Đặc Sản Hà Tĩnh

Cam Cẩm Yên mở lối đi riêng

Từ lâu, cây cam chanh ở xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã có chỗ đứng trong lòng khách hàng gần xa bởi chất lượng, hương vị đặc trưng. Thế nhưng, do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên sản phẩm chưa phát huy hiệu quả. HTX trồng cam chất lượng cao xã Cẩm Yên ra đời được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá cho sản phẩm này.


HTX trồng cam chất lượng cao xã Cẩm Yên thành lập vào tháng 4/2010, do ông Hoàng Văn Mai làm Chủ nhiệm, bước đầu có 13 thành viên tham gia, với tổng số vốn điều lệ (gồm cả tài sản cố định) gần 2 tỷ đồng. Tổng diện tích cam đang cho thu hoạch là 29.000m2. Bình quân thu nhập của các thành viên hàng năm đạt từ 50 – 200 triệu đồng. Đặc biệt, với vườn cam 160 gốc trên diện tích gần 5.000m2, nhờ có kinh nghiệm và vốn kiến thức làm vườn sâu rộng, vườn cam gia đình ông Mai luôn cho năng suất và chất lượng cao. Hàng năm, trừ các khoản chi phí, ông thu từ 200 – 250 triệu đồng.


Sau gần 1 năm đi vào hoạt động, HTX đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong quá trình liên kết phát triển cây cam của địa phương. Trong đó, việc trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, thực hiện qui trình kỹ thuật như: chiết, ghép cành, tạo hình, xử lý đất, sử dụng phân bón, thuốc BVTV, bảo quản sản phẩm… được phổ biến rộng rãi trong các thành viên. Từ đó, các thành viên được nâng cao kỹ năng trong các khâu sản xuất, thâm canh; giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất. Sản phẩm cam ở Cẩm Yên không thể lẫn với cam ở nhiều địa phương khác, bởi vị ngọt đậm và hương thơm đặc trưng. Đặc biệt, tuổi thọ cây cam rất dài, nhiều vườn cây đã ngoài 20 năm tuổi vẫn phát triển tốt và cho quả bình thường.


Ông Hoàng Văn Đạt, một thành viên HTX có vườn cam rộng trên 5.000m2, với gần 150 gốc cam tâm sự: “Qua hàng chục năm gắn bó với nghề trồng cam, chúng tôi rất tự hào là đã lai tạo được giống cam quý. Điều trăn trở nhất của tôi là một ngày nào đó, khi phong trào trồng cam bị mai một, chất lượng cam sẽ bị giảm sút. Vì vậy, khi thành lập được HTX trồng cam, chúng tôi hết sức yên tâm với nguồn gen quý của địa phương mình”.


Không dừng lại ở sản xuất kinh doanh trên diện tích vườn của các thành viên, hiện nay, HTX đang nhận thầu trên 6 ha đất hoang hóa cạnh xóm Yên Thành để đầu tư cải tạo, đào hồ nuôi thủy sản và trồng cam xung quanh bờ. Dự kiến tổng kinh phí cải tạo mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng đạt trên 2 tỷ đồng, đưa phong trào phát triển cây cam lên một quy mô lớn. Kế hoạch đến năm 2015, khối lượng cam thành phẩm của HTX đạt trên 100 tấn/năm. Từng bước huy động vốn đầu tư cải tạo và quy hoạch để xây dựng khu du lịch sinh thái tổng hợp trong tương lai.


Tiến Thành

Baohatinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP