Nhân ái

Câu chuyện về đôi chân "kỳ diệu" của chàng trai Hà Tĩnh sở hữu bộ sưu tập huy chương "khủng"

Di chứng chất độc da cam đã khiến cho Trần Xuân Diệu mắc những căn bệnh lạ, thân hình không lành lặn, đi lại khó khăn thế nhưng anh vẫn vươn lên giành nhiều thành tích về thể thao và giờ là chủ một cơ sở in ấn tại quê hương.

Trần Xuân Diệu, 29 tuổi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở xóm 8, xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Bố anh là thương binh từng chiến đấu chống Mỹ trên chiến trường Quảng Trị.

Từ khi lọt lòng, Diệu đã mang trong người những căn bệnh lạ như thoái hóa các đốt sống, xương chân bị rạn nứt, viêm xoang mãn tính, viêm tai giữa, viêm họng, viêm đại tràng cấp. Bố mẹ anh phải bán hết tài sản trong nhà để có tiền thuốc men cho anh nhưng vẫn để lại di chứng, cứ về mùa đông anh lại đau nhức toàn thân. Cuộc sống gia đình vì thế hết sức khó khăn.

Trần Xuân Diệu thi đấu tại giải điền kinh NKT TP Hồ Chí Minh (ảnh nhân vật cung cấp).

Đến 10 tuổi, anh mới chập chững những bước đi đầu tiên. Diệu cắp sách đến trường với những lời trêu chọc của bạn bè. Bỏ ngoài tai tất cả, Diệu vẫn có một niềm tin về tương lai của mình, anh cho rằng chỉ có học thật giỏi mới có thể thay đổi được cuộc đời. Vậy mà số phận như lại trêu ngươi con người, dù rất cố gắng nhưng đến năm lớp 5 anh phải ngừng việc học vì sức khoẻ quá yếu.

Từ đó cuộc sống của Diệu chỉ quanh quẩn bụi tre làng, nhìn cảnh bố mẹ già chạy ăn từng bữa để nuôi mình. Đêm đêm anh trằn trọc không ngủ với suy nghĩ “mình phải làm gì đó để thay đổi cuộc đời”. Thế rồi, anh đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt khiến mọi người ai cũng bất ngờ.

Năm 2003, Diệu quyết tâm rời xa vòng tay của bố mẹ, xa vùng quê nghèo ra Thủ đô Hà Nội với hy vọng có thể tìm cho mình một công việc tự nuôi sống bản thân.

“Lần đầu tiên ra Thủ đô tôi rất bỡ ngỡ, nhiều ngày tôi lang thang ở đất khách rất may mắn gặp được bác Trần Quốc Dinh - Chủ nhiệm hội NKT Can Lộc giới thiệu vào một công ty may. Họ đồng cảm, nhận tôi vào công ty vừa học, vừa làm”, Diệu xúc động nhớ lại.

Bộ sưu tập huy chương "khủng" của Trần Xuân Diệu.

Sau 2 năm làm việc tại Thủ đô, do sức khỏe không thể đáp ứng, lại một lần nữa Diệu có quyết định táo bạo từ Hà Nội anh chuyển vào TP.HCM với mong muốn kiếm được một công việc phù hợp hơn với bản thân.

Sau những tháng năm lăn lộn ở đất Sài Gòn, năm 2006, Trần Xuân Diệu tình cờ gặp một người bạn giới thiệu vào Đoàn thể thao người khuyết tật TP.HCM. Chính ở đây, Diệu đã tìm được niềm đam mê thể thao cho mình.

Sau một thời gian dài đổ không biết bao công sức và mồ hôi luyện tập, cuối cùng Diệu cũng được cử đi thi các cuộc thi thể thao dành cho người khuyết tật.

Từ năm 2006 đến 2016, anh đạt 5 huy chương vàng, 7 huy chương bạc, 10 huy chương đồng. Đáng kể là huy chương vàng môn nhảy xa tại Đại hội thể thao người khuyệt tật toàn quốc cho Đoàn thể thao người khuyệt tật TP. HCM.

Với những thành tích đạt được, Diệu được Trường Đại học dân lập Văn Lang tuyển vào học thiết kế và in ấn. Sau 3 năm chăm chỉ học tập, anh ra trường, tìm được một công việc và kiếm được một chút vốn.

Đầu năm 2016, anh trở về quê hương lập nghiệp, mở cơ sở in ấn với tổng số vốn 50 triệu động. Cơ sở của anh nằm ngay tại thị trấn Nghèn, Vượng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Tuy mới hoạt động còn thiếu thốn về thiết bị máy móc nhưng cơ sở in ấn của Diệu đang phát triển tạo công ăn việc làm cho 4 lao động trong làng.

Diệu làm việc tại cơ sở in ấn của mình

Ngoài ra, anh Diệu còn rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Hiện anh Diệu đang là hội viên của Quỹ nhân ái "Cùng em đến trường" của huyện Can Lộc, thường xuyên kêu gọi tổ chức các hoạt động từ thiện nhân đạo giúp đỡ trẻ mô côi, người khuyết tật, gia đình chính sách trên địa bàn.

Anh Diệu chia sẻ: “Bản thân tôi sinh ra là người khuyết tật nên tôi thấu hiểu những khó khăn mà họ đang phải đối mắt hàng ngày, tôi luôn muốn làm gì đó để giúp đỡ họ.

Sắp tới tôi sẽ kêu gọi thêm nguồn vốn mở rộng cơ sở của mình nhằm đào tạo và tạo công việc cho người khuyết tật tại quê hương mình, bởi bản thân người khuyết tật để kiếm được công phù hợp với bản thân là rất khó khăn”

Diệu rất tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện

Trước câu hỏi “Làm thế nào anh có thể vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, có lúc nào anh cảm thấy chán nản không”, Diệu đã mỉm cười rồi bộc bạch: “Nếu như mình mà bi quan, chán nản thì không có mình ngày hôm nay. Trong khó khăn mình nghĩ điều tích cực sẽ vượt qua dễ dàng hơn. Khó khăn đôi khi chỉ là thử thách bản thân ta thôi”.

Tác giả: Thái Bình

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP