Giải trí

Chất vấn tác giả màn 'Ai cho cô cưỡi lên người con trai tôi?'

Biên kịch Đặng Thiếu Ngân - tác giả kich bản bộ phim đang gây sốt “Sống chung với mẹ chồng” đã lên tiếng trước những ý kiến trái chiều so sánh kịch bản phim với bản nguyên tác, cùng với đó là những chia sẻ thú vị, xoay quanh việc lên ý tưởng kịch bản.

Kịch bản hay như bộ khung vững chắc góp phần không nhỏ làm nên thành công phim. Chị gặp áp lực gì với đề tài mẹ chồng nàng dâu, dễ viết nhưng khó hay?

- Đúng, kịch bản hay là yếu tố tiên quyết để có bộ phim hay. Nhưng nếu tình tiết hay, được xử lý bởi một đạo diễn giỏi, có khả năng biến hoá và sáng tạo, cùng sự thể hiện xuất sắc của diễn viên, bên cạnh những yếu tố bổ trợ sẽ mang đến thành công của bộ phim.

Theo tôi, đề tài mẹ chồng nàng dâu thật ra không dễ viết. Đó chính rào cản quen thuộc bởi không ai muốn nói đến "cái bình thường" và làm sao để "cái bình thường" đó hấp dẫn. Nhưng không giấu gì bạn, tôi không gặp phải áp lực gì. Có chăng chỉ là việc không ngừng học hỏi để có thêm tư liệu, kiến thức.

Biên kịch Đặng Thiếu Ngân.

Kịch bản phim được chuyển thể từ truyện cùng tên của một nhà văn Trung Quốc. Trăn trở viết làm sao cho hay, cho có màu sắc riêng biệt có phải khó khăn chị gặp phải?

- Nguyên tác quá nổi tiếng, khi chuyển thể sang kịch bản phim truyền hình, dành cho đối tượng khán giả từng biết và chưa biết nguyên tác là điều không dễ.

Thế nên, tôi trăn trở là chuyện đương nhiên. Tôi thường tự đặt mình vào mọi tình huống, sống trong tưởng tượng từng nhân vật... Nói chung, không phải chỉ kịch bản chuyển thể, viết gì với mục đích "không phải cho riêng mình và bạn bè, người thân" đều cần trăn trở và làm hết khả năng có thể.

Chị nói gì trước ý kiến cho rằng một số tình tiết trong kịch bản bị làm quá?

- Với những người chưa đối diện, bắt gặp tình huống đó thấy quá là đúng rồi. Nhưng bạn biết không, còn rất nhiều khán giả nhiệt thành chia sẻ, muốn biên kịch đến gặp để được "kể cho cả đống chuyện còn ghê hơn trên phim". Như vậy phim đâu có làm quá, rất chân thực với tình huống cụ thể, con người cụ thể đấy chứ. Phim ảnh là bức tranh muôn màu, khán giả cũng là một thế giới đa sắc, nhưng dù nhận xét gì cũng giúp tôi học hỏi thêm nhiều điều, tích luỹ kinh nghiệm cho những kịch bản sau...

Nhiều câu thoại như “Ai cho cô cưỡi lên người con trai tôi thế hả?”, hay “Đàn ông vào bếp chỉ để ăn thôi”… bị nhiều khán giả nhận định là vô lý. Cùng với đó là câu hỏi, chị viết vậy có phải để câu view?

- Phim làm ra mong có khán giả, tức là cần view rồi. Chỉ là việc câu view đó diễn ra thế nào, có xứng đáng để cái "view" của khán giả "bị câu" hay không thôi? Tôi nghĩ, văn phong, cách ứng xử của mọi người, mọi nhà đều không phải rập khuôn tăm tắp, dù cốt lõi tất cả đều mong hợp thuần phong mỹ tục, có văn hoá...

Ai thấy vô lý tức là trong nhà họ không có thói quen nói năng như vậy. Nhưng họ có khẳng định là gia đình khác không nói thế không? Có thể ngay lúc này, đọc bài báo này cũng có người láng máng, hình như đã từng nghe một vài câu kiểu thế thì sao? Thoại là của Bà Phương... Bà Phương là bà Phương mà, đâu phải bà mẹ nào cụ thể hay mẹ anh gì gì đó đang ngồi trước TV...?

Một phân cảnh trong phim

Chị nói gì khi gần đây có nhiều ý kiến độc giả so sánh tình tiết, cũng như hệ thống nhân vật chưa được hay so với bản nguyên tác?

- Đa phần những fan yêu truyện sẽ khó yêu phiên bản lên phim. Tôi cũng vậy chứ đứng nói khán giả, thậm chí thất vọng khi xem phim. Và rồi tôi đặt câu hỏi: Tại sao không cảm nhận và đánh giá theo góc độ khác.

Theo đó, tôi cho rằng những tác phẩm đã được Việt hoá, khán giả nên nhìn ở góc độ phim Việt. Bởi nhiều yếu tố là sự phóng tác từ kịch bản gốc, mà đã phóng tác không thể bê nguyên si, y hệt bản gốc để tái hiện lên phim được. Hơn nữa, ngay cả phim nước ngoài, khi dịch thuyết minh, phụ đề đã không giữ được tuyệt đối ý, cảm xúc hay thái độ của nhân vật huống hồ việc viết lại cả kịch bản phim.

Chị có thể tiết lộ những yếu tố đã được Việt hoá trong kịch bản phim?

- Phần này tôi xin phép chưa thể tiết lộ, mong khán giả dành nhiều quan tâm, ủng hộ cho bộ phim “Sống chung với mẹ chồng”. Nếu bật mí, sẽ mất đi sự kịch tính của phim, chỉ biết rằng rất nhiều bà mẹ, nhiều cô gái sẽ thoáng thấy hình bóng, cảm xúc của mình, của người quen ở đó…

Chị cũng đã làm dâu, vậy điều đó có giúp chị có tư liệu đưa vào kịch bản phim hay không? Hay chất liệu được lấy từ câu chuyện của bạn bè, đồng nghiệp?

- Vâng, không giấu gì bạn tôi đã học hỏi và chiêm nghiệm rất nhiều từ cuộc sống của mình. Hơn thế, tôi cũng nhìn nhận từ cuộc sống của mọi người xung quanh để đúc kết thành những cấu tứ trong nhiều trang viết.

Kịch bản viết lên phim là vậy, nhưng ngoài đời có khi nào chị và mẹ chồng Hàn tồn tại những mâu thuẫn khó giải quyết?

- Đợi tôi viết "Sống chung với mẹ Hàn" đã nhé, chắc phải như thế mới đủ mô tả quan hệ thú vị này hầu chuyện các bạn.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Tác giả: Quỳnh Anh

Nguồn: Báo vietnamnet.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP