Trong nước

Cảnh sát PCCC cảnh báo nguy hiểm tiềm ẩn từ bóng bay

Bóng bay thường được bơm bằng khí hydro nên rất dễ phát nổ, gây cháy, gây ngạt trong một số điều kiện… đây là cảnh báo của một cảnh sát PCCC đã có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực cứu hộ, cứu nạn.

Bóng bay đang tiềm ẩn hiểm hoạ như những “quả bom nổ”.

Thời gian vừa qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra một số vụ nổ liên quan đến bóng bay. Gần đây nhất là vụ nổ bóng bay trong ô tô xảy ra trên phố Cửa Đông (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào ngày 11/2/2017 khiến kính xe ô tô bị vỡ, rất may 2 em nhỏ trong xe chỉ bị cháy xém tóc, bỏng nhẹ. Trước đó, cũng đã xảy ra 2 vụ nổ chùm bóng bay trên 2 sân khấu vào 2 thời điểm khác nhau. Cả 2 vụ nổ này đều có điểm chung là bất ngờ phát nổ sau khi pháo hoa trên sân khấu được kích hoạt.

Để tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên Infonet đã trao đổi với một cảnh sát PCCC có nhiều năm công tác trong lĩnh vực cứu hộ cứu nạn nhằm phân tích nguyên nhân cũng như đưa ra các cảnh báo về sự cố nổ bóng bay. Vị này cho biết, có 2 loại khí được sử dụng để bơm vào bóng đó là khí trơ (bơm vào bóng không bay) và khí hydro (bơm vào bóng bay) trong đó các vụ nổ trên đều liên quan đến bóng bay. Nguyên nhân là do khí hydro trong bóngMới bay sẽ rất dễ phát nổ khi tiếp xúc với oxy và có thể gây nổ hàng loạt và trên diện rộng đối với các quả bóng ở gần nhau (chùm bóng bay).

Theo phân tích của vị cảnh sát PCCC này, bản chất oxy trong bóng bay sẽ không gây nổ, tuy nhiên khi bóng bay tiếp xúc với nguồn lửa (tia lửa điện, tia pháo hoa, tàn thuốc…) hay các vật sắc nhọn (trần nhà, sàn gỗ…) hay thậm chí do ma sát từ chính những quả bóng bay cọ vào nhau dẫn đến việc bóng bị nổ. Sau khi nổ, hydro sẽ kết hợp với oxy tạo thành một hợp chất rất dễ cháy kết hợp với một nguồn lửa sẽ dẫn đến nổ đồng thời tác động vào những quả bóng gần đó sẽ gây ra nổ lớn và có lửa bùng ra gây sát thương.

Rất nhiều bình gas bơm bóng bay đều không có nhãn mác, nguồn gốc.

Ngoài việc gây sát thương đơn thuần, khí hydro sau khi phát nổ sẽ hấp thụ oxy và dễ gây ra hiện tượng ngạt khí đặc biệt là trong phòng kín. “Rất nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra tại các phòng hát karaoke được dùng để tổ chức sinh nhật. Tại các phòng này mọi người thường thả bóng bay trong phòng để trang trí đồng thời đốt nến hoặc bắn pháo hoa mừng sinh nhật, việc này vô hình trung gây nổ đồng loạt bởi những quả bóng bay. Không chỉ gây sát thương mà còn dẫn đến ngạt khí trong phòng kín rất nguy hiểm” – vị cảnh sát PCCC này cảnh báo.

Không chỉ là những “quả bom” tiềm ẩn hiểm hoạ, đa phần các loại bóng bay đang được bán phổ biến trên thị trường còn là nguồn gây hại trực tiếp tới trẻ em, đặc biệt là các em nhỏ trong độ tuổi mầm non. Cô Nguyễn Ngọc – giáo viên Trường Mầm non Sơn ca Định Công cho biết: “Bóng bay là thứ đồ chơi nhiều màu sắc nên rất thu hút các bạn nhỏ. Khi chơi các bạn sẽ sờ, nắm, ngậm… trong khi phẩm màu tạo màu sắc cho bóng bay thì không rõ nguồn gốc nên việc cho trẻ chơi bóng bay sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm độc”. Cô Ngọc cũng phân tích thêm, chất độc từ phẩm màu có thể làm trẻ nhiễm độc đường hô hấp, qua miệng, nhiễm độc hệ tiêu hoá và một số các ảnh hưởng khác. Ngoài ra, việc bóng bay phát nổ đột ngột sẽ khiến trẻ bị ảnh hưởng thính giác, gây hoảng sợ, ảnh hưởng đến phát triển tâm lý của trẻ nhỏ.

Hầu hết những nơi bơm bóng bay tại Hà Nội chỉ là những phòng trọ nhỏ.

Tìm hiểu thêm về tình trạng bóng bay đang bán tràn lan tại các khu vui chơi của Hà Nội, phóng viên Infonet đã đến một xóm nhỏ nằm trên phố Trần Quý Cáp (Đống Đa, Hà Nội), đây được coi là “xóm bóng bay” giữa lòng Hà Nội. Tại đây các cơ sở bơm bóng bay chỉ là những phòng trọ nhỏ, chật hẹp bên trong không có gì ngoài những thùng bóng bay chưa bơm và những chùm bóng bay lớn nhiều màu sắc, hình dáng bay lơ lửng trên trần nhà. Đặc biệt hơn, dụng cụ để bơm bóng bay đều là những bình gas không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ.

Hoàng Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP