|
Sân vận động Hà Tĩnh nằm trong khuôn viên khu liên hợp thể thao của trung tâm TDTT Hà Tĩnh, được khởi công xây dựng và hoàn thành vào khoảng những năm đầu thập kỉ 90 với sức chứa hơn 15.000 khán giả.
Từ năm 2003 đến 2011, khi CLB Hà Tĩnh thi đấu tại giải hạng Nhì Quốc gia thì SVĐ đã được dùng làm sân nhà của đội bóng. Trước đó, trên sân vận động này, đội tuyển U18 Hà Tĩnh đã xuất sắc giành chức vô địch lịch sử sau khi đánh bại người anh em U18 SLNA tại VCK giải bóng đá U18 toàn quốc năm 2000.
Vào thời điểm ấy, do sức chứa không thể đáp ứng đủ lượng khán giả tới sân cổ vũ nên có những trận đấu nhiều người đã phải dùng cách vượt tường hoặc trèo lên những ngôi nhà cao xung quanh để tận mắt chứng kiến đội bóng quê hương thi đấu.
Thế nhưng, vào cuối năm 2011, khi tập đoàn Xuân Thành chấm dứt đầu tư vào bóng đá tỉnh nhà thì đội bóng Hà Tĩnh cũng chính thức giải thể, để lại sự tiếc nuối của người hâm mộ và không khí vắng lặng, u buồn trên sân bóng một thời từng chật kín khán giả.
Cỏ dại mọc tràn lan ở khán đài sân Hà Tĩnh. |
Trong nhiều năm qua, SVĐ này chủ yếu là nơi tập luyện của đội tuyển điền kinh và đội bóng U19 Hà Tĩnh hiện tại. Bên cạnh đó, đây là địa điểm để tổ chức hội khỏe Phù Đổng tỉnh và một vài hoạt động thể thao khác.
Sau thành tích vô địch U18 Quốc gia, năm 2000, SVĐ đã được đầu tư cải tạo lại mặt cỏ và một số hạng mục. Song, gần 20 năm chưa được trùng tu, bảo dưỡng, đến nay cơ sở vật chất tại sân bóng này đã xuống cấp trầm trọng. Xung quanh sân rác thải vứt bừa bãi, cây bụi mọc um tùm, còn trên khán đài thì mốc meo nào là rêu, cỏ dại.
Vẻ cũ kỹ, tồi tàn của sân Hà Tĩnh. |
Cổng vào sân vận động cũng đã han gỉ, mái che ở khu vực khán đài A loang lổ bởi nhiều tấm lợp bị biến mất theo thời gian. Phòng chức năng từ lâu không còn được sử dụng và gần như bỏ hoang, trên đường Pitch chỉ là mảng bê tông với những vạch vôi tạm bợ.
Mặt cỏ mặc dù được các cầu thủ U19 Hà Tĩnh thường xuyên chăm sóc khá kỹ nhưng một số chỗ vẫn ghồ ghề, mấp mô. Ngoài ra, SVĐ Hà Tĩnh chưa có hệ thống giàn đèn để phục vụ các trận đấu diễn ra vào chiều muộn, chưa có hệ thống thoát nước, tiêu úng khi mưa lũ xảy ra.
Hệ thống tưới và thoát nước rất thô sơ ở sân Hà Tĩnh. |
Trước mắt, nếu muốn thành lập đội bóng chuyên nghiệp thì điều đầu tiên là phải có một sân bóng đạt tiêu chuẩn Quốc gia. Dẫu biết rằng, kinh phí để sửa sang lại sân vận động là con số không hề nhỏ, nhưng một khi đã quyết định làm bóng đá lâu dài thì việc nâng cấp sân bãi thực sự rất cần thiết.
Một đội bóng thi đấu ở giải đấu cấp cao thuộc hệ thống thi đấu của Liên đoàn bóng đá Việt Nam thật khó có thể chơi bóng trên sân vận động như thế này.
Sân Hà Tĩnh rất cần được tu sửa, nâng cấp. |
Người Hà Tĩnh luôn có trong mình tình yêu bóng đá cuồng nhiệt. Sau nhiều năm dài đằng đẵng chờ đợi thì bây giờ họ đã nhen nhóm lên niềm hi vọng về giấc mơ sống lại không khí bóng đá trên khán đài sân cỏ quê hương. Và, trong thời gian tới, nếu cải tạo được sân vận động thì khát vọng và giấc mơ đưa bóng đá Hà Tĩnh lên chuyên sẽ sớm trở thành hiện thực.
Hiện theo VPF, CLB Hà Nội B chưa thi đấu mùa nào ở giải hạng nhất nên về quy chế, không thể đổi chủ để chuyển vào Hà Tĩnh. Ít nhất, Hà Nội B cần thi đấu một mùa ở giải hạng nhất rồi mới tính chuyện đổi chủ, chuyển khẩu.
Dù vậy, vẫn cần Ban thư ký VFF đưa ra quyết định cuối cùng về mong muốn của bầu Hiển. Quyết định dự kiến sẽ có trong hôm nay, 30/3.
Tác giả: Văn Vũ
Nguồn tin: Báo Trí thức trẻ