“Các khoản phí quá cao”
Trưởng thôn Đất Đỏ (xã Thường Nga), ông Đường Văn Ngự thẳng thắn: Các khoản phí quá cao, thu hai vụ, có những hộ, để có tiền nộp sản phải bán sạch cả lúa luôn.
Cái thẳng thắn của ông Ngự một phần xuất phát từ việc năm nay thôn Đất Đỏ chẳng được thưởng gì của xã trong dịp thu sản cả. Lý do là vì dân không có tiền nộp. Chỉ tiêu xã và thôn đề ra là thu 303 triệu đồng nhưng chỉ hoàn thành được có 75%. Thậm chí, ngay cả khi dịp thu sản xong vài ngày, xã với thôn tổ chức tận thu thêm một đợt nữa ở nhà văn hóa nhưng chỉ được thêm có một ít mà thôi.
Một hộ dân ở thôn Đất Đỏ phải chịu hai phần đóng góp, phần của xã và phần của thôn. Phần của thôn nặng nhất là đường bê tông, mỗi khẩu 100 ngàn đồng, cộng thêm thu hoạt động xóm 2kg/sào, thu bảo vệ đồng 1kg/sào.
Phần của xã mới nhiều. Các hộ gia đình đều nhận được một tờ chỉ tiêu nộp quỹ vụ Đông Xuân năm 2013 bao gồm các khoản sau: Thu theo hạng đất, thu thầu hợp đồng, thuế vườn đồi, bảo vệ màu, quỹ khuyến học, 3 loại quỹ, quỹ an ninh quốc phòng, phạt vi phạm kế hoạch hóa gia đình, trốn nghĩa vụ quân sự…
Trưởng thôn Ngự dẫn tôi vào nhà bà Nguyễn Thị Liên (62 tuổi) khi bà vừa nhập viện. Đứa cháu nội đang còn bé tí ti thấy ông trưởng thôn vừa đến nhà mình đã hỏi: Bác đến thu tiền sản hả bác? Bà cháu đang đi viện, để vài hôm nữa bố cháu trả cho.
Nó nói thế chứ nhìn vào gia cảnh bà Liên chắc đó chỉ là lời hứa cho qua chuyện.
Bà Liên hộ nghèo, con cái 4 đứa đều đã xây dựng gia đình, đứa nào cũng quặt quẹo, không nuôi nổi mẹ. Bà ở cạnh vợ chồng anh con trai thứ 3, Nguyễn Công Thức (38 tuổi) và Nguyễn Thị Anh (40 tuổi). Cũng như đứa cháu bà Liên, chị Anh hơi hoảng khi thấy người lạ đến nhà vì tưởng người ta đến đòi nợ tiền phân bón.
Gia cảnh nghèo khó, chồng sức khỏe yếu, con cái phải bỏ học giữa chừng.Cả gia đình 6 người nhưng chỉ được một suất ruộng một sào hai, phải đấu thêm sào ba của xã và hơn 3 sào của người khác nữa. 6 sào ruộng, được mùa thu về cả tấn thóc, cứ tưởng là nhiều nhưng thực tế chẳng còn gì.
Dịp thu sản này, nhà Thức – Anh phải bán hơn 6 tạ, giá lúa 5.600đ/kg , được gần 4 triệu đồng. Đóng góp, trả nợ mùa trước, trả nợ tiền vay thóc ăn khi chưa kế mùa đã hết sạch trơn. Còn hơn 3 tạ lúa trong khuông nhưng chắc chắn sẽ phải bán tiếp vì tiền cày ruộng 150 ngàn/sào, tiền tuốt, 50 ngàn/sào, tiền chở 50 ngàn/sào chưa trả.
Bán hết thóc, gia đình chị Anh vẫn không đủ tiền để nộp
Vụ mùa năm nay, xã Thường Nga có chủ trương cho các hộ dân nợ tiền phân để thực hiện cánh đồng mẫu lớn. Gia đình chị Anh nợ gần 3,2 triệu, mới trả được có 600 ngàn. 300 ngàn tiền đóng khoản bê tông để xây dựng giao thông cho xóm chưa nộp nổi đã đành, 3 sào ruộng đi đấu, tiền sản phải trả cho người ta cũng đang nhìn vào 3 tạ lúa ấy.
Thực trạng mà trưởng thôn Ngự hài hước rằng chỉ vài ngày nữa là đám chuột khóc ròng vì thóc hết, còn chị Anh nói giọng buông buồn: Thiếu tiền sản, đi họp người ta giơ lên đặt xuống. Phải đi vay nợ cá nhân, lãi cao một tý chứ không ai nói ra nói vào gì cả. Hiện đang nợ ngân hàng 21,3 triệu đồng cũng nỏ biết lấy chi để mà trả lãi. 3 tạ lúa còn, nếu để cho con ăn thì phải đi vay tiền để trả cho người ta rồi chịu lãi, còn như bán sạch sành sanh thì cũng không đủ tiền mà đóng nộp.
Lọt lòng, bỏ quê… đều phải đóng
Đợt thu sản ở xã Thường Nga là thời điểm kết thúc niềm vui ngày mùa của nhiều hộ gia đình. Đã thế, một năm xã lại thu 2 vụ, người dân rơi vào vòng xoáy lo toan không lối thoát.
Một trong những gia đình phải đóng sản nhiều nhất ở thôn Đất Đỏ là hộ bà Lê Thị Hà (53 tuổi). Sở dĩ, nhà bà Hà phải đóng sản nhiều nhất thôn là bởi ông bà đẻ nhiều, có tới 5 người con.
Hiện tại, nhà bà Hà có 10 khẩu. Hai vợ chồng, 6 đứa con (1 con dâu, 5 con đẻ), 2 đứa cháu nội. Tất tần tật đều phải nằm trong diện khẩu thu, bắt buộc phải đóng đậu.
Đứa con đầu tên là Đường Anh Ngọc, đi làm công nhân rồi xây dựng gia đình với chị Phạm Thị Thương tận miền Nam. Tiếng là hai vợ chồng có công ăn việc làm nhưng vợ bị u vú, đẻ hai đứa con rồi mà vẫn chưa tách được khẩu nên bà Hà phải gánh cho nó cả 4 khẩu đóng góp.
Bảng thu các loại quỹ, phí của người dân xã Thường Nga
Đứa con thứ hai vừa lấy vợ nhưng chưa dám đưa về vì sợ mẹ phải đóng góp thêm. Bà Hà vừa vào Nam dự cưới nó, vay mượn xóm làng mua được chỉ vàng để đeo cho con dâu, vừa đeo xong vội vàng xin lại nó bởi gia đình ở quê còn nợ nần quá nhiều.
Chị Hà than: “Đi cưới con về người ta đến đòi nợ tới số. Nợ tiền sản, nợ tiền phân bón, nợ tiền xây dựng… Bán lúa chỉ trả được một phần, lại phải nợ tiếp thôi. Không phải nhác nhớn chi mô chú, nhưng mà làm bao nhiêu cũng không đủ nộp”.
Mỗi vụ, gia đình bà Hà làm 7,1 sào ruộng. Vụ 5 được hơn tấn rưỡi thóc, vụ 10 chỉ được tầm 9 tạ do cào cào ăn hết. Vụ nào cũng phải đóng sản, đóng theo khẩu, theo lao động, theo đầu sào… Nếu hạch toán rạch ròi thì chừng ấy ruộng chưa bao giờ đủ tiền nộp cả.
Như vụ này, chỉ riêng tiền bê tông đã mất 1 triệu đồng, tiền đất hạng 3 mất 117,6kg thóc, bảo vệ mùa màng 6 kg, quỹ khuyến học 30 ngàn, 3 loại quỹ 137,5 ngàn, quỹ An ninh quốc phòng 40 ngàn… Quỹ hoạt động xóm 129.300 đồng. Tổng cộng hết hơn 2 triệu. Đấy là chưa kể nợ từ vụ trước, nợ tiền phân bón còn 2,5 triệu đồng. Bán đi 8 tạ thóc rồi vẫn chưa đủ tiền sản, vẫn còn nợ nần tùm lum.
10 khẩu nhưng nhà bà chỉ tính 5 lao động. 5 lao động ấy toàn ốm đau, bệnh tật. Con viêm gan, con dâu u vú, cha bệnh, mẹ mù. Mẹ bà Hà là cụ Lê Thị Nhự (93 tuổi), ở một mình dưới xã Kim Lộc nhưng nhà sắp sập, nắng mua đều phải lên nhà con gái xin trú nhờ.
Về những phản ánh của những hộ dân gặp khó khăn trong dịp thu sản, đại diện chính quyền địa phương, ông Phó Chủ tịch UBND xã Thường Nga Đinh Văn Nam tâm sự: “Biết là người dân sản xuất khó khăn, nhưng thu sản là nguồn ngân sách chính của xã để xây dựng cơ sở hạ tầng, điều hành sản xuất, để trả công cho các đoàn thể, chi hội cơ sở”.
Nông Nghiệp