Trong nước

Cán bộ công chức vẫn đi nước ngoài như… đi chợ

 

Theo dự thảo điều hành kinh tế xã hội năm 2014, Chính phủ nhấn mạnh sẽ tiếp tục rà soát và cắt giảm hơn nữa chi tiêu công, trong đó có chi phí công tác nước ngoài của cán bộ. 

Cán bộ công chức vẫn đi nước ngoài như... đi chợ - Ảnh 1

Ảnh minh họa.

Mỗi ngày có hơn 8 đoàn đi công tác nước ngoài

Báo cáo trước Chính phủ và các địa phương tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, năm 2012 có 3.780 đoàn cán bộ đi công tác nước ngoài và năm 2013 dù có giảm nhưng vẫn tới hơn 3.200 đoàn xuất ngoại. Như vậy, ước tính mỗi ngày có hơn 8 đoàn đi công tác nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước.

Theo ông Minh, một số đoàn đi không hiệu quả và bị trùng lặp nội dung tham quan. Số đoàn này chủ yếu đi với tư cách nghiên cứu. Nhiều nước bạn phản hồi, có vấn đề vừa trả lời đoàn này, một thời gian ngắn sau lại có đoàn khác sang hỏi câu tương tự. Điều này gây nên sự lãng phí tiền của đất nước.

Nghe báo cáo từ Bộ trưởng Phạm Bình Minh, Thủ tướng nói: “Tôi thấy đi nước ngoài nhiều quá, nghe báo cáo thấy có đoàn Việt Nam đến người ta sợ. Rồi tham quan, giao lưu, tiếp khách, chi phí vẫn quá lớn. Tôi đề nghị các bộ, ngành địa phương hết sức chú ý”. Thủ tướng cũng chỉ đạo bộ Ngoại giao rà soát lại và có đề xuất kiểm soát số lượng người đi nước ngoài.

Không chỉ lãng phí từ việc cử cán bộ đi công tác như trên, nhiều địa phương cũng nhắc tới chuyện “vi hành” trong nước của một số bộ, ngành nhân buổi đối thoại với Chính phủ. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh chia sẻ, có ngày tỉnh tiếp tới 70 đoàn công tác. Có đoàn vào tới 3 tuần hoặc hơn một tháng. “Chi phí ăn ở đi lại quá tốn kém, gây lãng phí”, ông nói. Do đó, vị lãnh đạo tỉnh An Giang đề nghị cần thống nhất việc tổ chức đoàn công tác tránh trùng lặp.

Nhận định về thực trạng, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, Việt Nam ban hành một bộ luật để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng chi tiêu vẫn còn rất lãng phí. Việc cử cán bộ đi nước ngoài quá nhiều gây lãng phí ngân sách.

Đi nước ngoài không phải để… “du ngoạn”

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho rằng: Đây là câu chuyện không mới. Con số trên cho thấy những tổng kết cụ thể về hoạt động đi công tác của các đoàn cán bộ Việt Nam. Đó là một cách nhìn, song theo tôi, điều quan trọng cần nhìn nhận đó là hiệu quả sau mỗi chuyến đi. Nếu đi nước ngoài tiêu mất một tỷ nhưng lại đưa về cho quốc gia, dân tộc được gấp đôi, gấp ba hay gấp nhiều lần số đó thì đáng để đầu tư. Còn nếu đi về  mà không học hỏi được điều gì, không đem lại cho đất nước được kinh nghiệm tiến bộ thì cần phải xem xét lại. “Ở các nước bạn, có rất nhiều kinh nghiệm tiên tiến mà chúng ta nên học hỏi. Sau mỗi chuyến đi, các đoàn cán bộ học hỏi được những kinh nghiệm gì về giao thông, y tế, giáo dục… được áp dụng vào thực tiễn và những tồn tại có thay đổi không, hay lại biến nước ta thành nơi chứa phế liệu với những ụ nổi bỏ đi, những tấn rác thải công nghệ không ai dùng?”, ông Chức trăn trở.

Dẫn ra một thực tế, cựu ĐBQH này phân tích: “Đợt cuối năm vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo, những chuyến đi nào không thực sự cần thiết thì nên dừng lại. Có lẽ Thủ tướng đã nhìn thấy những bất cấp trong các chuyến công tác ồ ạt trên. Tôi rất ấn tượng với lời phát biểu của một vị Thứ trưởng bộ Nội vụ khi cho rằng, công chức mà hành dân thì một người cũng là thừa. Chuyện công tác nước ngoài cũng tương tự. Nếu đi chuyến công tác nước ngoài không học hỏi được gì, chỉ là những chuyến du ngoạn thì một người đi thôi cũng là thừa và lãng phí tiền của của nhân dân. Chúng ta cần phải có những tổng kết, nghiệm thu về hiệu quả của các chuyến công tác. Những chuyến giao lưu, tham quan học hỏi được mô hình gì, có ký kết được hợp đồng nào hay quảng bá được hình ảnh đất nước hay không”.

Ông Nguyễn Viết Chức cũng cho rằng, cần tận dụng sự phát triển của thời đại thông tin để hạn chế các chuyến công tác nước ngoài không cần thiết. Thông tin có rất nhiều và ở khắp mọi nơi. Chỉ cần ở trong nước, chúng ta cũng có thể biết được thế mạnh của từng đất nước, vùng nào nuôi con gì, trồng cây gì hay kinh tế vững mạnh ra sao. Chúng ta chỉ cần tổ chức một chuyến đi kiểm chứng để sau đó đầu tư hợp tác chứ không nên xảy ra tình trạng một đoàn đã đi rồi, đoàn kia tiếp tục đi lại, cùng khảo sát về một vấn đề. Đi công tác nước ngoài là mang cả thể diện của quốc gia, không để những chuyến đi không đáng có làm ảnh hưởng đến hình ảnh dân tộc.

“Năm qua là một năm còn nhiều khó khăn về kinh tế. Nguồn thu ngân sách Nhà nước đang bị sụt giảm. Các vị lãnh đạo Nhà nước đang vô cùng trăn trở để tìm cách giải quyết khó khăn. Vậy nên, mỗi cơ quan, mỗi đoàn thể cần phải tiết kiệm trong từng hoạt động, từng chuyến đi. Hãy coi đó là nhiệm vụ của mình chứ không của riêng ai”, vị này nhấn mạnh.

Cần xây dựng đối tượng cụ thể tránh lãng phí ngân sách

Ông Văn Tất Thu, Thứ trưởng bộ Nội Vụ nêu quan điểm: “Quan điểm của tôi, việc cử các cá nhân, đoàn thể đi nước ngoài phục vụ mục đích nghiên cứu, học tập kinh nghiệm là chủ yếu còn đi để “giải quyết chính sách” thì có thể lựa chọn phương thức khác. Cán bộ được cử đi nước ngoài nghiên cứu học tập phải gắn với công việc, mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu. Điều quan trọng, kết quả nghiên cứu để làm cái gì, phục vụ như thế nào vào thực tiễn ở Việt Nam hay chỉ… thu thập thông tin?! Đối tượng được cử đi nước ngoài là cán bộ lãnh đạo, các chuyên gia, nhà quản lý hay nhà khoa học? Hiện nay chúng ta chưa có tiêu chí cụ thể. Để tránh lãng phí ngân sách Nhà nước thì phải có đối tượng rõ ràng.

Theo tôi, đối tượng đi nghiên cứu phải là những người nghiên cứu chuyên môn, am hiểu lĩnh vực nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học (đối tượng là nhà quản lý ít thôi – PV); những người đủ năng lực, trình độ tiếp cận để vận dụng vào thực tiễn Việt Nam. Người đi học tập ở nước ngoài phải thông thạo ngoại ngữ, vì qua phiên dịch rất lãng phí. Đi học tập ở nước ngoài phải thiết thực, hiệu qủa chứ không thể “cưỡi ngựa xem hoa””.

Thực tế hiện nay đang tồn tại thực trạng đi nước ngoài với mục đích tham quan, giao lưu, tiếp khách, chi phí vẫn quá lớn gây lãng phí cho ngân sách. “Trao đổi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài là cần thiết nhưng phải cụ thể từ đối tượng đến mục đích. Nếu không học tập, trao đổi kinh nghiệm sẽ không tiếp cận và theo kịp khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, việc cử cán bộ đi nước ngoài phải căn cứ vào nhu cầu, mục đích nghiên cứu của từng bộ ngành và phải xây dựng tiêu chí cụ thể. Cũng có ý kiến cho rằng không cần thiết đi học tập ở nước ngoài, tôi không đồng tình với quan điểm này. Kinh nghiệm như một đốt tay, học tập trao đổi kinh nghiệm như một sải tay”, ông Thu nói.

Đừng để xấu hổ khi đi công tác nước ngoài

Trước phản hồi của nước bạn rằng, có vấn đề vừa trả lời đoàn Việt Nam này, thời gian ngắn sau lại có đoàn khác sang hỏi câu tương tự, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu phải chấn chỉnh ngay để tránh lãng phí ngân sách và xấu hổ cho quốc gia.


Hạnh Lan

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP