Giành vé vào trường ĐH học 6 năm liền giữ vị trí “quán quân”
Sinh năm 1999, Đinh Quang Hiếu (Tốt nghiệp lớp 12A1 Hoá trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên) – nam sinh đạt 2 huy chương vàng Olympic Hóa học quốc tế được xem là “chàng trai vàng” của Hóa học Việt Nam.
Với những thành tích đáng nể, Hiếu là một trong số ít những thí sinh được Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội ký quyết định tuyển thẳng vào ngành Y đa khoa của nhà trường năm 2017. Tuy nhiên, với ước mơ vươn xa hơn nữa, Hiếu đã chuẩn bị hồ sơ gấp rút để du học Mỹ.
Đinh Quang Hiếu - "chàng trai vàng" Hóa học giành học bổng toàn phần 6,4 tỷ đồng của Viện công nghệ số 1 thế giới. |
Kết quả, Hiếu vừa nhận kết quả mỹ mãn khi trúng tuyển vào Viện công nghệ số 1 thế giới MIT (thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ) - ngôi trường đại học "khó nhằn" mà em yêu thích ở đợt nộp hồ sơ sớm (ED1) kèm suất học bổng toàn phần lớn.
Viện công nghệ Massachusetts (MIT) là trường đại học hàng đầu về công nghệ của Mỹ. Ngôi trường này đã 6 năm liên tiếp là đại học tốt nhất thế giới, theo bảng xếp hạng của QS (kể từ năm 2012 đến nay).
Năm 2018, Viện công nghệ Massachusetts (MIT) tiếp tục vượt mặt Harvard và Stanford để giành vị trí quán quân bảng xếp hạng trường tốt nhất thế giới. Chàng trai Việt Đinh Quang Hiếu xuất sắc "ẵm" học bổng toàn phần trị giá 279.600 USD (tương đương 6,4 tỷ đồng) cho 4 năm học tại đây.
Vì phải tập trung ôn luyện Olympic quốc tế, Hiếu bắt tay vào hoàn thiện bộ hồ sơ du học, viết luận và hoàn thành các yêu cầu của trường chỉ khoảng 4 tháng trước thời hạn.
"Quá trình hoàn thiện hồ sơ đi mĩ cần rất nhiều công đoạn như chuẩn bị cho các kì thi chuẩn hoá SAT, TOEFL, tham gia các hoạt động ngoại khoá. Chỉ sau khi hoàn thành kì thi Hoá học Quốc tế 2016 em mới bắt tay vào ôn luyện các kì thi chuẩn hoá như SAT, TOEFL, SAT 2 song song với việc tiếp tục ôn luyện cho kì thi Olympiac Hoá Quốc tế năm 2017", “chàng trai vàng” Hóa học chia sẻ.
Hiếu đã nỗ lực rất nhiều để đạt được số điểm như ý muốn. Nam sinh Việt đạt 1500 điểm SAT1, 104 điểm TOEFL; đặc biệt Hiếu đạt tuyệt đối 800/800 điểm Toán, 800/800 điểm Lý, 800/800 điểm Hóa ở kỳ thi SAT 2.
Lời khuyên của Hiếu dành cho các bạn trẻ ước mơ chinh phục trường đại học tốt ở Mỹ là phải lên kế hoạch cụ thể rõ ràng cho những mục tiêu trong tương lai của mình, để có được thành công cần phải có sự chuẩn bị kĩ lưỡng. |
Nói về lý do nộp đơn vào MIT - ngôi trường danh tiếng có tỉ lệ cạnh tranh cao ở đợt nộp hồ sơ sớm (duy nhất một trường), Hiếu tâm sự: "MIT là trường công nghệ số một thế giới, và là niềm mơ ước của các bạn trẻ đam mê khoa học.
Đây là nơi đào tạo nhiều nhà khoa học lớn, các giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực khoa học. Em mong muốn có thể trở thành một thành viên của MIT để có thể được tiếp xúc, làm việc với những giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực mình yêu thích. Qua đó, phát triển khả năng sáng tạo, tư duy của bản thân".
Hiếu cho hay, thời gian chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ vô cùng bận rộn vì ngoài phải chuẩn bị cho kì thi SAT tháng 10, em phải lên ý tưởng và hoàn thiện bài luận của mình. Do khả năng tiếng Anh hạn chế, em phải viết đi viết lại rất nhiều lần, xem xét kĩ lưỡng các ý tưởng, các câu từ trước khi gửi hồ sơ cho hội đồng tuyển sinh MIT.
Dùng kiến thức giải quyết vấn đề của cộng đồng
Khác nhiều trường đại học Mỹ, Học viện công nghệ số 1 thế giới không yêu cầu ứng viên một bài luận cá nhân dài, thay vào đó là các bài luận ngắn khoảng 250 từ để ứng viên có thể cho hội đồng tuyển sinh biết rõ hơn về con người mình. Bài luận của chàng trai Việt xoay quanh sở thích là bóng đá và mối quan tâm về vấn đề môi trường - đặc biệt là vấn đề về ô nhiễm nguồn nước ở Hà Nội.
“Theo những số liệu thống kê thì có khoảng 98% các sông ở Hà Nội đang bị ô nhiễm và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt thường ngày của người dân. Bài luận của em nói về mong muốn có thể giải quyết được vấn đề về ô nhiễm nước”, Hiếu nói.
Hiếu và mẹ. |
Theo Hiếu, bí quyết giúp bộ hồ sơ của em ấn tượng và thuyết phục được hội đồng tuyển sinh của ngôi trường tốt nhất thế giới chính là điểm mạnh về đam mê đối với khoa học. Ngoài các thành tích về học tập, các giải thưởng, thông qua bài luận của mình, Quang Hiếu đã chỉ ra cách mình sẽ dùng những kiến thức, nền tảng hoá học của mình để đóng góp cho cộng đồng. Cụ thể là em muốn dùng kiến thức về hoá học để xử lí các vấn đề về môi trường.
"Điều đó thể hiện được niềm đam mê, cách vận dụng kiến thức để khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn. MIT là ngôi trường công nghệ hàng đầu nên họ cần tìm kiếm những thí sinh không những tài năng mà còn phải có tinh thần làm việc nhóm và sẵn sàng dùng kiến thức của mình để xây dựng cộng đồng tốt đẹp hơn", Hiếu "bật mí".
Năm 2016, Hiếu đạt 89,764 điểm, đứng thứ 7/280 thí sinh tham dự Olympic Hóa học quốc tế. Năm 2017, trong đội tuyển Việt tranh tài ở đấu trường quốc tế, Hiếu dẫn đầu với 92,13/100 điểm, đứng thứ 9 trên tổng số 297 thí sinh tham dự và một lần nữa đưa về cho quê hương Việt Nam chiếc HCV Quốc tế thứ 2.
Thành tích của Hiếu cũng góp phần giúp đội tuyển Việt Nam có kết quả cao nhất từ trước đến nay khi tham dự kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế. Hai lần "xuất trận", Hiếu đều mang niềm vinh dự, tự hào về cho nước nhà.
Ngoài ra, Hiếu từng đạt Giải nhất HSG Quốc Gia môn Hoá Học 2016, HCV Hoá Học HSG mở rộng 2015. 9X Hà thành đỗ đầu vào Chuyên Toán và Hoá của trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Hà Nội) với điểm nằm trong tốp đầu.
Đinh Quang Hiếu (giữa) mong ước tương lai sẽ thành một nhà nghiên cứu về hóa học để xây dựng cộng đồng tốt đẹp hơn |
Ở lớp, Hiếu là một người dễ gần, hoà đồng, hay giúp đỡ các bạn trong học tập. Các thầy cô đánh giá em là một người ham tìm hiểu, có khả năng sáng tạo cao trong học tập và các kĩ năng xử lí tình huống trong phòng thí nghiệm tốt.
Anh chàng cực kì chịu khó tìm hiểu, gặp bài hoá khó vẫn quyết tâm giải, thậm chí có thể thức qua đêm để làm bài. Ngoài ra, em hay đọc thêm những bài báo hay công trình nghiên cứu để có thể hiểu sâu hơn về bài tập, cách tiến hành thí nghiệm và tìm hiểu thêm về cơ chế xảy ra của những hiện tượng thiên nhiên.
Hiếu cũng tích cực tham gia vào đội bóng của lớp, CLB Hoá học của trường và một số hoạt động tình nguyện ở Bảo tàng Dân tộc Học Việt Nam, tham gia Global Youth Summit ở Siemriep (diễn đàn cho các bạn trẻ trình bày những ý tưởng cho việc tránh lãng phí các nguồn tài nguyên như nước, năng lượng,..), dạy học. Theo Hiếu, những hoạt động này cho em cái nhìn rộng hơn về các khía cạnh khác của xã hội và được cách ứng dụng kiến thức của mình vào trong thực tế.
Giành tấm vé danh giá đến MIT, Hiếu dự định theo đuổi ngành khoa học vật liệu. Ngành khoa học vật liệu gắn liền với 2 môn Hoá và Vật lí, là 2 môn học yêu thích nhất của Hiếu. Em hi vọng có thể nghiên cứu, chế tạo ra những loại vật liệu mới có thể giải quyết những vấn đề về môi trường hay năng lượng nhức nhối, đặc biệt là ở quê hương Việt Nam.
Tác giả: Lệ Thu
Nguồn tin: Báo Dân trí