Nhiều tháng nay, tên “Bưu điện Hà Nội” bất ngờ bị “khai tử”. Đơn vị quản lý đặt một cái tên mới cho tòa nhà đối diện hồ Hoàn Kiếm là “VNPT Hà Nội”.
Cái tên mới khiến cho người dân Thủ đô và du khách cảm thấy lạ lẫn vì không còn thấy chữ “Bưu điện Hà Nội” quen thuộc và gắn liều với lịch sử, văn hóa của Thủ đô trên nóc của tòa nhà.
Tòa nhà Bưu điện Hà Nội bất ngờ bị đổi tên thành VNPT Hà Nội. (Ảnh: Toàn Vũ) |
Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho biết, Bưu điện Hà Nội từ lâu đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của Hà Nội. Các hạng mục kiến trúc Bưu điện Hà Nội vẫn hiện diện tại vị trí cũ với dấu tích lịch sử được ghi rõ: “Ngày 20/12/1946, tại đây các chiến sĩ Thủ đô và công nhân bưu điện đã chiến đấu anh dũng, đánh lui nhiều đợt tấn công của giặc Pháp”.
“Mặc dù Bưu điện Hà Nội được tu sửa và xây dựng mở rộng nhiều lần. Nhưng cái tên “Bưu điện Hà Nội” chưa từng thay đổi”, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho hay.
Từ đầu năm 2018, ngay khi lấy ý kiến về việc sửa chữa, thay thế thiết bị đồng hồ Bưu điện Hà Nội, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã có báo cáo gửi UBND TP khẳng định Bưu điện Hà Nội là nơi ghi dấu nhiều thăng trầm lịch sử của mảnh đất Hà thành và hình ảnh đồng hồ lớn gắn với tòa nhà Bưu điện Hà Nội ở bên Hồ Gươm từ lâu đã ở trong tâm thức của người dân Thủ đô và du khách.
Do vậy, theo Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, việc bảo tồn di sản của Thủ đô cần phải quan tâm đến cả các di sản tiêu biểu của kiến trúc bởi đó là những minh chứng cho lịch sử văn hiến nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội.
Chính vì vậy, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho rằng, đơn vị chủ quản tòa nhà này (Công ty Viễn thông Hà Nội) nên trả lại cái tên Bưu điện Hà Nội như trước đây.
Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cũng sẽ kiến nghị UBND TP xem xét theo chiều hướng đồng thuận với ý kiến nhân dân về việc nên thay tên hiện nay - VNPT Hà Nội bằng tên vốn có của công trình này là Bưu điện Hà Nội.
Năm 1946, nơi đây là một trận địa chống Pháp quyết liệt của các chiến sĩ Thủ đô và công nhân Nhà Bưu điện.
Đây là đầu mối thông tin liên lạc giữa Thủ đô với các địa phương trong cả nước, phục vụ Chính phủ và các cơ quan quân sự, an ninh trong cuộc kháng chiến, kiến quốc.
Công trình đã được gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến với nội dung: “Ngày 20/12/1946 tại Bưu điện Hà Nội, các chiến sĩ Thủ đô và công nhân bưu điện đã chiến đấu anh dũng, đánh lui nhiều đợt tấn công của giặc Pháp”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nóc của tòa bưu điện được chọn là một trong số những điểm bố trí hệ thống súng phòng không để bảo vệ bầu trời Thủ đô.
Tác giả: Quang Phong
Nguồn tin: Báo Dân trí