêu của Trung Quốc khi thực hiện công nghiệp hóa
Khai thác khoáng sản ở các nước khác là mục tiêu của Trung Quốc khi thực hiện công nghiệp hóa

PV: –  Hiện tượng tương tự cũng đang diễn ra tại Việt Nam: các dự án FDI khủng, lao động phổ thông người Trung Quốc tràn lan không kiểm soát, hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường, nguồn nguyên liệu cho các ngành sản xuất ở Việt Nam đều nhập từ Trung Quốc. Liệu có sự khác nhau giữa hiện trạng xảy ra ở Việt Nam và các nước châu Phi kể trên hay không và cụ thể là như thế nào? Theo ông đánh giá, mức độ phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào kinh tế Trung Quốc đã tới đâu?

TS Lê Đăng Doanh: – Theo tôi thì các ứng xử của Trung Quốc đối với Việt Nam cũng giống như ở các nước Châu Phi thôi.

Chỉ có điều ở Việt Nam đến nay mức độ thô bạo và hành động của Trung Quốc có lẽ giảm hơn đôi chút.

Như các dự án ở khu kinh tế Vũng Áng, về danh nghĩa là do Đài Loan đầu tư thế nhưng thực chất hiện nay thấy công nhân của Trung Quốc lại có mặt ở đây rất nhiều. Cho nên tôi nghĩ chúng ta cần phải xem xét mọi việc hết sức tỉnh táo.

Sở dĩ tôi nói như vậy vì hiện Việt Nam đang phụ thuộc khá nhiều vào kinh tế của Trung Quốc, nhất là việc nhập khẩu các linh kiện điện tử, nguyên vật liệu dệt may…Tôi nghĩ nếu tỉnh táo, có lộ trình để sửa thì Việt Nam sẽ thoát ra được sự kiềm tỏa này.

PV: Hiện các nước Châu Phi đã nghi ngại về sự đầu tư của Trung Quốc trên đất nước họ và đã bày tỏ quan điểm chính thức. Theo ông, sự giật mình tỉnh giấc sau hơn nửa thế kỷ nhận nguồn đầu tư của Trung Quốc là sớm hay muộn? Việc lựa chọn đối sách với họ có quá khó khăn không, khi mà cả châu Âu và Mỹ đều đang “trở lại với châu Phi”? 

TS Lê Đăng Doanh: – Ở một số nước Châu Phi đã có sự lên tiếng của Chính phủ nhưng Việt Nam thì việc này mới chỉ dừng ở công luận, báo chí. Dù gì đi nữa, sự ‘tỉnh giấc’ của Châu Phi cũng thể hiện sự tiến bộ, cảnh giác trong suy nghĩ của họ.

PV: Đối với trường hợp của Việt Nam thái độ của chúng ta với nguồn đầu tư và sự phụ thuộc nền kinh tế Trung Quốc hiện nay đang thế nào? Và nếu tiếp tục duy trì sự lệ thuộc này thì điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế của chúng ta? Muốn tránh được hậu quả đó chúng ta phải làm gì, dựa trên những lợi thế hay cơ sở nào?

TS Lê Đăng Doanh: – Tôi nghĩ mong rằng trong hành động, các nhà quản lý cần có sự cảnh giác và có những biện pháp cứng rắn.

Đầu tư chính thức nước ngoài của Trung Quốc vào Việt Nam thì không lớn nhưng mà Trung Quốc vì nhiều lý do, trong đó có lý do Việt Nam xây nhà máy điện nhưng không có vốn lại vay từ quỹ xuất khẩu của Trung Quốc, cho nên phải chấp nhận nhà thầu Trung Quốc công nghệ Trung Quốc.

Thêm nữa, chính các vị quản lý trong ngành khai khoáng cũng đã lên tiêng việc Trung Quốc mua lại giấy phép của các doanh nghiệp Việt Nam khai thác các mỏ các khoáng sản. Đây là cái mà Trung Quốc hiện nay đang rất cần.

Tôi nghĩ, cần phải có một báo cáo ra Quốc hội về thực trạng các đầu tư của Trung Quốc như thế nào, thực trạng họ làm gì, những người nào có phép, những người nào không có phép… Dựa vào đó, Quốc hội sẽ có những quyết định và biện pháp cần thiết.

Trên cơ sở nhận định tình hnnh, chúng ta phải đa dạng hóa các đối tác, thu hút đầu tư để chủ động được phần lớn linh kiện, các ngành công nghiệp phụ trợ để tránh phải nhập khẩu từ cái tăm tre đến các sản phẩm nhỏ nhặt khác từ Trung Quốc. Nếu không chúng ta sẽ mãi bị lệ thuộc.

 Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mới đây tại Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài nguyên – môi trường (TNMT) với 120 doanh nghiệp khai thác khoáng sản phía Nam diễn ra tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Thuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản, Bộ TNMT – khẳng định nhiều giấy phép khai khoáng đã được bán cho doanh nghiệp Trung Quốc.

Thống kê của năm 2010 cho thấy cả nước có đến 5.000 giấy phép khai khoáng được cấp cho hơn 2.000 doanh nghiệp.Thế nhưng rất nhiều doanh nghiệp sau khi có giấy phép khai khoáng đã tìm cách bán lại cho đối tác khác.

“Đơn cử như ở phía Bắc có đến hơn 60% mỏ có dấu vết của các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc. Người Trung Quốc gần như đứng đằng sau điều hành việc khai khoáng của chúng ta”, ông Thuấn khẳng định.

Bích Ngọc (thực hiện)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP