Biết người yêu không thể qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo, nhưng Nguyễn Duy Bảo Châu vẫn tổ chức đám cưới với người con gái anh yêu thương. Họ chỉ sống bên nhau ba ngày là vợ chồng rồi cô gái mất, chàng trai thì vẫn giữ trọn một mối tình. Cứ hoàng hôn buông xuống, người dân trong làng lại thấy chàng trai ngồi bên ngôi mộ của cô gái trò chuyện…
Những chuyến đò và tình yêu của tuổi học tròTình cờ trong một lần nói chuyện với những người dân ở thôn Tiên Nộn (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế), chúng tôi được nghe họ kể về một mối tình cảm động của hai người trẻ tuổi trong làng. Giữa thời buổi của vật chất lên ngôi ở giới trẻ thì có một mối tình cổ tích làm chúng tôi phải giật mình để chiêm nghiệm lại cuộc sống. Chàng trai và cô gái đã yêu nhau hơn 5 năm nhưng trò đùa của số phận là cô gái đã mắc căn bệnh hiểm nghèo. Dù biết cưới nhau cũng không sống được với nhau trọn đời nhưng chàng trai vẫn quyết tâm cưới cô gái. Mới cưới về nhà chưa được ba ngày, cô gái đã ra đi mãi mãi…
Chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Thiệp (60 tuổi), là mẹ của chàng trai để tìm hiểu câu chuyện. “Mới cưới nhau chưa được ba ngày, con H. phải nằm lầu 6 của bệnh viện Trung ương Huế. Các bác sĩ nói bệnh này chỉ gặp ở những người lớn tuổi và một nghìn người mới có một người mắc bệnh. Vậy mà con dâu tôi lại mắc phải căn bệnh nhược cơ, trong khi nó còn quá trẻ…”, bà Thiệp xót xa kể. Kể về mối tình học trò tinh khôi, Nguyễn Duy Bảo Châu nói: “Khi còn là cậu học sinh trường làng, mỗi lần đi học phải đi đò qua sông. Lần đó, trên một chuyến đò, tôi đã gặp người con gái tên H. là nữ sinh trường THPT Bao Vinh với nụ cười hiền và đôi mắt long lanh. Những tình cảm đẹp đó cứ lớn dần theo năm tháng và ngày nào tôi cũng đợi H. để đi chung trên một chuyến đò qua sông Tiên Nộn tới trường. Những tháng năm học phổ thông, hình ảnh người con gái đó đã khắc sâu vào tâm trí tôi và tôi đã yêu H. lúc nào cũng không hay…”.
Hơn năm năm yêu nhau, mối tình của họ đẹp như chính phong cảnh hữu tình của thôn Tiên Nộn. Trải qua bao nhiêu sóng gió, hiểu nhầm của hai bên gia đình và cũng như lời ra tiếng vào của thôn xóm, hai người đã thuyết phục gia đình để làm đám cưới… Không ngờ, chỉ sau lễ hỏi nửa năm, một ngày, H. cảm thấy sức khỏe có vấn đề. Cô khó nuốt, khó thở và có biểu hiện nói lắp.
Đi khám rồi nhập viện. Bác sĩ cho biết, H. bị bệnh nhược cơ, một bệnh hiếm gặp và rất ít khi xảy ra với những người trẻ. Nhớ lại cuộc đối thoại với bác sĩ trong hành lang bệnh viện, Nguyễn Duy Bảo Châu vẫn còn rùng mình: “Bác sĩ đã gặp tôi và cho biết H. không thể qua khỏi cơn nguy kịch, gia đình phải chuẩn bị tâm lý. Những ngày cuối đời, nếu làm cho cô ấy thoải mái về tinh thần đó là liều thuốc cuối cùng để kéo dài sự sống. Hơi thở của cô ấy ngày một yếu ớt nhưng thấy tôi an ủi, cô ấy thấy bình an hơn. Nhưng rồi ngày định mệnh đã đến, hôm đó H. nắm chặt tay tôi như muốn nói điều gì. Nhưng hết thời gian thăm bệnh nhân, tôi phải ra ngoài. Chỉ vài phút sau, bác sĩ nói cô ấy đã mất. Tôi choáng váng và đau đớn vô cùng. Lúc cô ấy cần tôi nhất, tôi lại không thể ôm H. vào lòng…”.
Nói chuyện với người đã mấtĐã hơn bốn năm kể từ ngày H. ra đi, nhưng người dân thôn Tiên Nộn đã quen thuộc hình ảnh cứ xế chiều Bảo Châu lại ra đồng trò chuyện với người vợ đã mất. Nỗi đau ngày H. mất cứ hiện về trong mỗi giấc mơ của người đàn ông trẻ này. “Cứ chiều chiều, em lại thấy anh Châu ra mộ của chị H. nói chuyện. Anh ấy thương chị H. lắm, cả làng ai cũng biết, ngày cưới nhau chị H. đã yếu lắm, anh Châu phải cõng chị ấy. Rồi vài tháng sau đó, em lại thấy anh ấy bồng chị ấy từ trên xe taxi về, lúc đó chị ấy từ bệnh viện trở về. Và từ đó đến nay, ngày nào anh ấy cũng ra ngoài đồng thăm chị…”, em Nguyễn Thị Thủy, người cùng thôn kể.
Bảo Châu kể: “Hằng đêm, tôi không thể nào chợp mắt được, hình ảnh của cô ấy cứ hiện về. Tôi không dám nhắm mắt lại, vì lúc đó tôi lại quay trở lại những hình ảnh H. trong bệnh viện, trong đám tang. Cũng muốn quên đi để sống nhưng có lẽ tôi không thể yêu ai hơn cô ấy. Đã nhiều năm trôi qua, cũng có những người con gái đến với tôi nhưng trái tim tôi chưa sẵn sàng…”.
Đám tang và đám cưới của H. diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, làm cả dân làng mỗi khi nhắc về câu chuyện buồn của hai người đều xót thương. Một người dân trong thôn cho chúng tôi biết: “Biết H. không sống được nhiều, nhưng thằng Châu vẫn quyết tâm cưới. Cứ nghĩ là con bé sống được dăm ba năm gì đó, ai ngờ mới về nhà mẹ chồng làm dâu được ba ngày thì mất. Lúc còn sống, H. dễ thương lắm. Nhưng số phận nó cay đắng quá!”.
Cuộc chiến giữa sự sống và cái chết của H. cũng giống như cuộc chiến của Châu đấu tranh để được cưới H. về làm vợ. Họ đã cố gắng làm thay đổi định mệnh oan nghiệt đó, dù chỉ ở bên nhau với danh nghĩa vợ chồng vỏn vẹn ba ngày. Nhưng Nguyễn Duy Bảo Châu chưa một lần hối hận với những quyết định của mình: “Ngày cô ấy gần đi, cô ấy cứ chảy nước mắt mãi. Nhìn vợ, tôi thấy đau lòng, nhưng cô ấy an ủi tôi: “Được làm vợ anh một ngày, em có không còn ở trên thế giới này cũng không hối tiếc. Đó là những hạnh phúc của cuộc đời em…”.
Từ ngày H. phát hiện ra bệnh, một mình Châu lo lắng chạy thuốc thang cho người yêu. Hơn ba năm giấu hai bên gia đình về bệnh tật của H., những toa thuốc và số tiền chi trả cho bệnh viện được bà Thiệp phát hiện. Bà Thiệp buồn bao nhiêu thì thương cho con trai bấy nhiêu. “Hôm đó, tôi tìm đồ trong tủ mới thấy đống giấy tờ. Đọc ra mới biết là giấy trả nợ viện phí, mắt tôi tối rầm lại khi đọc đến tờ viện phí thứ 3. Hóa ra, ngày nào, thằng H. cũng phải đóng 2 – 3 triệu đồng tiền thuốc. Ba năm rồi, nó giấu tôi, biết ra rồi thì đã đổ nợ. Vậy mà, con H. vẫn không qua khỏi…”. Nỗi đau của người mẹ nhìn đứa con trai mới lớn ngập chìm trong dằn vặt đau đớn khi con dâu qua đời, bà Thiệp như đứt từng khúc ruột: “Nhớ lại những ngày đó thật khủng khiếp. Gia đình tôi đã có lúc không có hạt cơm nào ăn vì phải lo tiền thuốc cho con dâu. Biết là con H. không qua khỏi, nhưng tôi vẫn cứ hy vọng…”.
Cũng vì quá thương H., nên khi H. sắp rời xa thế giới này, Bảo Châu muốn cô ấy được hạnh phúc, xin hai bên gia đình cưới H. Nhưng bố của anh đã quyết liệt phản đối và nói: “Nếu mi mà lấy nó là tau sẽ từ mẹ con mi”. Nói là làm, bố của Châu đi trả lễ bên họ gái. Còn bà Thiệp sợ con trai trong lúc rối trí làm liều nên bà đã cắn răng âm thầm đi hỏi vợ cho con. Còn Bảo Châu với quyết tâm: “Cô ấy còn sống một ngày, một giờ, tôi vẫn cưới. Chúng tôi chỉ có một ngày trăng mật ở suối nước nóng Tân Mỹ, nhưng đó là giây phút ý nghĩa nhất cuộc đời mình…”!
Theo Người đưa tin