Trong nước

Cấm quay phim, ghi âm trong cuộc họp: Lo sự thật bị bóp méo trên mạng xã hội!

Ngày 12.4, ông Viêm Hồng Tiến – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai – cho biết: “Tôi đã đọc công văn 929/UBND –NC của UBND huyện Thống Nhất và về mặt quy phạm pháp luật không có gì sai”. Theo ông Tiến, văn bản của UBND huyện Thống Nhất chỉ là nhắc nhở định hướng chung.

Văn bản của UBND H.Thống Nhất.

Cụ thể, ông Tiến nói: “Trong văn bản không cấm, cấm phải có căn cứ, nếu không thực hiện phải có chế tài. Ngoài ra, về mặt văn bản quy phạm pháp luật, văn bản trên cũng không có gì sai, đây là công văn nhắc nhở định hướng trong nội bộ cán bộ công chức của huyện. Công văn nói rõ không sử dụng các thông tin chưa chính thống có tính chất xuyên tạc, lắp ghép. Đây là văn bản của huyện Thống Nhất nhằm nhắc nhở định hướng chung”.

Trong khi đó, ông Hoàng Như Vĩnh – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai – đặt câu hỏi: “Nếu không cho thì khác gì cấm?”. Luật sư Vĩnh nêu quan điểm về việc thẩm quyền để ra văn bản cấm. Theo đó, chỉ có chủ tịch UBND tỉnh, Bộ Công an, Bộ quốc phòng mới có đủ thẩm quyền, còn Chủ tịch UBND cấp huyện thì chưa đủ thẩm quyền, theo QĐ 160/2004 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, ông Vĩnh cho biết: “Thẩm quyền xác định danh mục và khu vực cấm chỉ có Chủ tịch tỉnh mới có thẩm quyền xác định nơi nào cấm, Chủ tịch huyện thì không. Còn các Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thì sẽ ra danh mục ở chỗ nào cấm, theo QĐ 160/2004 của Thủ tướng Chính phủ”.

Trước đó, ngày 3.4, UBND huyện Thống Nhất đã ra công văn số 929/UBND – NC, gửi đến thủ trưởng các phòng, ban huyện, Chủ tịch UBND các xã, yêu cầu quán triệt đến toàn thể các cán bộ, công chức, nhân viên không được tự ý quay phim, chụp ảnh, ghi âm nội dung các cuộc họp, hội nghị do UBND huyện, các cơ quan, đơn vị tổ chức, để đăng trên mạng xã hội, khi chưa có sự kiểm duyệt, chấp thuận của đơn vị có thẩm quyền (trừ các đơn vị và cá nhân có chức năng được Ban Tổ chức Hội nghị, cuộc họp đồng ý cho tác nghiệp).

Theo nội dung công văn của UBND huyện Thống Nhất, việc sử dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber…) trở nên phổ biến, với ưu điểm là thông tin được lan truyền nhanh. Tuy nhiên, các thông tin trên trạng mạng xã hội là các thông tin chưa được kiểm duyệt, có thông tin chưa đúng sự thật hoặc bóp méo sự thật (lấy hình ảnh này để minh họa cho bài viết khác …). Các đối tượng xấu sẽ lấy những hình ảnh này trên mạng để cắt ghép, dàn dựng các video, hình ảnh không đúng sự thật, làm sai lệch nhận thức của nhân dân về Đảng, chính quyền và tình hình kinh tế xã hội – quốc phòng an ninh của địa phương, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện.

HÀ ANH CHIẾN/Theo báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP