Kinh tế

“Câu chuyện Uber và Taxi là bài học nhãn tiền về xung đột cũ - mới”

"Câu chuyện Uber và taxi truyền thống là một bài học nhãn tiền để thấy phát triển hài hoà là không dễ. Cái mới nhất thiết sẽ có sự xung đột giữa cũ và mới, cùng với đó cái mới tạo ra công ăn việc làm thì cái cũ sẽ mất bớt việc làm, đi cùng đó là phí tổn chuyển đổi, phí tổn đầu tư".

Đây là chia sẻ của TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại Tọa đàm "Định hướng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới" được tổ chức tại Hà Nội mới đây.

TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).

Theo TS Thành, Việt Nam đã thu hút FDI hơn 30 năm qua nhưng kết quả đến nay có nhiều điều chưa như kỳ vọng, FDI chưa giúp DN trong nước lớn lên. Việc FDI thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân hay chèn ép đầu tư tư nhân trong nước vẫn còn gây ra tranh cãi.

Bên cạnh đó, FDI hiện nay tiềm ẩn rủi ro môi trường cực lớn, nếu không được giám sát tốt có thể gây tác động xấu về môi trường, đem công nghệ lạc hậu, bãi rác đến Việt Nam. Cách mạng 4.0 đã và đang có tác động to lớn, tích cực, mang lại cơ hội, nhưng chi phí chuyển đổi của quá trình này cũng rất lớn, từ chi phí đầu tư, xây dựng luật, thích ứng cũng đòi hỏi Việt Nam không dễ tận dụng được.

Ông Thành cho rằng, chúng ta cần phải hiểu FDI vào không phải để làm từ thiện, họ bỏ ra một đồng là để thu lại hơn 1 đồng. Ngoài những tác động tích cực FDI cũng có những tác động tiêu cực như lạm phát, bong bóng bất động sản, lên giá đồng USD gây hại cho xuất khẩu...

"Chúng ta quá hấp dẫn, nhưng để thu hút được FDI đúng ngành nghề và thể hiện khu vực này xứng tầm là đòn bẩy của kinh tế, thu hút FDI vào công nghệ cao, chất xám và chuyển đổi nền kinh tế, chúng ta còn cần phải cải thiện rất nhiều chính sách thu hút FDI như thế nào, lao động ra sao và cơ sở hạ tầng cứng - mềm cần cải thiện", ông Thành nói.

Ông Thành ví dụ: Câu chuyện Uber và taxi truyền thống là một bài học nhãn tiền để thấy phát triển hài hòa là không dễ. Cái mới nhất thiết sẽ có sự xung đột giữa cũ và mới, cùng với đó cái mới tạo ra công ăn việc làm thì cái cũ sẽ mất bớt việc làm, đi cùng đó là phí tổn chuyển đổi, phí tổn đầu tư. Chúng ta cũng cần thống nhất cách chơi là thí điểm ở một mức nào đó rồi mới chính thức hay làm chính thức luôn.

Theo ông Thành: Cách mạng 4.0 có tác động to lớn, tích cực, mang lại cơ hội, nhưng chi phí chuyển đổi của quá trình này cũng rất lớn, từ chi phí đầu tư, xây dựng luật, thích ứng… Vì thế, Việt Nam muốn thu hút phát triển là về tài chính, vì cuộc chiến này gắn với sáng tạo, quỹ đầu tư, loại hình ra sao để có môi trường thu hút FDI đến đây.

GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho hay: Từ năm 1991 đến nay, FDI trở thành động lực tăng trưởng ổn định của nền kinh tế. Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ gây ảnh hưởng to lớn đến mọi luật lệ, mọi nền kinh tế, mọi ngành công nghiệp. Các công nghệ mới sẽ dẫn đến những thay đổi về quyền lực, gây ra những lo ngại về an ninh cũng như về khoảng cách giàu nghèo.

Ông Mại cho rằng, thời gian tới, Việt Nam cần ưu tiên thu hút FDI một số ngành và sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn như công nghệ thông tin, điện tử, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn (SMA)...

"Đây sẽ là những ngành mới, lợi thế cạnh tranh phù hợp với sức vóc của DN nước ngoài cũng là cơ hội giúp nền kinh tế Việt Nam thu hẹp so với các nước phát triển hơn", ông Mại nói.

Tác giả: Nguyễn Tuyền

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: FDI , Cách mạng công nghiệp , grab , UBer , taxi

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP