So với các địa phương, Hà Nội tiến hành chấm thi khá sớm. Vì thế đến nay, mỗi giám khảo đã chấm được hàng trăm bài thi. Theo nhận xét của nhiều giám khảo thì chất lượng làm bài môn văn của đại đa số thí sinh cũng bình thường.
Trong khi câu 1, nhiều em làm sai và bị mất điểm thì câu 2 với yêu cầu viết về hành động dũng cảm của em Nguyễn Văn Nam đã “gỡ” điểm cho các em. “Nói chung diễn đạt khá trôi chảy.
Trong số những bài mà tôi chấm thì với câu 2, hầu hết các em đều được từ 2 điểm trở lên (theo barem, câu này 3 điểm – PV). Số em được 2,5 – 2,75 điểm cũng khá nhiều”, một giám khảo cho biết.
Trong quá trình chấm thi, một số giáo viên không cầm được nước mắt khi đọc những dòng trong trẻo, hồn nhiên, chứa chan tình cảm.
Có em viết: “Em chưa bao giờ nghĩ về một thế giới khác cho đến khi ngồi trong phòng thi này. Nhưng giờ thì em mong ước có một thế giới khác để những người tốt như bạn Nam khi chết đi thì không thành tro bụi. Ở thế giới đó, Nam có thể mỉm cười khi nhìn thấy chúng em đang ngồi làm bài thi, Nam biết, Nam hy sinh không vô ích vì tất cả chúng em đều ngưỡng mộ bạn…”.
Có em thì liên tưởng tới đời sống tình cảm xã hội của người thành phố để từ đó bày tỏ sự thèm muốn được sống trong một bầu không khí ấm áp, chan hoà nghĩa tình như ở thôn quê.
Em đó viết: Chúng em thậm chí đi qua lướt nhau mà không nhìn nhau dù có quen biết. Còn Nam, bạn đã xả thân để cứu những người không quen biết!”.
Cũng khá nhiều em sau khi ca ngợi Nam thì “sám hối”, tự cho mình tuy không đến nỗi vô cảm, nhưng lại vô tâm, ích kỷ, cười khoái trá trước những trò đùa ác độc làm tổn thương tới bạn bè; tự thấy mình nhiều lúc mắc lỗi với những người thân, hoặc sống không biết quan tâm, yêu thương bố mẹ.
Cũng khá nhiều em đặt vấn đề trách nhiệm dạy bơi cho học sinh trong nhà trường, thậm chí còn đặt câu hỏi, đến một người cụt hết hai chân hai tay như Nick Vujicic còn biết bơi, tại sao chúng ta lại không biết bơi? “Với những bài như thế tôi thường cho điểm cao vì các em biết liên hệ thực tiễn trải nghiệm cá nhân mình một cách khá sâu sắc”, một giám khảo cho biết.
Tư duy khuôn mẫu
Tuy nhiên, các giám khảo vẫn cho rằng dù nhiều em viết dạt dào cảm xúc nhưng xét trên tổng thể cho thấy tư duy của thí sinh nhìn chung khá khuôn mẫu.
“Hầu hết các em bày tỏ ý kiến thuận theo người ra đề. Cũng có thể do những vấn đề đạo đức, lối sống thường đạt độ chuẩn mực chung trong xã hội, mặt khác có thể do học sinh của chúng ta nhìn chung vẫn nhìn nhận nhân vật, sự kiện trong cuộc sống theo lối mòn. Ít em đào xới để tìm cách tiếp cận riêng biệt”, một giám khảo ở Hà Nội nói.
Theo một giám khảo ở Nghệ An thì điều đáng mừng là hầu như tất cả bài thi môn văn mà cô đã chấm khi viết về câu 2 đều với lòng hướng thiện. “Học sinh làm tốt thì lập luận tốt, nhìn sự việc với nhiều góc độ khác nhau. Một mặt, các em bày tỏ sự khâm phục, khen ngợi, mặt khác các em bày tỏ mong muốn giá như lúc đó bạn Nam tỉnh táo hơn. Đa số các em chỉ dừng lại ở mức độ ca ngợi”, vị giám khảo này cho biết.
Một giám khảo ở Thanh Hoá cũng băn khoăn: “Hầu hết các em đều làm đúng đáp án. Một số em cũng biết nâng vấn đề giáo dục kỹ năng sống trong học sinh. Nhưng tôi vẫn có cảm giác các em chưa bộc lộ hết suy nghĩ thật của mình. Là một giáo viên làm công tác chủ nhiệm nhiều năm, tôi nghĩ mình khá hiểu cách nghĩ của học trò, các em đáo để hơn và thực tế hơn”.
Theo giải thích của cô Lệ Hoa, giáo viên trường THTP Nông Cống I, Thanh Hoá, nếu cho rằng đề văn nghị luận xã hội sẽ khiến học sinh không làm bài theo văn mẫu là võ đoán.
“Nghị luận xã hội là nội dung có trong chương trình học, nên khi ôn tập các giáo viên đều huấn luyện các em cách làm bài. Trong quá trình đó, giáo viên không thể ra đề y hệt như đề thi, nhưng cũng giúp các em hình dung hướng phát triển nội dung theo từng dạng đề nghị luận đời sống hay nghị luận vấn đề đạo lý. Do đó, các em đều biết nên làm cách nào để được điểm cao”, cô Hoa nói.
Các em muốn chọn phương án an toàn
Cô giáo Hoàng Kim Oanh, giáo viên Trường Phổ thông Năng khiếu – ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng các em đã chọn giải pháp an toàn.
Cô Oanh cho biết: Hôm vừa rồi tôi hỏi chuyện một học sinh của tôi ở lớp chuyên Tin. Sau khi xem đáp án của Bộ, em ấy bảo có lẽ con sẽ được 9 điểm. Em ấy bảo, về câu 2… con nghĩ hơi khác nhưng rồi con đã viết giống đáp án. Tôi không ngạc nhiên, dù ngày thường, ở lớp em ấy là một học trò viết bài chẳng giống ai. Cũng có những khi em ấy khá cực đoan. Trong một khía cạnh nào đó, tôi cho là em ấy có lý, nhưng vẫn thoáng chút lo lắng nếu đi thi mà viết thế thì không có điểm. Nhưng qua kinh nghiệm nhiều năm đi dạy tôi thấy học trò khá khôn ngoan. Khi trên lớp các em ấy viết khá thật, nhưng chỉ cần kiểm tra học kỳ thôi, biết là sẽ có nhiều thầy cô chấm thì các em viết giống đáp án ngay. Em nào cũng viết tròn xoe! Có em sắc sảo thì viết thêm vài ý riêng, nhưng nói chung là các em đều muốn an toàn.
Đáp án của Bộ cũng khuyến khích, nếu như thí sinh nào có suy nghĩ riêng, khác, lập luận thuyết phục cho điểm tối đa.
Cái quan trọng là quan điểm của người ra đề thi thế nào! Điều đó thể hiện trong đáp án. Học trò bảo, tụi con biết thừa rồi nên chẳng dại gì phải thế (nói suy nghĩ thật). Tụi con phải an toàn chứ cô!
Nhưng đề văn vừa rồi chẳng hạn, rõ ràng từ trên đã khuyến khích học sinh được nói thật?
Muốn khuyến khích học sinh nói thật thì đừng có đáp án gì hết! Bộ hãy ra một cái đề không có đáp án. Đã có đáp án thì các con phải theo khuôn, mà theo khuôn thì các cháu sẽ nói những lời từ cổ họng chứ không phải từ trái tim.
Theo tôi, cái quan trọng nhất là thay đổi cách thi, cách thức chấm. Bộ có đáp án thì làm sao các con viết khác đáp án. Đã có đáp án là giáo viên phải chấm theo đáp án. Nhiều giáo viên máy móc đến mức đòi hỏi phải diễn đạt như họ nghĩ thì mới có điểm. Còn nếu thí sinh cũng ý như thế, nhưng diễn đạt cách khác chưa chắc đã cho điểm hoặc cho điểm không tuyệt đối.
Cảm ơn cô giáo Hoàng Kim Oanh!
Quý Hiên Thực hiện
Quý Hiên
Tiền Phong