Vị khách đặc biệt ở tiệm xăm cách đây 10 năm
Tiệm xăm của anh Nguyễn Đức Tuấn (nghệ danh: Tuấn Vampire) nằm nép mình ở một góc nhỏ trên phố hàng Buồm, tính đến nay cũng gần 11 năm anh đi theo con đường xăm hình chuyên nghiệp.
Hàng ngày anh tiếp đón nhiều lượt khách, đa số là những bạn trẻ, có cả dân công sở, người lớn tuổi, người nước ngoài - "Bất kể là ai, miễn là họ có nhu cầu ghi dấu ấn lên cơ thể".
Từng ấy năm, để nói về hồi ức đẹp trong nghề, anh Tuấn có vô số những câu chuyện bên lề đằng sau những hình xăm độc đáo. Đặc biệt có một vị khách do chính tay anh thực hiện hình xăm và cho đến tận bây giờ anh vẫn không quên được.
"Một cậu thanh niên được mẹ đưa đến và bà muốn một bức xăm lên người cậu ấy, gồm tên, địa chỉ và số điện thoại gia đình".
Anh Nguyễn Đức Tuấn. |
Câu chuyện đã lùi vào quá khứ gần 10 năm nhưng khi nhắc đến "tác phẩm" đó anh Tuấn vẫn nhớ vanh vách. "Anh ấy tên Đinh Quốc Chiến, nhà ở phố Hàng Khay". Hôm đó người mẹ dẫn con trai đến, họ đi theo nhóm 3, 4 người.
"Mình cứ nghĩ người sẽ xăm là bác gái vì cô hỏi mình khá nhiều, nhưng không phải, cô nhờ mình xăm cho anh con trai bị bệnh về thần kinh, thường xuyên bỏ nhà đi lang thang để có ai nhìn thấy còn giúp gọi về nhà".
Trong lúc xăm hình, anh Tuấn chỉ tập trung được 70%, phần còn lại để ý vì lỡ may anh Chiến có thể phản ứng trong quá trình xăm. Và những gì anh Tuấn nghĩ đều đã xảy ra, phải mấy anh em trong quán mới có thể kiềm chế được sự phản kháng của "vị khách" đặc biệt này.
"Đằng sau hình xăm này là tình cảm của một người mẹ khiến mình cảm động, và có lẽ đó nên dù đã rất lâu rồi, mình vẫn không thể quên được".
Nhiều người vẫn nghĩ, tiệm tattoo thường là chỗ lui tới của những bạn trẻ cá tính, họ đến đây kiếm tìm những "bức họa" được vẽ trực tiếp lên cơ thể của mình.
Chẳng ai nghĩ được, một người mẹ lại đưa con mình đến và xăm bức hình đầy chua xót như thế. Không phải để khoe khoang, cũng chẳng phải để "hổ báo", đối với anh Chiến hình xăm đó như tấm bùa hộ mệnh mang theo bên đời.
|
|
|
Những hình xăm nhỏ nhưng mang một ý nghĩa riêng biệt với từng người. |
Người mẹ đau đớn gửi con đến trại tâm thần vì không thể theo bảo vệ từng bước chân con
Dựa vào chút manh mối trong mớ suy nghĩ chừng 10 năm của anh Tuấn, dọc khắp phố Hàng Khay, buông lời hỏi nhà anh Đinh Quốc Chiến hầu như không ai biết. Mon men con ngõ nhỏ sâu hút theo lời chỉ dẫn của người bán nước đầu đường, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ chỉ có một gian.
Người phụ nữ trung niên từ trong bước ra, đó là mẹ của anh Chiến - vị khách đặc biệt tại tiệm xăm năm đó. Cho rằng câu chuyện của con trai mình chỉ toàn nỗi buồn, cô từ chối chụp ảnh và cũng không nói tên, chỉ kể chuyện.
Cô kể, anh Chiến bị bệnh về thần kinh từ nhỏ, năm lên 6, 7 tuổi anh đã bắt đầu đi lang thang khắp nơi. Không thể kiểm soát được bước chân của mình, anh cứ đi, đi mãi như thế khiến gia đình nhiều phen hú vía. Gần thì còn tìm về được chứ nếu anh đi xa, người nhà nhiều khi cũng không biết đường đi lối nào để tìm anh về.
Được một người thân "mách nước", mẹ anh Chiến đến tiệm xăm gửi gắm anh Tuấn vẽ cho con trai mình “tấm bùa hộ mệnh” có ghi tên, số điện thoại, địa chỉ nhà.
"Có lần Chiến đi dạt vào tận Nghệ An những 6 tháng, cả nhà cứ tưởng đã mất tích rồi. Nhưng may thay có người tốt bụng thấy được hình xăm đã viết thư ra nên cô chú mới vào đón anh về được".
Hình xăm đặc biệt nằm ngay bên cánh tay trái của anh Chiến, ở vị trí dễ gây chú ý nhất với người đối diện. Bằng cách này nếu anh lỡ có đi đây đi đó, người đi đường có thể gọi điện, viết thư đưa anh về với gia đình.
Năm nay anh Chiến 42 tuổi, anh không còn sống chung với bố mẹ và em trai trong căn nhà ở phố Hàng Khay nữa. Nhiều năm gần đây, bố anh sức khỏe yếu chỉ nằm ở nhà, người mẹ ngoài đi làm kiếm tiền còn chăm sóc cậu em cũng mắc căn bệnh tương tự, anh Chiến được gửi vào trại tâm thần.
Thương con nhưng lại không biết làm cách nào để con khỏi đi lang thang, không thể theo từng bước chân giúp con tránh những nguy hiểm rình rập trên đường, mẹ anh đau đớn mới đưa ra quyết định như thế!
Cô không cho chúng tôi biết tên, chỉ chia sẻ câu chuyện về người con trai tội nghiệp của mình như cách để trải lòng với những người xa lạ. Rằng ai cũng hiểu, phía sau hình xăm của anh Chiến là cả nỗi đau đớn nhiều chục năm của người mẹ.
Không ai mong muốn con mình phải vào trại tâm thần, phải sống xa gia đình nhưng cực chẳng đã không còn sự lựa chọn nào khác, cô chú mới phải làm như vậy.
10 năm mang hình xăm ấy trên người, qua thời gian 10, 20 năm sau nữa, mực xăm có thể mờ, bức họa trên tay anh Chiến có thể phai đi đôi chút nhưng câu chuyện đằng sau đó sẽ còn mãi.
Mỗi hình xăm là một câu chuyện như thế. Dù chỉ là những nét vẽ nguệch ngoạc trên cơ thể nhưng đều có ý nghĩa riêng theo những cách khác biệt.
Tác giả: Minh Nhân
Nguồn tin: thoidai.com.vn