Nhân ái

Cậu bé mồ côi muốn bỏ học đi làm nuôi bà

Sinh ra chưa một lần biết mặt cha, tròn 13 tuổi, cơn đột quỵ lại cướp đi người mẹ yêu quý, Tuấn phải nương tựa bà ngoại năm nay đã 80 tuổi sống với người cậu ruột bị thiểu năng trí tuệ.

Tới xứ đạo xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc hỏi thăm nhà của cậu học trò nghèo Cao Văn Tuấn (sn 2003, trú tại xóm 3, xã Nghi Đồng) hiện đang học lớp 8 trường THCS Hưng Đồng, chúng tôi được người dân nhiệt tình chỉ lối.

Nằm lặng lẽ bên cánh đồng lúa đang kỳ làm đòng, ngôi nhà cấp 4 xập xệ là nơi trú mưa nắng của 3 con người có số phận hết sức cùng cực. Ngôi nhà bé xíu hằn sâu dấu vết của thời gian, những thanh rui bằng tre bị mọt ăn lỗ chỗ, tấm cửa gỗ ngấm nước rã từng mảng mùn.

Căn nhà cấp 4 xập xệ là nơi cư ngụ của mẹ con, bà cháu Tuấn. Ảnh: Như Sương

Trong vuông bếp chật chội chỉ có vài chiếc nồi con treo bên góc, chiếc rổ tre úp dăm chiếc bát cũ, người bà ngoại gầy guộc, lưng còng đang lúi húi nấu bữa cơm chiều. Mắt kém, bà nhìn mãi mới nhận ra tôi không phải cô con gái nhà hàng xóm đi học ở xa nay về thăm nhà.

Nghe tôi nói lý do đến thăm, đôi mắt bạc chợt rưng rưng rồi bà gọi đứa cháu vào đón khách. Hôm nay được nghỉ học nên Tuấn ở nhà phụ bà dọn vườn, trồng rau. Cuộc sống quá thiếu thốn, khó khăn lại sớm phải vất vả việc ruộng vườn, trông Tuấn chỉ như cậu trò lớp 6. Tuấn khép nép chào chúng tôi rồi lặng lẽ tìm vị trí sau góc bàn ngồi nghe bà tiếp chuyện.

“Từ ngày mẹ mất, nó cũng ít gặp gỡ bạn bè và người lạ nên mới khép nép như thế, các cô chú thông cảm!”, nói đoạn rồi bà Quy chậm rãi kể về số phận của đứa cháu ngoại đáng thương.

Mẹ của Tuấn tên là chị Vũ Thị Yến (SN 1969). Cũng bởi hoàn cảnh bố mất sớm, thương mẹ già yếu và người em trai là Vũ Đình Tính (SN 1984) bị thiểu năng trí tuệ, khuyết tật vận động nên chị quyết định không lập gia đình, ngày ngày lo lắng cho mẹ và em.

Thời gian trôi đi, tuổi thanh xuân của chị cũng vụt đi lúc nào không hay. Đến năm 2003, sau nhiều lần suy nghĩ, chị quyết định không lấy chồng nữa mà kiếm một đứa con để mai sau nương nhờ lúc già yếu, ốm đau. Và Cao Văn Tuấn được sinh ra trong niềm mong mỏi, gửi gắm đó.

Hàng ngày ngoài giờ đi học Tuấn làm mọi việc nhà vì bà ngoại đã già yếu, người cậu thì bị thiểu năng trí tuệ. Ảnh: Như Sương

Dù gia cảnh nghèo khó, cả mẹ và bà ngoại đều hết sức thương yêu, dành cho Tuấn những gì tốt nhất có thể. Cũng vì điều đó mà càng lớn lên, Tuấn càng biết yêu thương mẹ, cố gắng không để mẹ và bà phải phiền lòng.

Mong ước đến ngày con khôn lớn sẽ báo đáp công lao sinh thành, nhưng đâu ai đoán định được chuyện tương lai, năm 2016 khi em Tuấn mới 13 tuổi, chị Yến bất ngờ bị cơn đột quỵ ngã gục ngay trên ruộng lúa. Dù được mọi người phát hiện và nhanh chóng đưa chị đi cấp cứu, nhưng chị chẳng thể qua khỏi.

Cái chết quá đột ngột và bất ngờ khiến mọi người cảm thấy bàng hoàng, đau đớn. Bà Quy gần như suy sụp hoàn toàn bởi trước cảnh lá vàng tiễn lá xanh. Song, vì thương cháu ngoại còn quá ngây thơ, cậu con trai ngờ ngệch mãi không thể lớn, bà lại cố gượng dậy.

Rất yêu trường lớp và thích đi học, nhưng Tuấn dự định gác lại việc học để có thời gian giúp bà việc nhà và kiếm sống. Ảnh: Như Sương

Còn riêng Tuấn, từ sau khi mẹ mất, em cũng trầm tính hẳn đi, ít nói chuyện hơn và ngại tiếp xúc mọi người. Hàng ngày, ngoài giờ đi học ở trường, Tuấn dành toàn bộ thời gian rảnh để phụ bà nấu nướng, thái rau lợn và lo lắng việc ngoài đồng. Những tháng hè rỗi rảnh, em lại tranh thủ đi kiếm tiền bằng việc đi hái rau má, mò cua, bắt ốc để phụ thêm vào các khoản chi tiêu trong nhà.

“Nó ngoan lắm. Vệc chi cũng lăn vào làm cho bà. Thương bà tuổi già nên nó đang đòi bỏ học theo người ta đi phụ hồ mang tiền về cho bà chăm cậu nhưng bị tôi cản lại. Bởi dù có khó khăn đến mấy thì cũng không được phép nghỉ học vì ngày mẹ nó còn sống, mẹ nó bảo với tôi rằng nhất quyết phải lo cho nó ăn học ngang bè bạn. Giờ mà để nó nghỉ học giữa chừng là tôi có lỗi với mẹ nó …”, bà Quy nắm chặt tay Tuấn và chia sẻ.

"Nếu cháu không nghỉ học thì biết lấy chi để nuôi sống cả nhà, chưa kể tiền thuốc cho cậu. Nếu giờ nghỉ học để đi làm thuê thì ít nhất mỗi ngày cũng kiếm được dăm ba chục...” - câu nói của Tuấn khiến chúng tôi không khỏi nghẹn lòng xót xa cho em.

Bữa cơm đạm bạc thường nhật của của ba mẹ con, bà cháu. Ảnh: Như Sương

Chúng tôi rời căn nhà của bà cháu em Tuấn khi bữa cơm của 3 bà cháu vừa kịp dọn ra mà thức ăn chỉ là tô canh rau dại hái sau nhà và bát cà muối. Ánh đèn leo lét chẳng thể thắp sáng hết gian nhà chật hẹp. Tôi chợt nghĩ về tương lai của Tuấn mà xót xa, liệu rằng cuộc đời em có được "thần may mắn" tìm đến để giúp em và gia đình vượt qua được khó khăn hiện tại...

Tác giả: Như Sương

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP