Tin trong nước

Ca phẫu thuật hy hữu cứu sống bệnh nhân mất nửa người

Khi các bác sĩ xuống phòng cấp cứu thì tất cả đều sững sờ vì nhiều bộ phận cơ thể bệnh nhân bị mất hoàn toàn; bệnh nhân bị sốc nặng, không đo được huyết áp…

Ngày 29/8, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, ông Huỳnh Minh Hoàn cho biết đã khen thưởng đột xuất khoa Cấp cứu, khoa Phẫu thuật – gây mê hồi sức, khoa Huyết học và 9 cá nhân của bệnh viện đa khoa Đồng Nai tham gia ê-kíp cấp cứu, phẫu thuật cứu sống bệnh nhân Trần Tất Danh (24 tuổi) bị máy xay đường của công ty Vinacafe (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) cuốn nát gần nửa người.

Nói về ca “siêu phẫu thuật” này, bác sĩ Hà Văn Dần, Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, cho biết sáng 22/8, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Danh trong trong tình trạng bị mất hoàn toàn chân trái, vùng mông, xương chậu, cơ quan sinh dục và ruột lòi ra ngoài.

Sau khi nhận được thông tin, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ – Giám đốc bệnh viện – chỉ đạo 10 bác sĩ giỏi nhất của 2 khoa Tổng ngoại tiết liệu, Chỉnh hình và gây mê hồi sức cấp cứu tập trung cứu bệnh nhân.

“Khi các bác sĩ trong ê kíp xuống phòng Cấp cứu thì tất cả đều sững sờ vì nhiều bộ phận của cơ thể bệnh nhân bị mất hoàn toàn. Bệnh nhân đang trong tình trạng bị sốc nặng, không đo được huyết áp, người đã lơ mơ, da tím tái và không thể cầm máu được. Bệnh nhân nhanh nhóng được đưa vào phòng mổ để tiến hành phẫu thuật”, bác sĩ Dần kể lại.

Trong quá trình phẫu thuật, rất nhiều lần bệnh nhân bị ngưng tim, huyết áp không đo được. Nhiều bác sĩ nghĩ rằng anh Danh không thể qua khỏi. Nhưng không buông xuông, các bác sĩ hồi sức tích cực để tiếp tục ca mổ.

Ê-kíp còn phát hiện bàng quang của bệnh nhân bị vỡ dài 8cm, hậu môn bị rời ra ngoài, ống niệu đạo bị cắt chỉ còn 2cm. Các bác sĩ đã tiến hành tái tạo đáy xương chậu, mở bàng quang để cho nước tiểu ra ngoài, tạo hậu môn nhân tạo, đưa toàn bộ ruột trở lại ổ bụng và tái tạo thành bụng cho bệnh nhân.

Sự sống kỳ diệu

Bác sĩ Dần khẳng định đây được coi là ca “siêu phẫu thuật”, bệnh nhân bị chấn thương nặng, tỷ lệ cứu sống chỉ vài phần trăm. Trong quá trình tiến hành phẫu thuận, bệnh nhân nhiều lần chết lâm sàng.

“Một người bị tổn thương nặng như vậy thường không thể qua khỏi. Nhưng đây là một ca hết sức hy hữu mà lần đầu tiên trong nhiều năm công tác tôi mới gặp. Nếu bệnh nhân được cấp cứu chậm khoảng 10 phút chắc chắn sẽ tử vong”, bác sĩ Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê cho biết.

Bệnh nhân Danh đang đần hồi phục sức khỏe.

Trong quá trình phẫu thuật, khó khăn lớn nhất mà ê-kíp 10 bác sĩ gặp là bệnh nhân bị rối loạn đông máu nên bị mất máu quá nhiều. Vì vậy các bác sĩ phải truyền tới 50 đơn vị máu chế phẩm. Tuy nhiên, lượng máu “khủng” như thế vẫn chưa đủ cho ca phẫu thuật nên phải cần thêm 21 đơn vị máu tươi lấy trực tiếp từ người nhà bệnh nhân. Tổng số máu phải truyền cho bệnh nhân Danh lên tới hơn 10 lít.

Sau ca mổ nhiều giờ, anh Danh đã được cứu sống. Một ngày sau đó, bệnh nhân hồi tỉnh và nói chuyện được.

Hiện anh Danh đã tỉnh lại, tim mạch, huyết áp bắt đầu hoạt động bình thường. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn đang theo dõi chặt chẽ diễn biến sức khỏe của bệnh nhân. Nếu không có tai biến thì khoảng 15 ngày nữa thì sức khỏe bệnh nhận bình phục. Sau đó các bác sĩ tiếp tục phẫu thuật tái tạo lại một số bộ phận đã mất của cơ thể.

T. Hoài

Theo Tri Thức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP