Tin Hà Tĩnh

Chấm dứt tình trạng mỏ chưa đấu mà đã biết ai trúng !

Đó là một trong những nội dung được ông Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành TN&MT Hà Tĩnh và yêu cầu phải có giải pháp chấn chỉnh kịp thời.

Trong năm 2021, báo cáo của Sở TN&MT Hà Tĩnh cho thấy, qua phối hợp với các đơn vị đấu giá tổ chức đấu giá thành công và ban hành quyết định trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản 15 mỏ (ba mỏ cát, một mỏ đất sét, 11 mỏ đất san lấp). Trong đó, trình UBND tỉnh phê duyệt tiền trúng đấu giá 7 mỏ, với số tiền 21,5 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải

Ngoài ra, đơn vị đã thực hiện rà soát, bổ sung các điểm mỏ khoáng sản để tích hợp vào quy hoạch của tỉnh; Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt đề cương, dự toán, nhiệm vụ khoanh định điều chỉnh, bổ sung vùng cấm hoạt động khoáng sản; Tổ chức kiểm tra hoạt động khoáng sản tại 18 đơn vị theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Liên quan đến lĩnh vực này, ghi nhận những nỗ lực của Ngành TN&MT trong năm vừa qua, ông Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã chỉ ra những hạn chế mà ngành cần phải kịp thời chấn chỉnh. Trong đó, đặc biệt công tác quản lý đấu giá quyền khai thác khoáng sản còn có những lỗ hỏng, gây ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, an ninh trật tự tại địa phương.

Một trong số sự việc nổi lên, đó là đấu giá mỏ đất tại huyện Can Lộc và Kỳ Anh thời gian qua. Mặc dù, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã công nhận kết quả đấu giá nhưng các đơn vị trúng đấu giá đã không liên hệ cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật, quá thời hạn buộc phải hủy kết quả.

“Phải chấm dứt tình trạng chưa đấu mỏ đã biết ai trúng, dư luận phản ánh rất nhiều. Thời gian tới yêu cầu ngành TN&MT phải làm chặt vấn đề này, các thủ tục cấp phép mỏ trước khi trình lãnh đạo UBND tỉnh ký phải giao Thanh tra rà soát lại, tránh để sai sót”, ông Võ Trọng Hải đặc biệt nhấn mạnh.

Ngoài ra, ngành TN&MT Hà Tĩnh cũng thẳng thắng nhìn nhận những hạn chế, cần phải khắc phục khó khăn trong công tác quản lý khai thác khoáng sản như việc đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường. Qua rà soát, hiện có một số mỏ khoáng sản được cấp phép trước khi Luật Khoáng sản 2010, đã hết thời hạn khai thác từ lâu nhưng chưa thực hiện hồ sơ, thủ tục đóng cửa mỏ. Được biết, những trường hợp này đến nay cơ quan chuyên môn không thể liên hệ với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp để yêu cầu thực hiện.

Sai phạp trong khai thác khoáng sản vẫn diễn ra

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp đang nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, nhất là các đơn vị khai thác đá xây dựng trên địa bàn phía Nam huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. Theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, các đơn vị không thực hiện nghĩa vụ tài chính (tiền cấp quyền khai thác khoáng sản) trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản có thông báo bằng văn bản thì đủ điều kiện để thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản.

Theo kế hoạch, trong năm 2022, ngành TN&MT Hà Tĩnh tiếp tục triển khai những nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động khai thác khoáng sản, khắc phục tồn tại, hạn chế. Cụ thể: Triển khai thực hiện nhiệm vụ "Khoanh định điều chỉnh, bổ sung các khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản"; Tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo Kế hoạch đấu giá năm 2021; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản và các pháp luật có liên quan tại các đơn vị hoạt động khoáng sản...

Tác giả: Đức Cảnh

Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP