Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2: Không thể bỏ sót trách nhiệm?
Năm 2016, Kiểm toán Nhà nước đã có kết luận về một số sai phạm tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Dự án do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư và ký Hợp đồng tổng thầu với TCty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), hiện đã chậm 2 năm so với kế hoạch và đội giá thêm hơn 6.000 tỉ đồng.
Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 |
Mặc dù mới có chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC của dự án, chưa ký hợp đồng, nhưng trước đó Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã làm thủ tục chuyển 8,2 triệu USD và hơn 1317 tỉ đồng cho Ban Quản lý dự án điện lực để tạm ứng 6,6 triệu USD và 1312 tỉ cho PVC, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 51,7 tỉ đồng và hơn 66.000 USD.
Theo kết quả điều tra ban đầu, sau khi nhận được số tiền tạm ứng trên, PVC đã sử dụng 1.080 tỷ đồng để thanh toán nợ gốc vay ngân hàng 425 tỷ đồng; thanh toán lãi vay uỷ thác của Tập đoàn PVN 55 tỷ đồng; hỗ trợ vốn Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ 74 tỷ đồng; hỗ trợ vốn công trình Vũng Áng 103 tỷ đồng; hỗ trợ vốn cá công trình khác 156 tỷ đồng.
Ngày 26/9, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lê Đình Mậu (45 tuổi), kế toán trưởng kiêm trưởng ban tài chính kế toán và kiểm toán Tập đoàn dầu khí Việt Nam - PVN. Cơ quan An ninh điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can với 3 người khác cùng tội danh gồm: Vũ Hồng Chương, nguyên trưởng ban quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 (thuộc PVN); Trần Văn Nguyên, kế toán trưởng ban quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 và Nguyễn Ngọc Quý, nguyên phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Các bị can trên bị khởi tố về hành vi "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên.Theo cơ quan chức năng, các bị can có dấu hiệu sai phạm trong việc tạm ứng tiền trước khi ký Hợp đồng EPC của dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, liên quan đến sai phạm tại dự án này, không thể bỏ ngỏ trách nhiệm của lãnh đạo PVN giai đoạn này.
Dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1: Nhiều sai phạm cần được xử lý
Dự án được Thủ tướng Chính phủ giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư là một trong những dự án điện cấp bách được hưởng các cơ chế đặc thù, đáp ứng nhu cầu điện năng, cung cấp sản lượng điện (7,2 tỷ kWh/năm). Thế nhưng, qua việc thanh tra dự án gần đây của Thanh tra Bộ Công Thương, đã bộc lộ nhiều bất cập và sai phạm.
Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 |
Theo kế hoạch, loại nhiên liệu chính sử dụng: Than cám 5A Hòn Gai - Cẩm Phả và Vàng Danh - Uông Bí. Thế nhưng, trong quá trình triển khai dự án, PVN đã có sai phạm, thiếu sót trong việc chỉ đạo Ban QLDA làm việc và ký hợp đồng mua than cho Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1. Theo Đề án cung cấp than cho các Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 5964/QĐ-BCT; NMNĐ Vũng Áng 1 thuộc nhóm các nhà máy sử dụng than trong nước (than cám 4b và cám 5). Tuy nhiên, NMNĐ Vũng Áng 1 đã sử dụng khoảng 756.000 tấn than nhập khẩu do Công ty Hoành Sơn cung cấp. PVN đã đồng ý cho Ban QLDA đàm phán, ký hợp đồng mua bán than với Công ty Hoành Sơn khi chưa xem xét kỹ về nguồn gốc than của Công ty Hoành Sơn theo Thông tư số 14/2013/TT-BCT.
Sản lượng than do Công ty Hoành Sơn cung cấp cho NMNĐ Vũng Áng 1 theo các Hợp đồng ký kết, từ tháng 5 năm 2015 đến tháng 7 năm 2016, sản lượng mua thực tế là 790.931,76 tấn quy ẩm đạt 87,88% sản lượng ký kết. Qua hai giai đoạn thanh toán, số tiền thanh toán lên tới gần 1500 tỷ đồng.
Cũng tại dự án này, việc tiếp nhận than bằng đường biển, trong giai đoạn 2015-2016, hệ thống tiếp nhận than có nhiều lần trục trặc phải tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa dẫn đến không đảm bảo khả năng tiếp nhận bằng đường biển theo như thiết kế và công suất quy định của hệ thống tiếp nhận than.
Mặc dù sản phẩm tro bay và xỉ đáy lò của NMNĐ Vũng Áng 1 đã được Viện Công nghệ môi trường và Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam lấy và phân tích mẫu xác nhận không phải là chất thải nguy hại theo Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về ngưỡng nguy hại QCVN 07:2009/BTNMT và để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt là đi đầu trong chủ trương tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, đơn vị sẵn sàng cung cấp miễn phí tro xỉ cho các doanh nghiệp đủ điều kiện sử dụng nguồn tro xỉ của nhà máy. Tuy nhiên, công tác thu gom, xử lý tro xỉ hiện nay của Nhà máy còn gặp khó khăn từ đối tác muốn thực hiện lấy tro xỉ đến công tác vận chuyển tro xỉ ra khỏi Nhà máy vì yêu cầu chặt chẽ trong việc quản lý chất thải công nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh.
Tại thời điểm thanh tra, Nhà máy chỉ vận hành một tổ máy, không vận hành thương mại được đồng thời 2 tổ máy do lỗi kỹ thuật của hệ thống truyền tải điện quốc gia dẫn đến chưa khai thác hiệu quả 2 tổ máy theo Kế hoạch dự án đặt ra.
Xung quanh việc mua than của Công ty cổ phần tập đoàn Hoành Sơn (Công ty Hoành Sơn), ngày 09 tháng 11 năm 2015, PVN có Văn bản số 7834/DKVN-TMTT chỉ đạo Ban QLDA ký Phụ lục mở rộng Hợp đồng mua bán than với Công ty Hoành Sơn. Mặc dù, việc mua than bổ sung chỉ nhằm giải quyết dự trữ trong tình trạng cấp bách. Tuy nhiên, PVN ủy quyền Ban QLDA ký Phụ lục mua bổ sung khối lượng cung cấp than với Công ty Hoành Sơn là không đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 21/CT-TTg.
Theo phản ánh, Công ty Hoành Sơn chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng minh nguồn gốc than nội địa của Công ty cổ phần Thương mại Hoàng Thảo Lâm và Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Triệu Phong. Việc giao nhận than không đủ sản lượng theo quy định của hợp đồng…
Được biết, để xảy ra những sai sót, bất cập trên, trách nhiệm chính liên quan đến ông Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Chủ tịch PVN và ông Hoàng Quốc Vượng, Bộ Công Thương.
Báo điện tử Công lý sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.
Tác giả: Thái Nam
Nguồn tin: Báo Công lý