Xe

Cảnh giác với thói quen cắm sạc pin xe máy, xe đạp điện qua đêm

Cục Cảnh sát phòng cháy, chứa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) khuyến cáo, một bộ phận người sử dụng xe máy, xe đạp điện có thói quen cắm sạc pin qua đêm. Điều này tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.

Thói quen cắm sạc pin xe máy, xe đạp điện qua đêm tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao

Dù các nhà sản xuất và đại lý thường khẳng định rằng có thể cắm sạc pin qua đêm cho xe đạp, xe máy điện, nhưng thực tế việc này đã dẫn tới không ít vụ hỏa hoạn nghiêm trọng do việc sạc không đúng cách, cắm sạc quá lâu, không có giám sát trong quá trình sạc, sạc trong điều kiện bất lợi (ngập nước, quá nóng, gần nguồn lửa...), cắm sạc ngay sau khi dừng xe, bình điện chưa kịp nguội, xe vừa nổ máy vừa cắm sạc...

Ảnh minh họa


Để bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng xe máy điện, xe đạp điện, phòng ngừa xảy ra cháy, nổ, Cục Cảnh sát phòng cháy, chứa cháy và cứu nạn, cứu hộ khuyến cáo:

1. Nên sạc khi pin/ắc-quy khi gần hết, sử dụng nguồn điện phù hợp (theo mức điện áp khuyến cáo của nhà sản xuất) và ổn định để sạc. Không sạc ngay sau khi vừa chạy xe, nên chờ bình điện nguội trong khoảng 20 phút rồi mới sạc. Không sạc pin qua đêm, không sạc quá 8 giờ liên tục. Nếu xe để lâu không sử dụng, nên sạc pin đầy rồi tháo rời khỏi xe để tăng độ bền.

2. Bảo quản pin/ắc-quy đúng cách bằng cách đặt xe tại vị trí bảo đảm cao ráo và thông thoáng. Không để pin/ắc-quy (xe) tại các khu vực nóng, ẩm. Không tác động lực mạnh vào bộ phận pin/ắc-quy.

3. Không tự ý thay đổi kết cấu của xe, không lắp thêm các phụ kiện, thiết bị tác động đến hệ thống dây dẫn và nguồn điện của xe (thiết bị không tương thích, chênh lệch nguồn diện có thể làm pin/ắc-quy phát nổ).

4. Bảo trì, bảo dưỡng pin/ắc-quy cũng như hệ thống dẫn điện của xe thường xuyên. Định kỳ khoảng 3 tháng/lần nên đưa xe đi kiểm tra pin/ắc-quy, hệ thống sạc cũng như toàn bộ chiếc xe để kịp thời phát hiện và xử lý hư hỏng.

5. Rửa xe đúng cách. Không dùng tia nước áp lực cao hoặc phun trực tiếp vào các vị trí dưới yên xe. Sau khi rửa xe, cần lau khô khu vực pin/ắc-quy, phanh của xe rồi mới khởi động lại. Khi đi mưa về cần để xe ở vị trí khô ráo, thoáng gió để hong khô và kiểm tra xác định có nước vào trong vị trí pin/ắc-quy không.

Trong quá trình sử dụng, dù hiếm nhưng việc cháy pin xe điện vẫn có thể xảy ra. Nếu phát hiện bình điện nóng lên bất thường khi đang sạc, hãy lập tức rút điện. Nếu có thể, hãy tháo bình điện và đặt vào trong một chiếc thùng kim loại, tốt nhất là thùng có chứa cát, tránh xa các vật dễ cháy. Tuyệt đối không tự ý điều chỉnh thông số kỹ thuật của xe điện, thay thế các thiết bị, linh kiện, bình điện, bộ sạc… không đúng chủng loại, không rõ nguồn gốc hoặc không đồng bộ với các thông số kỹ thuật thiết kế của phương tiện. Việc lắp thêm phụ kiện hay thiết bị tác động đến hệ thống dây dẫn và nguồn điện của xe có thể dẫn tới sự chênh lệch, gây cháy nổ ắc-quy, pin.

Khuyến cáo không cắm sạc qua đêm ở chung cư, ở hầm gửi xe thiếu sự giám sát cần thiết. Trong trường hợp, nếu xảy ra cháy, hãy lập tức gọi lực lượng cứu hỏa và thông báo luôn là cháy do xe điện để họ chuẩn bị phương án phù hợp. Việc chữa cháy liên quan đến pin lithium-ion cần được xử lý khác với cháy thông thường. Đừng cố dội nước vào thẳng bộ pin, vì nước và lithium có thể tạo ra khí hydro, khiến tình trạng chạy nổ dễ lan rộng. Có thể sử dụng bình chữa cháy tiêu chuẩn.

Sử dụng xe điện đúng cách đề phòng nguy cơ cháy nổ

Theo cơ quan chức năng, xe điện sử dụng nhiều loại ắc quy, pin, phổ biến là loại Pin lithium ion; việc sạc điện cho ắc quy, pin theo nguyên lý: Nguồn điện xoay chiều 220V được chuyển sang một chiều qua bộ đổi điện và sạc điện cho ắc quy, pin. Bên cạnh những tiện ích của loại phương tiện này, có nhiều vấn đề được quan tâm, trong đó có nguy cơ cháy, nổ từ chính hệ thống điện của xe. Trong thời gian qua, trên thế giới và tại Việt Nam đã xảy ra nhiều vụ cháy xe điện, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Ảnh minh họa


Điển hình như vụ hỏa hoạn liên quan tới xe điện gây tử vong cùng thiệt hại rất lớn về tài sản đã xảy ra tại thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) vào ngày 13/7/2023.

Về vấn đề này, các chuyên gia trong lĩnh vực xe điện cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố cháy nổ xe đạp điện, xe máy điện, như do chất lượng sản phẩm (xe giá rẻ, kém chất lượng); sự cố từ bình ắc quy; không bảo hành, bảo dưỡng định kỳ cho phương tiện; tự ý lắp thêm phụ kiện, làm thay đổi kết cấu xe, tác động đến các dây điện; hệ thống điện đã cũ hay quá trình sạc điện thiếu an toàn…

Trong số các nguyên nhân thì chủ yếu bắt nguồn từ bộ phận ắc-quy và hệ thống điện. Tuy nhiên, phần lớn người sử dụng lại chưa để ý tới bộ phận này của xe.

Theo nhận định của các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, việc sử dụng ắc quy, pin kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc đã bị sửa chữa, làm thay đổi thông số kỹ thuật của nhà sản xuất; lắp đặt thêm hoặc thay thế thiết bị tiêu thụ điện so với thiết kế hoặc chở quá tải sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng, giảm tuổi thọ ắc quy, pin, khi sạc điện sẽ gây hiện tượng ắc quy, pin bị phồng lên có thể gây nổ.

Bên cạnh đó, bộ đổi điện từ dòng điện xoay chiều sang một chiều và ngược lại cũng là nguyên nhân gây ra cháy nổ ở xe điện, do mối hàn... dẫn đến cháy. Hoặc việc thay thế, sửa chữa, sử dụng bộ sạc không bảo đảm đúng thông số kỹ thuật của nhà sản xuất, không bảo đảm chất lượng hoặc không đồng bộ với ắc quy, pin của phương tiện khi sạc có thể gây chập điện hoặc nổ ắc quy, pin.

Thực tế, các vụ cháy xe điện khi đang sạc hoặc đang sử dụng vẫn xảy ra, chủ yếu do sử dụng và vận hành sai cách. Mặt khác, nhiều người có thói quen đi xe điện về chiều tối cắm sạc xong bỏ đó qua đêm là rất nguy hiểm.

Các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng nên chọn mua những dòng xe có thương hiệu hoặc đã qua kiểm định an toàn; chọn những nơi bán xe điện uy tín, chất lượng để đảm bảo xe có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đạt các tiêu chuẩn theo quy định.

Khi mua một chiếc xe đạp điện hay xe máy điện thì sẽ có cuốn hướng dẫn sử dụng đi kèm, mọi người nên tuân thủ theo những chỉ dẫn của nhà sản xuất. Đơn cử khi sạc điện thì phải sạc vào thời điểm mà chúng ta có thể kiểm soát được. Tốt nhất là sạc vào ban ngày, còn nếu muốn sạc qua đêm thì phải sau 10h và tới 6h sáng là phải ngắt, vì ắc quy xe sạc tối đa 8 tiếng là đã đủ pin.

Vị trí cắm sạc cũng quan trọng, phải là chỗ dễ quan sát, khô ráo bởi nếu có sự cố thì sẽ nhanh chóng phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời. Khi cắm sạc phải cắm chắc chắn, tránh việc phóng tia lửa điện trong lúc sạc. Xe mới đi về dù yếu điện thì cũng không nên sạc ngay mà chờ khoảng 15 - 20 phút rồi mới cắm điện. Khi hệ thống báo pin chỉ còn 25 - 30% là lúc thích hợp nhất để sạc…

Để ngăn ngừa nguy cơ cháy, nổ trong quá trình sử dụng xe điện, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo người dân trong quá trình sạc điện phải thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý ngay khi có sự cố; ngừng sạc điện trước khi ra khỏi nhà hoặc đi ngủ, tuyệt đối không sạc qua đêm và không có người lớn ở nhà.

Không được tự ý điều chỉnh thông số kỹ thuật của phương tiện, thiết bị khác so với yêu cầu kỹ thuật của phương tiện; khi thay thế các thiết bị, linh kiện, ắc quy, pin, bộ sạc… cần lựa chọn đúng chủng loại ắc quy, pin phù hợp, đồng bộ với các thông số quy định của sạc điện, động cơ và bộ điều khiển, không sử dụng loại không rõ nguồn gốc; không tự ý thay đổi kết cấu xe, không lắp thêm phụ kiện hay thiết bị tác động đến hệ thống dây dẫn và nguồn điện của xe (thiết bị không tương thích, chênh lệch nguồn điện có thể làm ắc quy, pin phát nổ). Thực hiện chế độ kiểm tra, bảo dưỡng theo quy định của nhà sản xuất...

Tác giả: Văn Ngân

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP