Có lẽ chưa khi nào mà DN lại thâm nhập sâu vào nông nghiệp như hiện nay. Đặc biệt khi thực hiện “cánh đồng mẫu lớn”, DN trở thành “bà đỡ” cho người nông dân. Nông dân yên tâm sản xuất vì đã có người “chống lưng”.
Tại xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên), “cánh đồng mẫu lớn” đã và đang làm thay đổi tập quán sản xuất của người nông dân. Là xã thuần túy về sản xuất nông nghiệp, trong đó trọng tâm là trồng lúa với diện tích 445,3 ha, từ trước đến nay, việc sản xuất lúa của người Cẩm Bình chưa được quan tâm đầu tư đúng mức và tập quán của người nông dân là sản xuất nhiều loại giống với nhiều khung lịch thời vụ, nhiều quy trình chăm sóc khác nhau. Đặc biệt, sản phẩm làm ra chủ yếu do nhân dân tự tìm kiếm nơi tiêu thụ cho nên giá cả không ổn định. Mặt khác, Cẩm Bình là xã được tỉnh Hà Tĩnh chọn là nhóm về đích trong xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2013, tức là trước 2 năm so với kế hoạch vì vậy đòi hỏi Cẩm Bình phải nỗ lực trong mọi lĩnh vực, nhất là đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân. Nhận thấy việc xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” là giải pháp hữu hiệu nên ngay khi có sự chỉ đạo của tỉnh, Cẩm Bình đã bắt tay ngay vào thực hiện.
Vụ hè thu năm 2012, xã Cẩm Bình đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Vật tư Nghệ An sản xuất giống lúa VT-NA2 theo quy trình khép kín từ khâu giống, kỹ thuật, vật tư phân bón và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch cao hơn giá thị trường tại thời điểm thu mua 10%. 426 ha đã được sử dụng cho xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” (95,7% diện tích trồng lúa của xã) với hơn 850 hộ sản xuất. Kết quả, sau khi cân đối thu chi, mỗi ha cho lợi nhuận 14 triệu đồng/ha, so với vụ hè thu năm 2011 thì tổng sản lượng lúa toàn xã năm 2012 tăng tới 320 tấn.
Theo ông Đặng Quốc Hải, Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình, với sự vào cuộc của DN, nông dân ngày càng sướng hơn vì không phải lo gì cả mà đời sống được đảm bảo do năng suất, giá trị cây lúa ngày càng tăng.
Từ thành công của Cẩm Bình, vụ đông xuân năm 2013, “cánh đồng mẫu lớn” đã lan ra 6 huyện ở Hà Tĩnh, từ chỗ chỉ 426 ha nay đã lên tới 3330 ha.
Phát biểu tại Hội thảo Liên kết xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo thông qua mô hình cánh đồng mẫu lớn tại các tỉnh phía Bắc, ông Lê Đình Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, thành công ở xã Cẩm Bình và năng suất hiện tại của các huyện ở Hà Tĩnh cho thấy mô hình “cánh đồng mẫu lớn” là đúng, trúng và cần thiết. Ông Lê Quốc Doanh, Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng chia sẻ: “Việc hình thành và phát triển mô hình “cánh đồng mẫu lớn” theo chủ trương xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm của Chính phủ. Trên thực tế các mô hình này dần tạo ra bước ngoặt trong sản xuất và đem lại lợi ích không chỉ cho DN mà còn cho chính bản thân nông dân”.
HẠNH NGUYÊN
Đại Đoàn Kết