Tại buổi họp báo, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trưởng đoàn kiểm tra liên ngành (Thanh tra bộ, Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) và Chi cục Thú y TP HCM), cho biết trước khi đoàn ập vào kiểm tra đêm 28, rạng sáng 29-9 đã có trinh sát tại đây khoảng 1 tháng.
Tại thời điểm kiểm tra, đã bắt quả tang 2 nhân viên đang tiêm thuốc an thần cho heo, gây ức chế thần kinh để heo ngủ. Ngoài cách tiêm thuốc trực tiếp, còn có dạng tiêm tự động theo kiểu truyền dịch, điều này giải thích vì sao có số lượng lớn heo bị nhiễm thuốc an thần. Đoàn đã lấy 4 mẫu thuốc và khoảng 140 mẫu nước tiểu đại diện cho lô heo để xét nghiệm chất acepromazine (chất an thần).
Kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu thuốc an thần tại hiện trường có hàm lượng chất acepromazine từ 0,47-0,51mg/ml, rất đậm đặc và sự có mặt của acepromazine trên nước tiểu của heo. Số lượng heo được xác định nhiễm thuốc an thần là 3.750 con.
Các kết quả xét nghiệm đã được công bố với 13 chủ hàng, họ đã thừa nhận hành vi vi phạm và cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm hành chính. Có 11 chủ hàng bị phạt 32,5 triệu đồng (mức bình quân) do thành khẩn khai báo và 2 trường hợp bị phạt kịch khung là 35 triệu đồng do không thừa nhận hành vi từ đầu. Tổng cộng mức phạt dành cho 13 chủ hàng là 427,5 triệu đồng.
Ông Phạm Tiến Dũng thông báo kết quả vụ việc tại cuộc họp |
Về biện pháp xử lý đối với lô heo, ông Dũng cho biết sẽ lấy mẫu xét nghiệm lại trong chiều 30-9, nếu âm tính sẽ cho giết mổ, dương tính sẽ lưu giữ tiếp. Ông Dũng cũng thông tin, trong quá trình lưu giữ hơn 4.000 con heo, một số heo đã bị chết, một số con đang lừ đừ. Những con heo chết sẽ buộc phải tiêu hủy.
Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM, cho biết toàn bộ cán bộ thú y có trách nhiệm tại lò mổ Xuyên Á đều phải viết giải trình liên quan đến vụ việc, kể cả lãnh đạo Trạm Thú y huyện Củ Chi. Quá trình trinh sát của lực lượng kiểm tra không chỉ ghi nhận vi phạm của thương lái mà còn hành vi của cán bộ thú y. Nếu phát hiện cán bộ thú y có nhận tiền để bao che cho việc tiêm thuốc an thần sẽ xử lý theo quy định và công bố thông tin đến báo đài.
Ông Phát nêu rõ đến thời điểm này, TP HCM là đơn vị đầu tiên trong cả nước xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến thuốc an thần tiêm cho heo trước khi giết mổ từ năm 2016 đến nay. Trước đây các đối tượng tiêm thuốc trên đường vận chuyển, khi đến lò giết mổ thú y sẽ phát hiện qua dấu hiệu của con heo. Nay các đối tượng chuyển qua tiêm thuốc an thần tại khu lưu giữ heo trong lúc cán bộ tập trung ở cổng để kiểm tra heo nhập về cơ sở.
Cũng theo ông Phát, trước đây, thuốc dùng để tiêm chủ yếu là thuốc nội, thời gian cách ly dài, từ 5-7 ngày nên nếu bị bắt giữ thường bị hao hụt lớn nên thương lái chuyển sang dùng thuốc mới của Bỉ, thời gian cách ly thuốc chỉ 24 giờ.
Ông Phạm Tiến Dũng dẫn các tài liệu khoa học từ chuyên môn cho biết người ăn thịt heo còn tồn dư thuốc an thần có thể dẫn đến việc: gia tăng nguy cơ mắc bệnh về tiêu hóa, bệnh về thận, thần kinh, đãng trí, trầm uất,… nhưng với hàm lượng lớn. |
Tác giả: NGỌC ÁNH
Nguồn tin: Báo Người lao động