Trong nước

“Chất vấn” 3 Bộ trưởng về việc nên “ở nhà” hay “chạy ra đường”

Góp ý của một đại biểu Quốc hội về việc Bộ trưởng nên tập trung làm thể chế, chính sách hơn là căng sức để giải quyết những việc sự vụ phát sinh được báo giới đưa ra “chất vấn” lại chính các tư lệnh ngành – những người hàng ngày ngồi “ghế nóng”.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng: “Làm chính sách cũng để gần dân”

“Chất vấn” 3 Bộ trưởng về việc nên “ở nhà” hay “chạy ra đường”
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng bị người dân “vây”… đòi đường trong chuyến kiểm tra công trường thi công đường dẫn cầu Nhật Tân – Nội Bài.

Không bình luận về ý kiến góp ý “nên ở nhà nhiều hơn là chạy ra đường” của đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm với lý do đó là phát ngôn của đại biểu trên báo, không phải góp ý trực tiếp, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đề nghị “hãy để việc đó cho người dân nhìn nhận đánh giá”.

Còn về câu hỏi Bộ trưởng nên tập trung hành động hay làm thể chế, chính sách, người đứng đầu ngành GTVT đáp: “Đã là Bộ trưởng thì phải làm cả 2 việc. Gần dân cũng là để hoạch định chính sách và làm chính sách cũng là để gần dân”.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng: “Chấn chỉnh được nhiều chuyện từ việc đi thực tế”

Bộ trưởng Xây dựng cho rằng, việc làm chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, từ đòi hỏi của cuộc sống. Chính sách ban hành ra, mục tiêu là phải để phục vụ con người, phục vụ người dân, để cuộc sống của người dân hạnh phúc hơn.

Ông Dũng chia sẻ: “Từ những chuyến đi thực tế, tôi nắm được không khí đời sống và có cảm xúc hơn để từ đó xây dựng chính sách, trên cơ sở tình tình thực tiễn của đất nước, điều kiện về nguồn lực, con người”.
“Chất vấn” 3 Bộ trưởng về việc nên “ở nhà” hay “chạy ra đường”
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đảo tỉnh Thái Nguyên kiểm tra nhà trọ cho công nhân tại khu công nghiệp Yên Bình, huyện Phổ Yên.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, đã làm Bộ trưởng, ai cũng phải ra thực tế, nhưng mỗi người phụ trách một ngành, nghề, lĩnh vực khác nhau mà tùy theo đòi hỏi công việc, tố chất, cảm xúc cá nhân cũng như vốn kinh nghiệm tích lũy trong quá trình công tác để làm ra những chính sách sao cho có sức sống, đáp ứng được yêu cầu phục vụ người dân, phục vụ mục tiêu phát triển. Chính sách đó cũng phải phù hợp với khả năng, nguồn lực thực tế của đất nước.

“Không chỉ khi làm Bộ trưởng tôi mới đi cơ sở, đến công trường, kiểm tra nhà ở của công nhân, sinh viên… mà những tích lũy từ thực tế cuộc sống, ngay từ khi còn ở địa phương, bản thân tôi cũng vẫn phải đi thực tế. Từ những chuyến đi, nhìn tận mắt những bất cập cũng đưa ra được nhiều yêu cầu, giải pháp chấn chỉnh” – ông Dũng cho biết.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: “Rất khâm phục những Bộ trưởng “ra trận” nhiều”

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, với chức danh quản lý và tham mưu quản lý vĩ mô nên tập trung trí tuệ, suy nghĩ những vấn đề lớn mang tính chiến lược, chính sách.

“Tuy nhiên, chính sách cũng không thể xa rời với thực tiễn. Với những “tư lệnh” quản lý trực tiếp những lĩnh vực luôn diễn biến hàng ngày như giáo dục, y tế, giao thông… thì càng phải lăn lộn với sự kiện. Còn nếu kết hợp được cả việc làm chính sách với điều hành thực tế là tốt nhất” – Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu quan điểm.

Phân tích thêm về vấn đề này, ông Cường chỉ rõ, bộ máy hành chính của Việt Nam hiện nay còn những vấn đề phải cải cách khi việc phân tách chức trách, nhiệm vụ và cả phân cấp, phân quyền chưa rõ. Thời gian tới, với một loạt các luật về tổ chức được thông qua, trách nhiệm giữa Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương, tòa án… sẽ rõ ràng hơn. Khi đó, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị sẽ có thêm nhiều thời gian hơn tập trung vào vấn đề vĩ mô để làm đúng việc của mình.
“Chất vấn” 3 Bộ trưởng về việc nên “ở nhà” hay “chạy ra đường”
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường (giữa) trong một chuyến đi kiểm tra hoạt động của chi cục Thi hành án dân sự Điện Biên.

Về vấn đề Bộ trưởng vận hành bộ máy để giải quyết những công việc của ngành, theo ông Cường phải sử dụng một cách hiệu quả nhất. Nếu bộ máy tinh nhuệ giúp việc, tham mưu cho Bộ trưởng tốt thì người đứng đầu sẽ đỡ phải xử lý công việc. Còn chất lượng bộ máy ở chiều ngược lại thì đích thân Bộ trưởng phải “ra trận” mới đạt hiệu quả.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, bản thân ông thường xuyên bị phê bình vì quá cầu toàn, nhiều khi “làm lại” việc của cấp dưới. Phân tích thêm về việc này, ông Cường xác nhận, tính “cầu toàn” của ông mang lại tác động cả 2 mặt. Với những người nghiêm túc, việc để Bộ trưởng phải làm lại, cấp dưới sẽ tiếp thu rút kinh nghiệm được nhưng nếu người dưới không nghiêm thì có thể dẫn đến tư tưởng “làm qua loa” vì suy nghĩ đằng nào Bộ trưởng cũng làm lại. Với những người như vậy, Bộ trưởng Tư pháp khẳng định, phải luôn chấn chỉnh thật nghiêm.

“Thực ra, tôi rất khâm phục những người đi xuống thực địa nhiều mà vẫn làm việc tốt. Còn cá nhân tôi, có thể vì điều hành công việc chưa tốt lắm nên ít “ra trận” mà phải tập trung nhiều vào vấn đề vĩ mô, lĩnh vực quản lý” – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường chia sẻ.

Liên hệ câu chuyện đánh giá tín nhiệm vừa qua với lựa chọn hành động của các Bộ trưởng, Trưởng ngành, những vị lăn lộn giải quyết công việc ngoài hiện trường đã nhận được nhiều tín nhiệm cao, Bộ trưởng Hà Hùng Cường lý giải, do đặc thù lĩnh vực hoạt động. Những Bộ trưởng nhận nhiệm vụ ở lĩnh vực còn “bộn bề” thì việc xông xáo, sốc vác rất quan trọng.

Với bản thân, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nêu quan điểm, ông luôn mong cử tri và Quốc hội đánh giá mình ở cả 3 nội dung công việc: làm chính sách, điều hành hàng ngày và xử lý điểm nóng phát sinh. “Tất nhiên, người ta chờ đợi chúng tôi hơn cả ở chính sách, ở chiến lược, đường hướng ra sao cho tốt vì có thế, những việc khác cũng sẽ tốt. Còn trong lúc chính sách chưa tốt thì phải làm cả hai nội dung còn lại”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường giải thích.

Quang Phong – Phương Thảo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP