Doanh Nghiệp Hà Tĩnh

Can Lộc: Mỏ đá Ngọc Hải gây thiệt hại cho dân

Tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, hàng trăm hộ dân nhiều năm nay sống trong tầm đá bay, văng ra từ các vụ nổ mìn khai thác đá. Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Can Lộc do chấn động từ các vụ nổ mìn khiến tượng đài và nhiều ngôi mộ bị nứt nẻ, hư hỏng. Trong khi lãnh đạo thôn, xã và người dân sở tại bức xúc, kiến nghị thì doanh nghiệp khai thác đá đã chối bỏ trách nhiệm…

Dưới tầm… đá bay

Theo con đường đất đầy ổ gà, ổ voi do xe chở đá cày xới, dẫn vào Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Can Lộc, chúng tôi thấy phía sau tấm biển báo “Rừng phòng hộ, không mang lửa vào rừng là thiết thực bảo vệ rừng” là một công trường khai thác đá đang thi công rầm rộ, cây bị chặt hạ, núi bị đào móc… Anh Nguyễn Viết Ái ở thôn Hồng Lĩnh, xã Vượng Lộc cho biết: “Đây là rừng phòng hộ, trước kia cây thông và cây keo nhiều, song từ khi các mỏ đá khai thác, họ đã chặt phá hết”.

Cách mỏ đá Ngọc Hải (do Công ty TNHH Ngọc Hải đóng tại thị xã Hồng Lĩnh khai thác) chưa đầy 300m là Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Can Lộc, thuộc địa phận xã Thiên Lộc. Gia đình chị Bùi Thị Mai được huyện giao trông coi nghĩa trang liệt sĩ, chị Mai kể: “Mỗi khi mìn nổ là rung chuyển cả khu vực nghĩa trang, làm cho hệ thống tượng đài bị nứt nẻ, có nguy cơ sập đổ”.

 
Vết nứt trong nhà ông Trần Đính được Công ty TNHH Ngọc Hải hứa sẽ đền xi măng để trát lại, nhưng tới nay vẫn chưa thực hiện.
 
Ông Nguyễn Xuân Nghiệp nhặt những cục đá văng trong vườn nhà cho phóng viên xem.
 
Một trong nhiều vết nứt trên tường bao của Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Can Lộc.

Theo quan sát của chúng tôi, xung quanh chân cột tượng đài, bậc thang, tường bao của nghĩa trang liệt sĩ và một số ngôi mộ xuất hiện nhiều vết nứt chằng chịt, có những vết nứt lớn sâu lọt cả ngón tay. Chị Mai cho biết thêm, nghĩa trang liệt sĩ này được xây dựng từ năm 1976, đến nay đã được tu sửa nhiều lần kiên cố nhưng tu sửa xong thì lại bị nứt. Việc khai thác đá ảnh hưởng tới gần 1000 ngôi mộ liệt sĩ tại đây đã được nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ có ý kiến, song đến nay, Công ty TNHH Ngọc Hải vẫn khai thác đá bình thường.

Vào nhà các hộ dân sống gần nghĩa trang liệt sĩ và sát với mỏ đá để tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ khi mỏ đá đi vào khai thác, cuộc sống người dân bị đảo lộn hoàn toàn, trẻ em rất hạn chế ra ngoài vì sợ đá văng vào và ô nhiễm bụi, khói thuốc nổ… Ông Nguyễn Xuân Nghiệp ở xóm Hồng Lĩnh, xã Vượng Lộc đang nhặt đá trong vườn chanh sau nhà đã tạm dừng công việc dẫn chúng tôi đi xem những dấu tích để lại do nổ mìn khai thác đá gây ra: “Khổ lắm mấy chú ơi! Mỗi lần họ nổ mìn là cả nhà phải chui vào nhà tắm, đá bay vèo vèo làm vỡ cả ngói, nhà thì nứt tứ tung”. Khu vườn chanh rộng hơn 300m2 của gia đình ông Nghiệp đang mùa ra hoa, dưới các gốc cây là nhiều đống đá ông gom lại sau mỗi lần mỏ đá nổ mìn, có những hòn lớn hơn nắm tay. Ông Nghiệp cho biết, cuối năm 2011, khi ông đang làm cỏ trong vườn thì một cục đá văng trượt đầu. Từ đó, cứ nghe mìn nổ thì dù đang làm gì ông cũng phải tìm chỗ nấp để bảo đảm an toàn.

Gia đình ông Trần Đính cùng sống tại xóm Hồng Lĩnh, tường nhà nứt toác, có chỗ nứt rộng hơn một xăng-ti-mét; mái ngói bị đá văng vỡ lung tung. Ông cho biết, mỗi lần mỏ đá nổ mìn là gia đình kinh hồn. Tội nhất là mấy đứa nhỏ không thể lớn lên nổi vì khói thuốc nổ và bụi đá mù mịt, dù đóng cửa thì bụi vẫn bay vào nhà bám đầy đồ dùng, cây cối trong vườn đều bị phủ một lớp bụi đá… Năm 2013, khi mìn nổ phá đá làm nứt tường nhà và vỡ ngói, ông Đính đã báo với chính quyền địa phương; xóm có lập biên bản và yêu cầu doanh nghiệp bồi thường. Lần đó, Công ty TNHH Ngọc Hải xin lỗi gia đình và hứa sẽ đền cho mấy bao xi măng để trát lại chỗ tường nứt và ngói vỡ, nhưng sau đó cũng chẳng thấy đâu.

“Kẻ xấu bịa chuyện?”

Anh Nguyễn Viết Ái tâm sự với chúng tôi: “Việc cấp phép cho các mỏ đá hoạt động không biết có được các cơ quan chức năng khảo sát, đánh giá đúng quy trình hay chưa, nhưng các mỏ khai thác đá này quá gần khu dân cư và nghĩa trang liệt sĩ nên ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và nghĩa trang liệt sĩ”. Ông Nguyễn Văn Anh, Bí thư Chi bộ thôn Hồng Lĩnh, xã Vượng Lộc, cho biết: “Việc khai thác mỏ đá gây ảnh hưởng tới nghĩa trang liệt sĩ và đời sống nhân dân, chính quyền thôn, xã đều biết. Đã nhiều lần tổ chức hội họp, lập biên bản, thống nhất phương án giải quyết…, thế nhưng đến nay, các mỏ đá vẫn khai thác bình thường. Chúng tôi chỉ biết chờ cấp có thẩm quyền giải quyết”.

Chiều 19-2, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Quế, Chủ tịch UBND xã Vượng Lộc giãi bày: “Trước khi cấp phép cho Công ty TNHH Ngọc Hải khai thác đá trên địa bàn, UBND xã cũng nằm trong thành phần đoàn khảo sát, nhưng thực tế quyết định là do cơ quan chức năng cấp tỉnh. Khi các mỏ đá đi vào khai thác gây ảnh hưởng tới nghĩa trang liệt sĩ và đời sống nhân dân, bà con ý kiến, UBND huyện đã thành lập Đoàn kiểm tra, một số cơ quan cấp tỉnh và xã có tham gia. Khi chỉ ra các sai sót cho doanh nghiệp thì họ hứa sẽ sửa chữa, nhưng sau một thời gian lại đâu vào đó”. Ông Quế mong qua tiếng nói của cơ quan báo chí, các cơ quan chức năng sẽ sớm vào cuộc, di dời các điểm khai thác đá quá gần khu dân cư và nghĩa trang liệt sĩ đi nơi khác, bảo đảm môi trường và đời sống cho nhân dân.

Việc nổ mìn khai thác đá gây thiệt hại cho dân và nghĩa trang liệt sĩ đã quá rõ ràng; các cơ quan chức năng địa phương và lãnh đạo xã, thôn, người dân đều thống nhất phản ánh, kiến nghị cần khắc phục, giải quyết việc này. Thế nhưng khi chúng tôi tìm gặp ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Hải, để lấy thông tin hai chiều thì ông Dũng cho rằng không hề có chuyện đó, mà là do “kẻ xấu bịa chuyện”, doanh nghiệp của ông làm đúng quy định đã được cấp phép… Chúng tôi đưa ra các bằng chứng về ảnh hưởng từ mỏ đá do Công ty TNHH Ngọc Hải khai thác, nhưng ông Dũng vòng vo, không thừa nhận.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng của huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh cần vào cuộc quyết liệt để giải quyết dứt điểm việc khai thác đá gây thiệt hại nêu trên.

Bài và ảnh: LÊ ANH TẦN / QĐND

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP