UBND TPHCM vừa có báo cáo gửi Thành ủy TPHCM về kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm.
Theo đó, qua 143 lượt kiểm tra trên địa bàn quận 1, quận 5, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử phạt hành chính hơn 2,3 tỷ đồng, với các hành vi vi phạm như: kinh doanh hoạt động karaoke không có giấy phép; sử dụng nhân viên phục vụ trong một phòng karaoke vượt quá số lượng theo quy định; dùng các phương thức phục vụ có tính chất khiêu dâm tại nhà hàng karaoke…
Tiếp viên nhà hàng "mát mẻ" phục vụ khách (ảnh: Đình Thảo) |
Đáng chú ý, kiểm tra nhà hàng D.Max (9A đường Tôn Thất Tùng, quận 1) 33 lượt, xử phạt hơn 1 tỷ đồng; nhà hàng Sun Flower 9 (số 9 đường Nguyễn Trãi, quận 1) 6 lượt, xử phạt hơn 185 triệu đồng.
Tại quận 5, lực lượng chức năng kiểm tra nhà hàng tại số 166 đường Nguyễn Biểu 12 lượt, xử phạt hơn 265 triệu đồng; kiểm tra nhà hàng tại 236 Lê Hồng Phong 10 lần, xử phạt gần 168 triệu đồng. Trong đó, nhà hàng tại 166 Nguyễn Biểu đổi chủ 3 lần và nhà hàng 236 Lê Hồng Phong đã 4 lần đổi chủ. Riêng nhà hàng 310 Trần Phú bị kiểm tra 10 lần, 1 lần xử phạt hành chính số tiền 72 triệu đồng với nhiều vi phạm.
Sau khi báo chí phản ánh về tình trạng thác loạn trong các nhà hàng khu vực trung tâm thành phố (tháng 4/2018), lực chức năng tiếp tục kiểm tra 20 lượt, xử phạt 389 triệu đồng.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, các lực lượng chức năng khó phát hiện hành vi tổ chức cho khách nhảy múa thoát y tại nhà hàng ăn uống, giải khát, karaoke như báo chí phản ánh. Nguyên nhân là các cơ sở kinh doanh này đối phó tinh vi, luôn cảnh giác với các lực lượng kiểm tra nên chưa bắt quả tang, xử lý.
Theo UBND TPHCM, các cơ sở vẫn tiếp tục hoạt động và vi phạm. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 211 Luật Doanh nghiệp năm 2014, không thể thu hồi giấy chứng nhận ký kinh doanh, nên không thể đóng cửa doanh nghiệp.
Mặt khác, theo quy định của Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế không còn quy định “tội kinh doanh trái phép” như Bộ Luật hình sự năm 1999, nên các cơ quan chức năng cũng không thể xử lý hình sự về tội kinh doanh trái phép đối với các cơ sở kinh doanh không có giấy phép.
UBND TP cho rằng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về lĩnh vực văn hóa - xã hội chưa chặt chẽ, chưa đầy đủ, chưa đủ tính răn đe. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lợi dụng lách luật, hoạt động biến tướng, đối phó ngày càng tinh vi hơn với các lực lượng kiểm tra.
Đội ngũ nhân viên tại một nhà hàng trên địa bàn quận 5 (ảnh: Đình Thảo) |
Do đó, UBND TP giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở - ngành liên quan và các địa phương rà soát, tham mưu HĐND TP, UBND TP ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh riêng, mang tính đặc thù trên địa bàn thành phố, để tăng cường công tác quản lý đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, dễ phát sinh tệ nạn xã hội.
Bên cạnh đó, UBND quận 1, quận 5 báo cáo ngay với cấp ủy để có ý kiến chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với lãnh đạo của các địa phương được nêu trong các bài báo về công tác quản lý địa bàn (kể cả trách nhiệm của các cán bộ công an và cán bộ phụ trách lĩnh vực) để phòng ngừa việc bảo kê, bao che, dung túng cho các hành vi vi phạm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Qua đó, kịp thời xử lý các sai phạm của cán bộ, không được để tái diễn vụ việc tại các địa điểm mà các cơ quan báo chí đã phát hiện, đưa tin, phản ánh.
TPHCM có 1.268 cơ sở kinh doanh các loại hình tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự. Trong đó, kinh doanh vũ trường, bar, beer club: 172 cơ sở (có phép 155, không phép 17); kinh doanh karaoke: 478 cơ sở (có phép 344, không phép 134); kinh doanh thu âm trên nền nhạc, nhà hàng có tiếp viên nữ biến tướng có phục vụ khách hát karaoke: 618 cơ sở.
Tác giả: Quốc Anh
Nguồn tin: Báo Dân trí