Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Cấp mỏ đất không qua đấu giá?

Tỉnh Hà Tĩnh cần rà soát lại toàn bộ quy trình cấp phép các mỏ khoáng sản trên địa bàn và thu hồi những mỏ khoáng sản được cấp phép sai luật.

Doanh nghiệp tự ý mở đường vào mỏ khi chưa được sự đồng ý của chính quyền. Ảnh: Văn Hùng.

Khai thác mỏ khi chưa hoàn thiện thủ tục

Báo Nông nghiệp Việt Nam nhận được khá nhiều cuộc điện thoại của người dân huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh phản ánh tình trạng hàng ngàn lượt xe tải chở đất cày nát các cung đường trên địa bàn. Đáng chú ý, hầu hết các xe đều quá tải trọng chở đất vung té bừa bãi đất đá khiến cho cuộc sống người dân bị đảo lộn.

Mỏ đất tại thôn Thanh Mỹ, xã Thượng Lộc được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp không qua đấu giá cho Công ty TNHH Cường Trường theo Giấy phép khai thác khoáng sản ngày 08/2/2021 là một ví dụ điển hình. Liên quan mỏ đất này, UBND huyện Can Lộc có Quyết định ngày 27/4/2021 thu hồi đất để thực hiện dự án.

Nhưng mới đây, UBND huyện Can Lộc tiến hành kiểm tra và kết luận Công ty chưa hoàn thiện hồ sơ thỏa thuận bồi thường – GPMB, hồ sơ thuê đất theo quy định đã tổ chức khai thác đất tại mỏ và vận chuyển đất ra ngoài không đúng quy định, gây mất an toàn khu vực mỏ, ảnh hưởng đến môi trường.

Với khẳng định trên của UBND huyện Can Lộc, chiếu vào Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy phép khai thác khoáng sản của UBND tỉnh Hà Tĩnh thì rõ ràng, Công ty TNHH Cường Trường đã vi phạm trong khai thác mỏ. UBND huyện Can Lộc đã yêu cầu chấm dứt ngay việc khai thác khoáng sản tại mỏ đất nhưng DN vẫn bất chấp.

Qua điều tra của NNVN thì không chỉ có mỏ đất này mà rất nhiều vấn đề bất cập khác đang đặt ra trong công tác quản lý nhà nước về việc cấp mỏ đất tại Hà Tĩnh.

Đến chốt, các lái xe vào gặp người ở lán để giao dịch trước khi cho xe vào mỏ xúc đất. Ảnh: Văn Hùng


Bán đất sai địa chỉ được cấp phép

Một ngày cuối tháng 8, chúng tôi chạy sau những chiếc xe tải trên đường đi vào mỏ đất do Cty TNHH Cường Trường khai thác. Tuyến đường từ Quốc lộ 15A đi vào mỏ khoảng vài km, bụi bay mù mịt. Đoàn xe tải nối đuôi nhau. Chúng tôi đếm số xe vào mỏ. Anh bạn đi cùng đứng ngoài trông xe còn tôi đi bộ qua nghĩa trang để tiếp cận mỏ.

Cả một khu nghĩa trang rộng lớn, nhiều ngôi mộ bị bụi đất đá phủ kín màu vàng, trông mà xót xa. Tôi quan sát một lúc, thấy có hàng chục lượt xe nối đuôi nhau đi vào mỏ đất. Tất cả các xe chạy đến một cái lán rộng khoảng 10 mét vuông và dừng lại. Từ xa tôi để ý, các lái xe lần lượt xuống và đi vào, đứng ngoài cửa sổ của lán rồi trao đổi cái gì đó với người trong lán. Chớp nhoáng họ lại lên xe và đi vào mỏ.

Tôi tiếp cận gần cái lán. Nhìn qua khe cửa tôi thấy hai người đàn ông. Tôi xin vào trong. Lúc đầu họ lưỡng lự, sau cũng mở cửa cho tôi vào. Tất cả chúng tôi đều đeo khẩu trang. Hai người của họ vừa nhìn tôi và vừa trao đổi công việc bên ngoài với các lái xe. Tôi đặt vấn đề mua đất. Một người lên tiếng, anh cần mua nhiều không? Tôi đáp, khoảng trăm xe. Họ Ok.

Rồi tôi hỏi giá cả như nào, một người bảo, anh muốn mua ngoài hay qua Công ty. Qua Công ty thì anh gọi cho Giám đốc. Tranh thủ lúc lấy số điện thoại, tôi đã có được những hình ảnh rõ nét về “hoạt động” tại cái lán này. Điểm mà trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được UBND tỉnh phê duyệt là sẽ đặt nhà điều hành tại một hộ dân gần đó. Trong khi lại thấy ở cái lán dựng trái phép một cách tạm bợ trước cửa mỏ. Tôi thấy họ ghi chép. Lái xe trao tiền thật cho họ và họ trao phiếu cho lái xe đi vào mỏ.

Hoạt động mua bán đất diễn ra ngay tại lán tạm bợ này. Ảnh: Văn Hùng


Khi làm việc với lãnh đạo xã Thượng Lộc tôi bất ngờ trước sự xuất hiện của một người mà ông Chủ tịch giới thiệu đấy là ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Cty TNHH Cường Trường. Tại đây, ông Cường xin chúng tôi cho qua những việc làm đang sai tại mỏ đất. Ông nói, nếu mình tôi làm tôi sẽ bỏ mỏ đất này vì quá ngán ngẫm và mệt mỏi rồi. Có đêm thức trắng, râu tóc mọc dài ra không có thời gian cạo. Thế mà ai gọi xin đất cũng phải xử lý mà mình thì không quyết được.

Ông là giám đốc, không quyết thì ai quyết? – tôi hỏi.

Ông Cường cho hay, mỏ đất này có 5 người tham gia. Trong đó có một người nguyên là Phó Bí thư Đảng ủy xã Song Lộc (nay là xã Kim Song Trường) và một người nhà của ông ấy; một người làm Giám đốc HTX, một người là công chức ở huyện Hương Khê; người còn lại là tôi. Vì thế làm gì cũng phải xin ý kiến. Rồi đến các đoàn thanh tra, kiểm tra, các đoàn báo chí nữa. Tất cả tôi đều phải đứng ra xin. Nghĩ mà...

“Nói thật anh, để có cái mỏ đất này cũng tổn thọ lắm. Vì thế mà tôi xin anh không viết bài. Đoàn nào họ cũng tha cho rồi nên giờ mong anh tha”, anh Cường nài nỉ.

Hàng trăm lượt xe quá tải chở đầy xe, bạt che không xuể, đất đá rơi vãi đầy trên đường. Ảnh: Văn Hùng


Tôi dừng câu chuyện với ông Cường ở đây để chuyển tải ý kiến của ông Bảy, một người dân ở thôn Thanh Mỹ.

Ông có biết đất khu mỏ ấy là của những ai không? – tôi hỏi. Ông Bảy bảo, tôi sống ở đây từ năm 1992, mộ bố mẹ tôi ở nghĩa trang cạnh khu mỏ nên tôi đi qua lại vùng đất ấy nhiều. Sống ở đây 30 năm nên đất ai ở đó tôi đều biết.

Khu mỏ đó có đất anh Diệu, Chủ tịch UBND xã. Anh Diệu mua lại của bố con ông Minh Hảo. Nghe đâu hồi đó mua 250 triệu, mới đây bán lại cho chủ mỏ chắc là khá lắm đấy!

Kinh hoàng những hố sâu hoẵm được tạo nên bởi những máy xúc gầm rú hàng ngày. Ảnh: Văn Hùng


Đưa chuyện này ra hỏi ông Diệu tại phòng làm việc của UBND xã Thượng Lộc, ông Diệu nói không phải đất của mình vì giấy tờ đất làm gì có tên ông.

Khi chúng tôi đưa tiếng nói của người dân, ông Diệu gọi điện thoại cho một người tên là Quân đến cùng làm việc. Ông Diệu bảo, Quân là chỗ bạn bè, tôi vẫn thường xuyên cố vấn cho Quân làm ăn. Đất đó là của Quân chứ không phải của tôi.

Tôi hỏi, thế ông có cố vấn cho anh Quân bán đất làm mỏ không. Ông Diệu im lặng!

Chúng tôi đành chuyển lời ông “cố vấn cho Quân làm ăn” đến bạn đọc thôi chứ có giấy tờ nào ghi tên ông Nguyễn Xuân Diệu, Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc bán đất cho DN làm mỏ đâu.

Ông Diệu, Chủ tịch xã (phải), ông Quân (trái) đang nghe ông Tân, cán bộ địa chính (giữa) cung cấp cho chúng tôi biết về vị trí khai thác đất của DN. Ảnh: Văn Hùng


Ông Trần Đình Việt, Trưởng phòng TN – MT Can Lộc cho biết “trước đây khi nhà nước giao đất cho người dân thì đa số lãnh đạo xã nhận. Có trường hợp là Trưởng Công an xã và có nơi là cán bộ chủ chốt”.

Còn ông Tân, cán bộ Địa chính xã Thượng Lộc thì thú nhận rằng các mỏ khai thác đất nếu có công trình xây dựng, có người mua thì chẳng mấy chốc DN khai thác xong. “Ngay mỏ mà DN Cường Trường đang khai thác ở đây, nếu có công trình thì chỉ 6 tháng là khai thác hết chứ không chờ đến 3,5 năm như Giấy phép cấp đâu”, ông Tân nhận định.

Khi chúng tôi thị sát mỏ cũng thấy rõ điều đó. Toàn bộ khu mỏ đã khai thác khá rộng lớn rồi, nhiều chỗ đã khai thác quá sâu, nói như Chủ tịch xã Nguyễn Xuân Diệu là đã vượt cốt cho phép 22 mét rồi.

“Giờ họ cũng đã khai thác được ¾ khối lượng nên mong sao DN khai thác nhanh chứ mỏ đất trên địa bàn chúng tôi vất vả lắm. Dân chúng kêu ô nhiễm môi trường, rồi bị cả tai tiếng nữa nên mong DN khai thác hết đất nhanh càng tốt”, ông Diệu nói.

Chẳng bao lâu nữa Nhà nước lại tốn kém cho đầu tư, nâng cấp, dân thì khổ vì phải sống trong bụi và đường sá lầy lội. Ảnh: Văn Hùng


Ông Chủ tịch xã không biết rằng, Giấy phép cho khai thác 70.000 m3 nguyên khai/năm. Việc giao DN khai thác trong 3,5 năm là đã được tính toán và ghi rõ trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, phù hợp với tiến độ các công trình xây dựng mà mỏ sẽ cung cấp đất. Chứ có phải muốn làm ào ào là được đâu. Điều này, ông Việt, Trưởng phòng TN – MT Can Lộc khẳng định như vậy.

Ông Việt còn nói, lo lắng nhất của huyện là DN khai thác vượt quá mốc giới và bán ồ ạt đất ra ngoài. Việc bán đất ra ngoài thì rất khó kiểm soát. Ngay như DN Cường Trường vừa rồi vi phạm mấy lỗi đã bị lập biên bản như hồ sơ thủ tục chưa đầy đủ trước khi khai thác; tự ý làm đường vào mỏ khi chưa được cấp phép, xâm hại đến khu nghĩa trang …

Nói về việc đất mỏ chảy ra ngoài, không chuyển đến đúng địa chỉ công trình mà Giấy phép đã nêu thì Giám đốc Nguyễn Văn Cường thú nhận "Nói thật là chúng tôi làm có sai trong việc bán đất ra ngoài, không đúng với công trình mà Giấy phép yêu cầu".

Người dân đang rất lo lắng trước những hố sâu này nếu không được san lấp, trả lại mặt bằng thì nguy cơ cho những vụ tai nạn là điều được cảnh báo trước. Ảnh: Văn Hùng


Cần chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản

Việc tỉnh Hà Tĩnh bổ sung không qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh cho một vị trí cụ thể và sau đó nhanh chóng giao cho Cty TNHH Cường Trường tiến hành khai thác khi họ chưa hoàn thiện thủ tục dẫn đến nhiều hoài nghi trong dư luận. Ngay cả trong cán bộ, đảng viên vẫn đặt câu hỏi có hay không sự “ưu ái” cho DN này vì sự tàn sát đất rừng của DN đối với khu mỏ đang là báo động đỏ.

Không thể kỳ vọng vào việc các DN khai thác đất sẽ trả lại hiện trạng và trồng cây như cam kết trong đánh giá tác động môi trường. Ảnh chụp tại một điểm mỏ cũ ở huyện Đức Thọ. Ảnh: Văn Hùng

Đây là những vấn đề cuối của một nhiệm kỳ để lại mà tôi tin rằng, những người có trách nhiệm của tỉnh Hà Tĩnh hôm nay cần rà soát lại toàn bộ quy trình cấp phép khai thác của các mỏ khoáng sản trên địa bàn, kiểm tra hiện trạng các mỏ đất đã cấp, đã khai thác để có một đánh giá tổng thể; xem xét trách nhiệm của cá nhân, tổ chức khi ký chủ trương và cấp Giấy phép cho DN.

Qua đó, kịp thời điều chỉnh, tạm dừng, dừng những mỏ được cấp phép sai quy định.

Trong Quyết định 4051 ngày 27/11/2020 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về chủ trương đầu tư đối với dự án khai thác đất san lấp tại thôn Thanh Mỹ, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét chấm dứt hoạt động dự án mà không bồi thường, hoàn trả các chi phí liên quan đến các công việc đã được thực hiện đối với dự án trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ các nội dung quy định tại Quyết định chủ trương đầu tư hoặc vi phạm khác mà theo quy định của pháp luật dự án bị chấm dứt hoạt động.


Một góc mỏ đất tại thôn Thanh Mỹ, xã Thượng Lộc do Cty TNHH Cường Trường khai thác. Video Clip: Văn Hùng

Tác giả: Văn Hùng

Nguồn tin: Báo Nông Nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP