Di tích - Thắng cảnh

Can Lộc: Chuyện chưa kể ở Đồi Con Công

Miếu thờ 23 liệt sỹ ở đồi Con Công xã Phú Lộc

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, đường 15A thuộc hệ thống vận tải chiến lược Đông Trường Sơn đã trở thành con đường quyết thắng của lực lượng TNXP Hà Tĩnh. Mỗi vùng đất, mỗi cung đường nơi đây đến gắn với những kỳ tích anh hùng, và có cả những câu chuyện bi tráng của TNXP Hà Tĩnh… Một sự kiện mà có lẽ ít người biết đến, xẩy ra vào trung tuần tháng 11/1972 trên cung đường lửa này .. Sự kiện được coi là đêm đau thương của thanh niên xung phong, của quân và dân Hà Tĩnh.

Miếu thờ 23 liệt sỹ ở đồi Con Công xã Phú Lộc

Một tháng vài ba lần, vợ chồng ông NguyễnVăn Dư, bà Trần Thị Nhỏ ở thị  xã Hồng Lĩnh lại lặn lội hàng chục cây số lên đồi Con Công, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, Một ngọn đồi nhỏ như bao ngọn đồi có tên và không tên khác trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Nhưng với ông bà, ngọn đồi Con Công lại gắn liền với những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ – nơi những đồng chí, đồng đội của ông bà đã ngã xuống, máu xương vẫn còn nằm đất này, và cũng nơi đây ông bà – hai người TNXP đã quen nhau, để rồi sau ngày chiến tranh kết thúc, họ nên vợ nên chồng.
Cuối năm 1968, tuyến  vận tải 15A bị máy bay Mỹ đánh phá ngày càng ác liệt, lãnh đạo Hà Tĩnh quyết định mở một con đường mới từ phà Linh Cảm – Đức Thọ nối với đường 15A, cách trọng điểm Ngã Ba Đồng Lộc gần 10Km, gọi là đường 70. ông Nguyễn Văn Dư, bà Trần Thị Nhỏ có mặt trong Đại đội thanh niên xung phong 555, thuộc Tổng đội TNXP N55P18, đảm bảo giao thông trên tuyến đường chiến lược này.
Đại đội đóng quân ở Đồi Con Công trên địa bàn xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, bấy giờ là một vùng cây cối rậm rạp, thuận tiện cho trú ẩn và cơ động, chi viện cho các trọng điểm trên tuyến như: Công trình thủy lợi Vực Trống, Cống 19… Ngày nghỉ, đêm ra đường làm nhiệm vụ, đó là quy luật sống và làm việc của TNXP trên tuyến lửa Hà Tĩnh những ngày chống Mỹ….Chiều Ngày 13/11/1972- một buổi chiều như bao buổi chiều khác bên cung đường lửa….Giây phút bình yên hiếm hoi giữa những trận bom….Bữa cơm chiều vội vã ….. Những giây phút bên nhau ….Bức thư gửi nhà viết vội dưới ngọn đèn dầu trong căn hầm trú ẩn…
Giữa mảnh đất được mệnh danh là  “ Chảo lửa, túi bom” này –  những giây phút cuối cùng vì loạt bom B52 rải thảm của máy bay Mỹ đã trúng ngay vào đội hình đóng quân của đơn vị, lán trại phút chốc chìm trong khói lửa và  những  căn hầm trú ẩn phút chốc biến thành hố bom…Khi trận bom kết thúc, 23 thanh niên xung phong, 9 nam và 14 nữ hy sinh, hàng chục người khác bị thương nặng. Các chị, các anh tuổi đời còn rất trẻ, chưa một ai có vợ – có chồng. Tuổi xuân gắn bó với tuyến đường, và giờ họ đã vĩnh viễn nằm lại cùng đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Đêm 13/11/1972  trở thành sự kiện đau thương của lực lượng thanh niên xung phong, của quân và dân Hà Tĩnh.
Cây cối trên dãy Trường Sơn này cũng có được sức sống mãnh liệt như những cô gái, chàng trai  của một thời đạn bom khốc liệt ấy. Đồi Con Công giờ đây đã đổi thay nhiều. Nhưng ông Dư, bà Nhỏ vẫn nhớ như in từng địa điểm của mỗi hố bom, lán trại mà 41 năm về trước, họ đã từng phút, từng giây cận kề cái chết, đã cùng chứng kiến cảnh 23 đồng đội ngã xuống, máu nhuộm đỏ ngọn đồi.


Đồi Con Công 

Sau khi trận bom Mỹ ném xuống trận địa, xác định số lượng thanh niên xung phong hy sinh rất lớn. Lãnh đạo tổng đội TNXP N55 Hà Tĩnh  đã quyết định di chuyển  tất cả những người còn lại của đại đội thanh niên xung phong 555 khỏi vị trí, Đại đội phó Nguyễn Văn Dư, y tá Trần Thị Nhỏ được giao nhiệm vụ ở lại để phối hợp với  lực lượng chi viện của các đơn vị bạn, tìm kiếm, an táng những người đã hy sinh, cấp cứu những người bị thương….Là người nắm sơ đồ đóng quân của đơn vị nên chính ông Dư đã tự tay đào bới từng căn hầm, tìm kiếm và nhận diện tên tuổi những người đã hy sinh để khâm liệm, mai táng. Đó cũng là những giây phút đau thương nhất của người thanh niên xung phong vốn dĩ đã dạn dày lửa đạn này ….. Một trận bom đi qua, 23 người ngã xuống, Câu chuyện của ông Dư, bà Nhỏ đẫm nước mắt khi nhắc đến những người đồng đội đã ngã xuống trong đêm 13/11/1972 ấy…Có căn hầm, 8 chàng trai đang quây quần bên nhau, không một người sống sót, nhiều người thân thể chẳng còn nguyên vẹn… và có người – máu xương đã hòa cùng lòng đất, chỉ còn sót lại một nhúm tóc thề, đồng đội đặt trước bát hương truy điệu.
Đồi Công nức nở tiễn các chị, các anh yên nghỉ. Giờ đây mỗi tấc đất, mỗi lùm cây, khe suối ngọn đồi đều đã trộn lẫn một phần máu thịt của 23 liệt sỹ.
Bom lửa đi qua, đau thương còn lại, trận bom ném xuống ngọn đồi chưa đầy 1Km2 này trong đêm 13/11/1972  đã trở thành sự kiện  mất mát lớn nhất của lực lượng TNXP Hà Tĩnh,  những người của một thời như trong thơ của Tố Hữu đã viết :
Trường Sơn xẻ dọc, rọc ngang
 Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng
Trường Sơn, vượt núi, băng sông
Xe đi trăm ngả, chiến công bốn mùa.
Trường Sơn, đông nắng, tây mưa
Ai chưa  đến đó, như chưa rõ mình…
   “Nằm lại nơi này, các bạn ơi…đừng trách
   Chúng tôi  phải lên đường cho chiến thắng ngày mai..”
Có một người đồng đội của các chị các anh đã viết như thế trong cuốn hồi kí của mình ….Sau những mất mát, hy sinh đêm 13/11 ấy, ông Dư, bà Nhỏ và  những thanh niên xung phong đại đội 555 lại phải nén đau thương, tiếp tục tháng ngày đội bom, vượt lửa, thông suốt tuyến đường cho xe ra tiền tuyến…
Cùng nhau đi suốt những ngày bom lửa, chia sẻ nỗi đau khi đồng đội hy sinh, sau ngày chiến tranh kết thúc, Ông Dư và bà Nhỏ đã nên vợ, nên chồng…Và rồi cũng từ đó, họ bắt tay vào thực hiện nguyện vọng vẫn luôn đau đáu của mình: Xây dựng một ngôi nhà thờ chung đồng đội trên  ngọn đồi họ đã hy sinh. Công sức, tâm huyết của ông Dư, bà Nhỏ buổi đầu lên đây phá đá, mở đường vào đồi Con Công giờ đã thành hiện thực, được sự chung tay giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và các doanh nghiệp, một ngôi miếu thờ khang trang với tổng kinh phí đầu tư trên 1,2 tỷ đồng đã được xây dựng và hoàn thành đúng ngày 13/11/2011…
Giờ đây những người cựu TNXP đại đội 555 ngày ấy, khi về lại chiến trường xưa, có nơi thắp nén tâm hương tưởng nhớ những người đã khuất…Khi ngôi miếu hoàn thành, đã có một cựu TNXP tình nguyện lên ở để sớm hôm hương khói, chăm sóc nơi thờ phụng những đồng chí, đồng đội của mình….Và  những người còn lại hôm nay vẫn luôn nhớ về đồng đội của mình, thường xuyên đến chăm nom, phụng dưỡng bố mẹ, người thân của những người đã khuất….
Hàng năm cứ đến ngày 13/11 những người cựu thanh niên xung phong đại đội 555 ngày nào lại về đồi Con Công làm giỗ chung cho 23 liệt sỹ.
Một ngày với những đồng đội của mình đang nằm lại nơi đây, Ông Dư, Bà Nhỏ dường như thấy lòng mình thanh thản, nhẹ nhàng hơn, những toan lo của cuộc sống đời thường dường như vơi bớt…Chiều muộn, Ông bà lại lên đường trở về tổ ấm của mình …
Trên đồi Con Công, hoa sim đang mùa nở rộ và khói hương vẫn vấn vít cùng gió núi mây ngàn….
Lần sau trở lại, ông Dư, bà Nhỏ dự định sẽ đưa đứa cháu nhỏ của mình cùng lên, kể cho nó câu chuyện ở đồi Con Công gần 42 năm về trước….

                                                      Việt Thắng – Đình Huấn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP