Hương Sơn-Hà Tĩnh là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng khắp cả nước, trong số đó có nhung hươu sao và mật ong rừng.
Mật ong rừng Hương Sơn -Hà Tĩnh thường bắt đầu vào mùa từ tháng 3 và kết thúc vào tháng 8 dương lịch, trong khoảng thời gian này những thợ săn mật ong tập trung vào rừng khai thác.
Thợ săn mật ong ở đây cho biết, ong rừng thường làm tổ sâu trong rừng già, nơi con người ít đặt chân tới. Để vào được khu rừng có nhiều mật ong, anh em thợ săn ong rừng phải leo đèo vượt suối, trải qua nhiều nguy hiểm.
Để bắt đầu cho chuyến đi khai thác mật ong rừng Hương Sơn, thợ săn mật ong phải thức dậy từ rất sớm (5h sáng) để chuẩn bị túi nilon đựng mật ong, dây thừng, mài dao, gói sẵn cơm nước… Khi mọi thứ đã chuẩn bị đầy đủ cũng là lúc trời vừa sáng, anh em thợ săn ong khoác balo lên và bắt đầu cuộc hành trình khai thác mật ong rừng.
Từ bản làng, thợ săn ong phải đi xe honda gần 50km đường đèo dốc nguy hiểm mới tới cửa rừng già. Khi đến được cửa rừng già thì phải leo bộ vượt qua những ngọn đồi trơn trượt, những tảng đá cao chót vót mới tới được khe suối nơi con ong rừng xuống lấy nước mang về tổ.
Để nhanh chóng tìm được tổ ong thì thợ săn ong phải ngồi cạnh bờ suối theo dõi ong xuống lấy nước. Khi ong rừng bay từng đàn xuống suối lấy nước mang về tổ, thợ săn đứng ở suối là có thể thấy được hướng bay của chúng, nhờ đó xác định được vị trí chúng làm tổ. Thợ săn mật ong rừng cho hay: “Ong rừng rất khôn, khi lấy nước xong chúng không bay về tổ ngay mà sẽ lượn vài vòng trên không trung để đánh lạc hướng, vì thế đòi hỏi người nhìn phải nhanh mắt và có kinh nghiệm”.
Khi đã xác định được hướng bay về tổ của con ong, nhóm thợ săn ong di chuyển về hướng đó và tìm kiếm tổ ong. Sau 2 giờ miệt mài tìm kiếm, anh em thợ săn mật ong cũng tìm thấy được 3 tổ ong to trên một cây cổ thụ.
Tìm thấy được tổ ong, nhóm thợ săn ong nghỉ ngơi, ăn uống để lấy sức leo lên cây lấy mật ong rừng.
Nghỉ ngơi một lúc, mọi người bắt tay vào việc ngay, người đi chặt cây để làm thang trèo lên cây, người đi chuẩn bị bó đuốc để xua đuổi ong rời khỏi tổ, người chuẩn bị túi nilon để đựng mật…
Dụng cụ để lấy mật ong rất đơn giản, chỉ cần 1 tấm nilon thật to bỏ vào balo, 1 bó đuốc, bật lửa và 1 con dao. Để không xảy ra cháy rừng và tạo được nhiều khói, anh em thợ săn ở đây đã phát minh ra cách tạo khói có một không hai. Họ dùng củi khô nhỏ để bên trong rồi lấy lá tươi bọc bên ngoài. Khi đốt sẽ tạo khói nhiều mà không gây cháy.
Sau 30 phút, mọi thứ đã chuẩn bị xong hết, bây giờ tới giai đoạn quan trọng và nguy hiểm là leo lên cây lấy mật ong rừng. Anh Tâm – người lấy ong rừng giàu kinh nghiệm nhất trong nhóm được phân công leo lên cây lấy mật, anh Tâm vừa mang balo vừa cầm bó đuốc leo lên cây. Vì tổ ong vừa cao chót vót, vừa ở xa ngoài cành cây nên rất khó khăn để anh Tâm tiếp cận được tổ ong.
Anh em thợ săn ong đứng dưới gốc cây theo dõi anh Tâm trườn theo nhánh cây để tiếp cận tổ ong mà không khỏi lo lắng, hồi hộp. Khi đã tiếp cận được tổ ong, 1 tay anh Tâm bám cành cây, 1 tay cầm đuốc hun khói xua ong ra khỏi tổ, khi ong đã bay hết khỏi tổ, anh Tâm lấy nilon buộc túm tổ ong và dùng dao cắt tổ ong, cắt xong tổ ong, anh buộc chặt bọng mật bỏ vào balo rồi leo xuống. Nghề săn mật ong ở nơi rừng sâu nước độc rất vất vả và nguy hiểm, chỉ khi nào mang được mật ong rừng về tới nhà thì lúc đó mới biết là mình bình an, nhiều lúc nghĩ lại mà rùng rợn cả người nhưng vì miếng cơm manh áo nên cũng phải mưu sinh”, anh Tâm chia sẻ.
Anh Tâm nói thêm “vất và và nguy hiểm đến mấy chúng tôi cũng chịu, chỉ mong sau khi khai thác được mật ong từ rừng về là có người mua ngay để có tiền trang trải cuộc sống. Có được nguồn tiêu thụ ổn định thì bao nhiêu khổ cực coi như tan biến hết.
Anh Nguyễn Trung Úy (26 tuổi) người trực tiếp theo chân thợ săn ong vào rừng để ghi lại toàn bộ quá trình khai thác mật ong bằng video và hình ảnh cho biết: “Đây vừa là những tư liệu quý, vừa là những đoạn phim khám phá về thiên nhiên, về những cánh rừng già ở quê hương Hà Tĩnh.”
Úy cho biết, khi khai thác chúng tôi không bao giờ lấy hết một tổ ong mà chỉ cắt lấy một phần. Phần còn lại, ong sẽ tiếp tục xây tổ, cho mật. “Nếu mình lấy đến hết tổ ong, ong giận sẽ bỏ đi hết”, Úy cười đùa vui vẻ.
Anh Nguyễn Trung Úy, người trực tiếp đưa mật ong rừng Hương Sơn vào thành phố bán cho người tiêu dùng cho biết thêm, “quê tôi rất nghèo khổ bởi đất đai ít mà lại khô cằn, thường xuyên phải gánh chịu thiên tai lũ lụt nên đời sống của bà con lại thêm bội phần khó khăn. Dân làng quê tôi ngoài chăn nuôi trồng trọt thì phải bám vào rừng để sống, khi hết mùa vụ thì bà con lại vào rừng tìm kiếm thảo dược và mật ong rừng để kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống. Thế nhưng, vì là huyện miền núi ít có người qua lại nên khi khai thác được mật ong rừng cũng rất khó bán. Đây là động lực lớn nhất thúc đẩy tôi xây dựng thương hiệu tại thành phố để giúp bà con có nguồn tiêu thụ ổn định”.
Lấy xong những tổ ong này, nhóm thợ săn tiếp tục tìm kiếm và lấy thêm được 2 tổ ong rừng nữa.
Ong ở núi rừng Hương Sơn-Hà Tĩnh thì còn nhiều lắm nhưng trời cũng đã bắt đầu tối, nhóm thợ săn mỗi người mỗi balo mang mật ong về lán, kết thúc một ngày lấy mật ong rừng vất vả và nguy hiểm.
Lán trại của những thợ săn ong dựng tạm bợ bên bờ suối, họ ăn ở đây suốt nhiều ngày để tìm kiếm và khai thác mật ong rừng.
Khi đi khai thác mật ong rừng nhiều ngày trong rừng già, anh em thợ săn ong rừng chỉ mang theo mỗi gạo và gia vị mà thôi, còn thức ăn thì vào rừng tự kiếm. Anh em thợ săn ong thường bắt cá suối và hái rau rừng ăn.
Mật sau khi khai thác từ rừng sẽ được vắt bằng tay rồi rót vào chai thủy tinh và bán trực tiếp người tiêu dùng mà không qua bất cứ khâu xử lý nào.
Chia sẻ thêm về bí quyết kinh doanh, Úy cho biết, để kinh doanh tốt đặc sản quê hương và giữ chân được khách hàng ngoài việc đảm bảo sản phẩm đúng chất lượng, kiểm tra kỹ trước khi giao cho khách còn phải giao hàng nhanh, đúng hẹn và phải tư vấn nhiệt tình mỗi khi khách hàng có thắc mắc.
Về đặc điểm nhận biết mật ong rừng, Úy cho biết “Sau thời gian dài nghiên cứu về mật ong rừng, tôi nhận ra các đặc điểm của nó như tạo khí gas, bọt khi cho vào chai kín. Khi mở một chai mật ong rừng thậm chí còn nghe được tiếng xì và bọt trào ra khỏi miệng chai. Đặc biệt, mật ong rừng có mùi thơm của phấn hoa rừng, một mùi thơm vô cùng đặc trưng”, Úy nói.
Hải Đăng