Đặc Sản Hà Tĩnh

Cam Cẩm Yên sẳn sàng đón tết

Dẫu không nổi tiếng như cam Xã Đoài, Khe Mây và số lượng cũng không nhiều, nhưng thương hiệu cam Cẩm Yên (Cẩm Xuyên) từ lâu đã được ghi dấu trong lòng người tiêu dùng trên địa bàn toàn tỉnh bằng chất lượng, hương vị và màu sắc.

Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Yên Trần Trung Phong chia sẻ: “Đã từ lâu, cây cam gắn bó với người dân trên vùng đất Cẩm Yên. Cách lựa chọn cây giống, kỹ thuật chiết ghép cành, chăm sóc cùng với chất đất thịt màu mỡ đã làm nên mùi vị thơm ngọt đậm đà khác biệt của cam Cẩm Yên”. Thời kỳ đỉnh cao có lẽ là vào khoảng những năm 2005-2006, khi trong vườn nhà hầu hết người dân nơi đây đều có sự hiện diện của cây cam. Thế nhưng, sự hạn chế về các kiến thức KHKT, sâu bệnh, phần khác do ngập úng nên cây cam không thể phát huy hiệu quả như mong muốn.

Cam Cẩm Yên đón tết
Ước tính, vườn cam của ông Hoàng Văn Mai sẽ cho nguồn thu gần 200 triệu đồng trong dịp tết năm nay.

Để bảo vệ giống cây đặc sản của quê hương, đồng thời phát triển cây cam theo hướng sản xuất hàng hóa, thời gian qua, xã đã thành lập HTX trồng cam sạch tại thôn Yên Thành. Ngoài ra, xã còn động viên người dân cải tạo đồng ruộng, vì thế, đất ở những vùng trồng lúa cao cạn đã được đưa về tôn tạo cho các vườn cam nhằm hạn chế tình trạng ngập úng trong mùa mưa bão. Cùng với việc quy hoạch riêng vùng đất rộng 20 ha dành cho bà con trồng cam, xã còn ban hành Quyết định 42 về việc hỗ trợ 5 triệu đồng cho mỗi hộ nếu trồng mới 50 gốc cam trở lên.

Sự quan tâm của chính quyền địa phương cùng với ước mơ để cây cam có thể chiếm lĩnh thị trường là động lực làm sống dậy những vườn cam ở thôn Yên Thành. Phó Chủ tịch UBND xã Trần Trung Phong cho biết thêm: “Toàn thôn có 139 hộ thì hầu hết đều trồng cam. Ngoài ra, còn một số vườn cam đẹp nằm rải rác ở 6 thôn còn lại. Và nói đến ông chủ của làng cam thì không quên nhắc tới ông Hoàng Văn Mai – Chủ nhiệm HTX cam Cẩm Yên.

Vườn cam của ông Mai nằm khuất trong một ngõ nhỏ của thôn với tổng số 140 gốc, chủ yếu là cam chanh. Đam mê trồng cam đã gần 20 năm nay và cũng sống bằng nghề này nên với ông, cây cam dường như đã là lẽ sống. Ông cho biết: “Ngoài học hỏi trên sách vở, các mô hình trong nước, tôi còn được tập huấn về kỹ thuật tại Nhật Bản nên đối với tôi, việc chăm sóc, phòng chống bệnh cho cam không còn là việc khó. Người ta thường nói, cây cam cho năng suất cao nhất từ năm thứ 4 trở đi và sau đó lụi tàn dần, nhưng vườn cam của tôi chủ yếu là những cây lưu niên, tuổi đời trên 10 năm, vậy mà, cây nào cây nấy đều chi chít quả. Tất cả là do cách chăm sóc, riêng năm nay, tôi còn mạnh dạn đưa thêm giống cam hồ lô của Nhật Bản về trồng thử nghiệm và cùng với bà con xã viên trong HTX trồng thêm hơn 200 gốc cam chanh ở bờ bao khu nuôi trồng thủy sản của xã”.

Được biết, năm 2012, do mất mùa nên vườn cam của ông chỉ thu được 140 triệu đồng. Vụ này, cam cho quả to và sai hơn, màu sắc đẹp, chất lượng cũng nổi trội hơn. Dẫu trận lụt trong tháng 9 vừa qua khiến cây bị ngập úng, rụng quả, nhưng ước tính, vườn cam của ông Mai cũng sẽ cho nguồn thu gần 200 triệu đồng trong dịp tết năm nay. Cùng với niềm vui của ông Mai, ở các khu vườn của ông Hoàng Văn Đạt, Hoàng Văn Thạch, bà Hoàng Thị Hiền (thôn Yên Thành), ông Nguyễn Quốc Dụy (thôn Yên Mỹ) cũng đã dậy lên sắc vàng ấm áp. Do diện tích và điều kiện chăm sóc nên hầu hết các khu vườn này chỉ có 40-50 gốc cam, nhưng với sản lượng và giá thành khoảng 100.000 đồng/kg vào dịp tết như năm trước thì mỗi vườn cam cũng có thêm nguồn thu từ 20-30 triệu đồng.

Những ngày cuối năm, đất trời như ủ dột trong những đợt mưa dầm dề kéo dài, nhưng vượt lên sự khắc nghiệt của thời tiết, những vườn cam chanh ở thôn Yên Thành, xã Cẩm Yên dường như đã gom đủ nắng vàng để trong những ngày mây xám này dậy lên sắc màu quyến rũ mời gọi những bước chân thương lái đến hẹn lại trở về.

Theo:Thúy Ngọc – Phan Trâm
Baohatinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP